Đến nay, CEP tạo dựng được mạng lưới gồm 36 chi nhánh từ TP.HCM đến các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tây Ninh… đã được nhận giải thưởng “Tổ chức minh bạch nhất về tài chính” do CGAP của Ngân hàng Thế giới trao tặng; giải thưởng về báo cáo hiệu quả xã hội do MIX của Ngân hàng Thế giới trao tặng. Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trao đổi cùng bà Phan Thị Kim Lan - Phó Tổng giám đốc CEP - về những vấn đề mà bạn đọc quan tâm.
Phóng viên: Xin bà vui lòng cho biết hoạt động của tổ chức tài chính CEP có gì khác so với ngân hàng hiện nay?
Bà Phan Thị Kim Lan: Từ ngày đầu thành lập, CEP đã vận dụng sáng tạo mô hình Ngân hàng Grameen (Bangladesh) dành cho đối tượng là người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân lao động (CNLĐ) hoặc khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân... Chúng tôi còn phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau như tạo việc làm, tăng thu nhập, mùa vụ, sửa chữa nhà, học nghề, khẩn cấp, sản xuất kinh doanh nhỏ. Điểm khác biệt lớn nhất của CEP so với ngân hàng là với mục tiêu phi lợi nhuận, CEP đặt lợi ích của người lao động nghèo lên hàng đầu và các giá trị về sự chính trực, sự đồng cảm và sáng tạo trong hoạt động là kim chỉ nam trong mọi hoạt động. Đến nay, CEP trực tiếp hỗ trợ 4,8 triệu lượt hộ CNLĐ nghèo với số tiền 65.000 tỷ đồng, tạo ý thức tiết kiệm trong cộng đồng dân cư nghèo với tổng tiết kiệm khách hàng trên 1.500 tỷ đồng.
|
Bà Phan Thị Kim Lan - Phó Tổng giám đốc CEP |
* Bà vừa cho biết về việc “tạo ra ý thức tiết kiệm” của người đi vay, xin hỏi, do nghèo, phải đi vay thì làm sao họ có thể gửi tiết kiệm? CEP đã thực hiện thế nào?
- Chính quan điểm “nghèo thì không có tiền tiết kiệm” đã khiến nhiều người thu nhập thấp phải vay tín dụng đen khi gặp khó khăn về tài chính, cuộc sống càng trở nên bế tắc. Nhận thấy tiết kiệm rất cần thiết đối với người thu nhập thấp, từ ngày đầu thành lập, chúng tôi đã luôn khuyến khích khách hàng thực hành thói quen tiết kiệm bằng cách cung cấp sản phẩm tiết kiệm theo khoản vay, tiết kiệm định hướng phù hợp và thuận lợi cho khách hàng. Qua đó, khách hàng có thể gửi tiết kiệm những khoản rất nhỏ hằng tuần, tháng kèm với lịch hoàn trả vốn; thủ tục rút tiết kiệm nhanh chóng. Đến nay, có trên 277.000 khách hàng CEP tham gia tiết kiệm với tổng số dư 956 tỷ đồng.
* Làm cách nào để người vay vốn có thể hoàn trả vốn, sử dụng đồng tiền vay hiệu quả?
- CEP không yêu cầu khách hàng thế chấp tài sản mà dựa vào uy tín, sự nỗ lực và ý chí vươn lên của CNLĐ. Trong quá trình khảo sát tại hộ gia đình khách hàng, bên cạnh đánh giá uy tín, mức nghèo, xác định nhu cầu vay vốn, nhân viên chúng tôi còn tư vấn mức vay phù hợp nhằm giúp khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Khi hoàn trả vốn, thông qua nhiều hình thức như hằng tuần, hai tuần, hằng tháng là giúp khách hàng chủ động lựa chọn trả phù hợp với thu nhập của bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, nếu họ gặp khó khăn, nhân viên tín dụng CEP sẽ trực tiếp thăm hỏi, tìm hiểu để tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp tục hoàn trả vốn vay.
* Làm thế nào có thể quản lý được đồng tiền đã cho vay?
- Điều quan trọng nhất là sự sâu sát, gần gũi, niềm tin giữa CEP và người lao động nghèo. Bên cạnh đó, CEP tổ chức trợ vốn theo mô hình cụm (đối với người lao động) và đơn vị (đối với công nhân). CEP ký hợp đồng trách nhiệm với cụm trưởng tại cụm và với công đoàn cơ sở tại đơn vị, phối hợp thu hồi vốn hằng tuần, hai tuần hoặc hằng tháng từ khách hàng. Bên cạnh đó, từ tháng 10/2021 CEP đã triển khai “App CEP - đồng hành vượt khó” nhằm giúp khách hàng chủ động rà soát, tra cứu thông tin về khoản vay, quá trình hoàn trả, số dư tiết kiệm của mình.
