Tổ chức show quốc tế tại Việt Nam: Phải chuyên nghiệp hơn

24/11/2023 - 19:10

PNO - Sau khi xem Westlife biểu diễn tại TPHCM, nhiều khán giả thất vọng về khâu tổ chức, cho rằng muốn “đi đường xa”, đơn vị tổ chức cần chuyên nghiệp hơn.

Nhiều bất cập

2 đêm nhạc trong chuyến lưu diễn The Wild Dreams Tour của Westlife tại Việt Nam (21, 22/11) vừa kết thúc. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả vẫn còn lâng lâng trong những giai điệu gợi nhớ về thời thanh xuân gắn bó cùng âm nhạc Westlife. Với họ, các thành viên của nhóm, dù đã già đi hay trải qua tan - hợp thì cảm xúc mà âm nhạc mang lại vẫn tròn đầy.

Lều kỹ thuật được dựng che tầm nhìn của khán giả ở hàng ghế thuộc khu vực CAT3 trong đêm nhạc đầu tiên của Westlife tại Việt Nam
Lều kỹ thuật được dựng che tầm nhìn của khán giả ở hàng ghế thuộc khu vực CAT3 trong đêm nhạc đầu tiên của Westlife tại Việt Nam

Tuy nhiên, điều đáng nói sau 2 đêm nhạc là năng lực của đơn vị tổ chức và chất lượng âm nhạc của Westlife vẫn còn nhiều vấn đề. Người nghe không ngần ngại nhận xét “âm nhạc của nhóm đã cứu khâu tổ chức”, “vì Westlife nên tha thứ cho AMO (đơn vị tổ chức đêm nhạc Westlife - PV)”... Có nhiều bất cập trong khâu tổ chức của AMO từ việc mở bán thêm hạng vé không có trong dự định ban đầu gây tranh cãi, vé đắt tiền nhưng chỗ ngồi lại quá xa sân khấu, nhiều vị trí ngồi bị giàn giáo hay lều bạt lớn che khuất tầm nhìn, một số ghế ngồi không được vệ sinh sạch sẽ...

Theo chia sẻ từ ban tổ chức (BTC), sau đêm nhạc đầu tiên, họ đã họp bàn đến 3 giờ sáng hôm sau để đưa ra những giải pháp khắc phục, nhằm mang đến cho khán giả trải nghiệm tốt hơn. Ghi nhận thực tế ở đêm nhạc thứ hai, BTC có cải thiện nhiều khâu. Đặc biệt, lều kỹ thuật dựng che khuất toàn bộ tầm nhìn của một số hàng ghế khu CAT3 đã được dỡ bỏ. BTC in thêm lời bài hát để khán giả có thể đồng thanh theo các thành viên Westlife. Các khâu soát vé, sắp xếp chỗ ngồi cũng được thực hiện bài bản hơn đêm đầu.

Trước đêm nhạc của Westlife, Việt Nam là điểm đến tiềm năng của nhiều nghệ sĩ/nhóm nhạc nổi tiếng thế giới. Chỉ trong vài tháng, khán giả Việt Nam đã được xem Charlie Puth, Taeyang, nhóm Blackpink, 911, Blue, A1, The Moffatts, Lee Hyori, HyunA, Zico... biểu diễn. Tuy nhiên, không phải BTC sự kiện nào cũng đáp ứng được kỳ vọng của khán giả về năng lực tổ chức.

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, khán giả Chiến Thắng (ngụ TPHCM) cho biết, anh từng đi xem đêm nhạc của Blackpink ở Malaysia và Việt Nam. So sánh về chất lượng âm thanh, ánh sáng của 2 địa điểm thì gần như không khác biệt, bởi trang thiết bị và đội kỹ thuật chính đều từ Hàn Quốc. Điểm khác đầu tiên là giá vé tại Việt Nam cao hơn Malaysia gấp 2-3 lần. Nhưng đó không phải là khác biệt tạo trải nghiệm ám ảnh như về khâu tổ chức.

