“Thôi, cứ để tới giờ, nó khắc ra!” - tôi nghĩ mãi về câu nói này của ông cụ thân sinh của bà khi bà mụ suýt chịu đầu hàng, bỏ con cứu mẹ. Khoảnh khắc lọt lòng ấy như một định mệnh để chạm trổ vào lịch sử chiến tranh hiện đại Việt Nam và thế giới một chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định sau này. Người không trải qua bất kỳ trường lớp quân sự nào, bài học vỡ lòng về cách mạng là từ người anh thứ ba với “một cuộn giấy tròn và một vuông vải đỏ có thêu hình gì màu vàng ở trong…”. Nhưng chính Con Người Đồng Khởi ấy, đã kế thừa, sáng tạo nên cách đánh “ba mũi giáp công”: quân sự, chính trị, binh vận từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định
|
Sau đó, trong văn kiện Nghị quyết quân sự của Trung ương Cục và Quân ủy miền đã xác định “phương châm chỉ đạo chiến tranh, chiến lược, chiến thuật của ta là: “Hai chân, ba mũi giáp công”. (Hai chân: quân sự, chính trị [bao gồm ngoại giao]. Ba mũi: mũi quân sự, mũi chính trị, mũi binh vận).
Tên gọi thân mật, cô Ba Định là gọi theo thứ của chồng, ông Nguyễn Văn Bích, một thanh niên trí thức thoát ly theo cách mạng. Tính từ cái buổi trưa hẹn nhau “ra nói chuyện gì ở bờ quýt” sau nhà, chỉ một lời kết nguyện: “Phải cho tôi làm cách mạng, phải tốt với ba má tôi và thương tôi trọn đời”, rồi họ nên vợ nên chồng cho đến ngày vĩnh viễn chia xa, bà chỉ được ở cạnh chồng không quá 2 tháng. Có được một tuần đầy khi ông về chăm bà trước ngày sinh nở. Con sinh ra chưa kịp đặt tên thì ông bị bắt, ngày thăm chồng trong nhà giam, chỉ kịp với gọi nhau đặt cái tên On - cho đứa con duy nhất. Rồi từ đó, chỉ còn là những cuộc tiễn đưa trong âm thầm, biệt dạng.
Có phải vì cái định mệnh “tới giờ, khắc ra” ấy mà cuộc đời bà luôn đặt để trước những khoảnh khắc không có lựa chọn nào khác, buộc phải chiến đấu và sinh tồn, buộc phải “mạnh dạn căng buồm lướt sóng” - một trong ba khẩu hiệu trước giờ G đêm Đồng khởi 17/1/1960.
Như cái buổi chiều tháng 11 năm 1946, trời bỗng nổi gió chướng, biển động ầm ầm. Bà quyết định cho thuyền nhổ neo. “Gặp khó với trời còn hơn là bị khó với địch. Dám đi trong những lúc giông bão là ngon nhứt”. Thuyền chở theo số vũ khí, đạn dược mà Chính phủ và Bác Hồ gửi cho miền Nam, có bố trí sẵn chất nổ và hai khẩu trung liên cho tình huống giáp chiến với địch, “dù có chết cũng không để vũ khí rơi vào tay kẻ thù”.
Chuyến vượt biển bão táp ấy đã về đích. Tư lệnh khu VIII lúc ấy là ông Trần Văn Trà đã vào tận rừng Thạnh Phú để nhận số vũ khí được vận chuyển bởi người chỉ huy trưởng, cô Ba Định. Và 14 năm sau, một lần nữa ông hoàn toàn bị thuyết phục bởi người đồng chí mưu lược, tài ba, quả cảm ấy ngay trên chiến trường khốc liệt.
|
Bà Nguyễn Thị Định và Chủ tịch Cuba Phidel Castro (18/7/1974) |
Chuẩn bị cho ngày Đồng khởi, với lực lượng chiến đấu và phối hợp tác chiến quá ít ỏi, lại hầu hết là không chuyên, bà đề nghị lập ngay một lực lượng võ trang tối thiểu làm nòng cốt, lực lượng này dù mỗi tổ chỉ có một cây súng làm vốn nhưng lại được lấy danh nghĩa của Tiểu đoàn 502 Đồng Tháp để uy hiếp địch. Mặt khác, bà cho thanh niên xã này qua xã kia học nói bập bẹ một số tiếng miền Bắc để tung tin có bộ đội chủ lực miền Bắc vào. Khi chọn Mỏ Cày làm điểm của Đồng khởi, là bà phải tính luôn điều cho được bọn Tổng đoàn dân vệ ở xã Thạnh Bình về xã Định Thủy, tại Định Thủy, ta đã có chi bộ, tổ chức quần chúng, nắm vững số tề ấp và đặc biệt lực lượng nội tuyến dày và tin cậy. Càng giãn địch xa Mỏ Cày thì ta càng thuận lợi để chúng không kịp tiếp tế, ta đánh thốc và đánh thắng tụi dân vệ thì càng tạo tiếng vang.
Nắm rõ địa hình, bám sát địa bàn, tài mưu lược ấy trong bố trí các mũi giáp công, về sau, trong một cuộc họp quan trọng, khi đề cập đến khái niệm rất mới về chiến tranh “kết hợp tấn công quân sự với tấn công chính trị và binh vận”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Quân ủy miền thường nhìn đồng chí nữ Phó Tư lệnh với vẻ trân trọng: “Đúng không chị Ba, phải không vậy chị Ba?”. Bà mỉm cười, khẽ gật đầu. (Trích theo tư liệu của Thiếu tướng Bùi Cát Vũ).
|
Nguyễn Văn On (bên phải) con trai duy nhất của bà Nguyễn Thị Định và bạn cùng trường |
Vị tướng ấy vẫn tranh thủ những giờ nghỉ ngơi, ngày cũng như đêm bà đọc và tự học thêm về kỹ thuật chiến tranh hiện đại, nắm vững và hiểu chuyên sâu về tất cả thiết bị, kỹ thuật quân sự. Thỉnh thoảng có đoàn khách quốc tế đến thăm, Cục Chính trị viết sẵn bài diễn văn và dịch trước nhưng bà không đọc, chỉ nói “vo”. Bị đồng chí thông dịch cằn nhằn, bà cười hiền lành bảo: “Diễn văn, diễn từ khách sáo quá, bệ vệ quá mà không có nội dung. Bạn đến đây đâu phải để nghe diễn văn”.
***
Trong những ngày lo tập trung chỉ đạo Phong trào Đồng khởi trong toàn tỉnh, vị nữ bí thư tỉnh ủy liên tục xuống địa bàn cơ sở. Một bữa trưa, bà trở về, có chỉ thị mật trên Khu ủy gửi xuống. Bỗng người đồng chí, cấp dưới của bà nghẹn giọng: “Chị Ba”, “Gì vậy, cậu Sáu?”, “On mất rồi, chị Ba à!”.
Đứa con trai duy nhất, từ lúc chào đời tới giây phút sinh tử này đây, bà chỉ ở cạnh con, lâu nhất, nói chuyện nhiều nhất với con là 4 ngày trên chính cái chuyến đưa con xuống Cà Mau tập kết ra Bắc. Đau đớn nào bằng. Xé lòng đứt ruột má lắm con ơi… “Đau ốm, nằm buồn. Lúc khỏe mạnh thiếu má không sao, nhưng khi đau ốm thường nhớ má quá. Không có người thân để tâm sự…” - trích nhật ký của On. (Nữ chiến sĩ rừng dừa - Bích Thuận).
|
Bà Nguyễn Thị Định bên mộ con trai Nguyễn Văn On tại nghĩa trang Văn Điển Hà Nội (1974) - Ảnh tư liệu |
Xin nghiêng mình trước tấm huân chương tài ba, quả cảm của vị chỉ huy trên chiến trường khốc liệt. Còn trước nỗi đau và mất mát tận cùng này, của một người mẹ, chỉ biết cúi đầu tạ lỗi. Bởi non sông này, hậu thế này mãi mãi mang ơn bà về đức hy sinh mẫu tử, đã trọn vẹn hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc, mà thầm lặng riêng mang những nỗi đau không lời.
Trăm năm của một đời sinh vi tướng, tử vi thần - bà đã điểm tô sơn hà bằng một nhân cách văn hóa, một tầm vóc tướng lĩnh và một trái tim người mẹ.
Lê Huyền Ái Mỹ