* Một trong những cách xóa đói giảm nghèo vẫn là trao cần câu chứ không phải con cá, vậy, ngoài việc cho vay, CEP có áp dụng biện pháp tích cực gì khác?
- Đúng thế. Song song với sản phẩm tín dụng và tiết kiệm, CEP cung cấp các dịch vụ phát triển cộng đồng nhằm hỗ trợ cải thiện an sinh của hộ nghèo như huấn luyện nâng cao nhận thức cộng đồng, giáo dục tài chính, chương trình học bổng CEP, mái nhà CEP, hỗ trợ tài chính khẩn cấp và thực phẩm thiết yếu cho khách hàng nghèo và khó khăn nhất. Trong năm 2020 và 2021, trước tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống CNLĐ nghèo, CEP đã dành trên 62 tỷ đồng với nhiều sáng kiến phát triển cộng đồng đi vào chiều sâu, hỗ trợ thiết thực cho khách hàng. Đặc biệt từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào tháng 3/2020 đến nay, CEP đã liên tục thực hiện các chuỗi chương trình “CEP - Chia sẻ yêu thương” hỗ trợ hơn 40.000 CNLĐ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh với các phần quà nhu yếu phẩm, thuốc, dụng cụ y tế, trao tặng sổ tiết kiệm...
* Trong nhiều năm qua, CEP đã đồng hành với người nghèo như thế nào? Bà có thể kể câu chuyện tiêu biểu?
- Chúng tôi khâm phục ý chí và nghị lực vươn lên của rất nhiều khách hàng. Chẳng hạn, chị Phạm Anh Phụng (H.Nhà Bè), do vay nặng lãi không có khả năng hoàn trả, đã có lúc chị quyết định cho đứa con mình vừa mới sinh để đổi lấy ba lượng vàng. Nhờ những khoản tiền vay của CEP, chương trình phát triển cộng đồng, kèm với nghị lực phi thường, chị đã dần trả hết nợ, cuộc sống đã đổi thay từng ngày. Hay như trường hợp của chị Nguyễn Thị Điểm, trước đây cả gia đình chị phải sống tạm bợ dưới ghe và đi thu lượm phế liệu trên sông, điện nước sinh hoạt không có để dùng... Nhờ hỗ trợ vốn vay từ CEP, nay gia đình chị đã có được căn nhà khang trang, đời sống tinh thần cải thiện rất nhiều. Những trường hợp tương tự rất nhiều.
* Hiện nay, người nghèo thường vay xã hội đen một phần do ngại các thủ tục rườm ra từ ngân hàng. Xin hỏi, các thủ tục vay vốn CEP cụ thể ra sao để người nghèo mạnh dạn đến?
- Khách hàng nghèo có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn thông qua cụm trưởng, cộng tác viên - là người khách hàng thường xuyên tiếp xúc tại nơi ở hoặc nơi làm việc. Thủ tục vay vốn CEP rất thuận lợi, khách hàng chỉ cần cung cấp giấy tờ tùy thân không cần công chứng, hồ sơ đăng ký vốn vay được cộng tác viên, cụm trưởng và nhân viên tín dụng CEP trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ.
|
Hoạt động trao vốn tại chi nhánh Q.12, TP.HCM |
* Để CEP có thể làm tốt hơn nữa công việc của mình, theo bà đâu là điều cần thiết nhất từ phía Nhà nước?
- Hai năm qua, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống CNLĐ. Trong suốt thời gian ấy, CEP nỗ lực hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động thông qua hỗ trợ giảm lãi suất, miễn lãi, các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng và gia đình không may bị nhiễm COVID-19, sản phẩm tín dụng bổ sung giúp khách hàng còn dư nợ vay nhưng cần thêm vốn phục hồi sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, CEP đã kịp thời đưa vào ứng dụng “App CEP - đồng hành vượt khó” giúp khách hàng đăng ký rút tiết kiệm, đăng ký khoản vay mới để được phục vụ nhanh nhất cùng chương trình giáo dục tài chính, chương trình kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động.
Nhằm tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp thiết thực và hiệu quả, CEP đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành cơ chế cho phép tổ chức tài chính vi mô hội đủ điều kiện về công nghệ thông tin và các điều kiện cần khác được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, giúp cho người lao động thu nhập thấp nhanh chóng được hưởng thụ những giá trị tốt nhất mà công nghệ mang lại kết hợp với mục tiêu phi lợi nhuận.
Lê Minh Quốc (thực hiện)