“Tôi mua được vé ngồi hàng VIP RIGHT, số ghế AC3. Đến ngày biểu diễn, khi tôi bước vào khu vực của khu AC thì thấy trước AC là AN176, và AC bắt đầu từ số ghế AC7, không có từ AC1 đến AC6. Tôi đi tìm nhân viên hướng dẫn và được hỗ trợ tìm ghế nhưng không thấy. Lúc này, các bạn ấy nói số ghế của tôi là ghế vé mời của BTC. Tôi rất hoang mang vì tôi và các khán giả còn lại đều không có ghế nhưng không hề có thông báo nào trước đó. Đến khi buổi diễn sắp bắt đầu, nhân viên dẫn tôi đến khu rất xa, gọi là khu ghế trống dự phòng gần khu PLATIUM, trong khi 2 giá vé cách nhau tận 2 triệu đồng” - anh Thắng chia sẻ. Chi gần 10 triệu đồng để mua vé nhưng không đúng như những cam kết ban đầu, anh Thắng vô cùng thất vọng. Anh đã viết mail cho BTC và bày tỏ sự không hài lòng trên Facebook nhưng không nhận được phản hồi hay xin lỗi từ iME Việt Nam - đơn vị tổ chức đêm nhạc Blackpink.

Thay đổi để có thể khai thác cơ hội

Sau khi xem đêm nhạc thứ hai của Westlife, khán giả Trang Đinh chia sẻ: “Có những thiếu sót trong khâu tổ chức, Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm làm nhiều show quốc tế nên sẽ cần thời gian để tích lũy. Điều trân trọng là đêm nhạc thứ hai, các bạn đã lắng nghe khán giả và thay đổi”.

Lều kỹ thuật được dựng che tầm nhìn của khán giả ở hàng ghế thuộc khu vực CAT3 trong đêm nhạc đầu tiên của Westlife tại Việt Nam Lều kỹ thuật được dựng che tầm nhìn của khán giả ở hàng ghế thuộc khu vực CAT3 trong đêm nhạc đầu tiên của Westlife tại Việt Nam
Khu ghế ngồi được khán giả phản ánh đến BTC đêm nhạc Westlife vì quá bẩn. Ảnh: Khán giả đăng trên Fanpage AMO.

Khán giả Thu Thủy và Phương Anh mong AMO chuyên nghiệp hơn ở những đêm nhạc mang tầm quốc tế tiếp theo, bởi nếu thiếu năng lực tổ chức, khán giả sẽ mang tâm lý dè chừng, dễ quay lưng khi thấy tên chương trình do đơn vị này thực hiện. Ngoài ra, việc ra nước ngoài xem show kết hợp du lịch đã được nhiều khán giả Việt chọn lựa. Do đó, chỉ cần khâu tổ chức của các đơn vị trong nước thiếu bài bản, không chuyên nghiệp, gây thấy vọng, khán giả Việt sẽ có lựa chọn thưởng thức khác.

Không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khán giả, khâu tổ chức còn quyết định trong việc tạo ấn tượng với nghệ sĩ quốc tế, để họ chọn quay lại Việt Nam. Tại đêm nhạc thứ hai của sự kiện GENfest, tổ chức tại TPHCM vào đầu tháng Mười một, ca sĩ Lee Hyori gặp sự cố khi đang thể hiện ca khúc Miss Korea. Cụ thể, khi đang thể hiện bài hát, bất ngờ micro của cô mất âm thanh. Khán giả Việt khi đó góp giọng còn Lee Hyori an ủi ngược: “Các bạn đừng trách ai nhé!”. Lee Hyori không phải là ca sĩ đầu tiên gặp sự cố về âm thanh tại GENfest. Ngoài cô còn có MONO (Nguyễn Việt Hoàng) bị tắt nhạc trong vòng 5 phút. Cách xử lý khéo léo của nghệ sĩ nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả. Nhưng nếu khâu tổ chức trơn tru hơn, trải nghiệm của người nghe không bị gián đoạn và nghệ sĩ cũng sẽ thăng hoa hơn trong trình diễn.

Không riêng âm nhạc, năng lực tổ chức của một số đơn vị trong nước ở các sự kiện điện ảnh, ẩm thực, thời trang... mang tầm quốc tế cũng nhiều lần được nhắc đến với không ít băn khoăn. Các đơn vị tổ chức phải nghiêm túc nhìn lại năng lực tổ chức, đầu tư chuyên nghiệp hóa lực lượng nhân sự, học hỏi chuyên môn, kinh nghiệm từ các chương trình quốc tế tổ chức ở nước ngoài, như vậy mới có thể khai thác cơ hội khi Việt Nam trở thành điểm đến của các ngôi sao ca nhạc quốc tế. 

Diễm  Mi

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI