Tổ chức phiên chợ, vườn rau từ thiện giúp trẻ hình thành lòng yêu thương

19/01/2024 - 06:23

PNO - Một buổi chiều cuối năm 2023, trong khuôn viên Trường mầm non Phú Mỹ (quận 7, TPHCM) có rất nhiều gian hàng bày bán quần áo, giày dép, gấu bông, đồ chơi… với giá rẻ hoặc chỉ tặng không.

Học sinh Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TPHCM) giới thiệu rau sạch đến phụ huynh
Học sinh Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TPHCM) giới thiệu rau sạch đến phụ huynh

Đây chính là hoạt động Phiên chợ yêu thương được nhà trường và phụ huynh cùng nhau thực hiện vào cuối tháng 12/2023. Ý tưởng ban đầu đến từ việc nhiều phụ huynh dọn nhà cuối năm, dư ra một số vật dụng còn mới nhưng không có nhu cầu sử dụng nữa, muốn đóng góp cho hoạt động từ thiện.

Sau đó trong 1 tuần liền, nhiều phụ huynh đã mang đồ đến trường đóng góp, trong đó có những món đồ giá trị cao, còn nguyên tem, nhãn. Phụ huynh và thầy cô đã phân loại thành đồ bán gây quỹ, đồ tặng… và tổ chức phiên chợ.

Ngày sự kiện diễn ra, những người “mua hàng nhí” thì háo hức chọn sản phẩm, nhiều em học sinh là “chủ nhân nhí” của nhiều món đồ thì chăm chú theo dõi xem quà tặng của mình sẽ đến tay ai. Giữa sân trường đông đúc, một cô bé đứng lặng im, ngắm mãi chiếc đầm của mình - vốn không còn mặc vừa - rồi ấm ức hỏi mẹ: “Vì sao mẹ lại cho đi?”. Sau khi được mẹ giải thích rằng chiếc đầm sẽ được tặng cho một bạn khác cần hơn, cô bé khẽ mỉm cười đồng ý. Cô giáo cũng mang đến cho em một chú gấu bông, để em thấy giá trị của việc cho đi và nhận lại. 

“Tôi không bao giờ muốn con có suy nghĩ “muốn gì được nấy” nên khi biết phiên chợ này, tôi chủ động đưa con đi và giải thích rất rõ đồ bán ở đây là đồ cũ, việc mua những món hàng ở đây là một sự đóng góp. Và tôi cũng nói với con rằng nếu bỏ quá nhiều vật dụng cũ, thế giới sẽ trở thành một bãi rác nên việc tái sử dụng là điều rất tốt đẹp. Dù con chưa hiểu hoàn toàn, nhưng con đã thắc mắc, hỏi rất nhiều về việc tái sử dụng các đồ vật” - chị Lê Thu - một phụ huynh học sinh - chia sẻ. 

Bà Phạm Bảo Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, sau 2 ngày diễn ra ngày hội, nhà trường thu được hơn 14 triệu đồng tiền quyên góp. Số tiền này sẽ được dùng để cải tạo vườn rau - nơi các em học về thiên nhiên - và mua thêm chậu cây cho phòng vệ sinh. Hằng năm, trường cũng tổ chức hoạt động đấu giá tranh để gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo. Những bạn nhỏ lớp chồi, lớp lá được lựa chọn sẽ vẽ gì, làm gì để bán gây quỹ hoặc tặng cho người cần. Đồng thời, cô giáo sẽ cho các em xem hình ảnh về những hoàn cảnh kém may mắn để có sự cảm thông, thấu hiểu và cố gắng làm tốt hơn.

“Công tác giáo dục, đặc biệt là dạy cho trẻ em ở bậc học nhỏ nhất rất cần những hoạt động thực tế để trẻ được làm, được cảm nhận trực tiếp. Qua những hoạt động này, trẻ được phát triển nhiều về mặt tình cảm, kỹ năng xã hội. Đồng thời, rèn luyện thêm kỹ năng về thẩm mỹ, sáng tạo, kỹ năng thể chất, cầm bút, viết” - bà Phạm Bảo Hạnh tâm đắc nói. 

Học sinh Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TPHCM) chăm sóc vườn rau
Học sinh Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TPHCM) chăm sóc vườn rau

Từ 2 năm qua, thầy trò Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TPHCM) cũng đã tiến hành hoạt động bán rau gây quỹ, trao học bổng cho học sinh nghèo. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin: trường có vườn rau sân thượng rộng 4.000m2, đưa vào hoạt động từ năm học 2022-2023. Vườn được chia thành 5 khu cho 5 khối lớp, với đủ các loại rau như rau muống, húng quế, mồng tơi, cải mầm…

Để có được vườn rau xanh tốt quanh năm, học sinh luôn chủ động làm hết các công việc tại vườn, từ làm đất, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Thông qua trải nghiệm thực tế và sự hỗ trợ của thầy cô, các em được cung cấp rất nhiều kiến thức cho các môn tự nhiên, xã hội, tiếng Việt, công nghệ… 

Đặc biệt, nguồn rau sạch sau khi thu hoạch sẽ được các em chủ động giới thiệu đến ba mẹ mua để gây quỹ cho hội khuyến học của trường, giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài trường. Kinh phí ủng hộ cho hoạt động hoàn toàn là tùy tâm.

“Các em vốn đã thích chăm sóc vườn rau, từ ngày có hoạt động gây quỹ lại càng háo hức hơn. Phụ huynh cũng rất tự hào với việc làm của con em mình, nhiều người còn chủ động lên trường tham gia cùng các em. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là giáo dục được cho học sinh tình yêu thương đối với cộng đồng” - bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt chia sẻ.

Đợt gây quỹ cuối học kỳ I vừa qua, trường được quyên góp 8,5 triệu đồng. Số tiền này giúp trường có thể trao 15 phần quà tết cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường. Năm trước, trường cũng trao khoảng 43 suất học bổng cho học sinh Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và 30 suất học bổng cho học sinh của trường. 

Cần nhân rộng các hoạt động ý nghĩa này

Những chương trình, hoạt động giáo dục tư tưởng, tình cảm trong quá trình dạy học rất ý nghĩa và cần thiết, đặc biệt là với học sinh ở bậc học mầm non, tiểu học. Nhưng trong lúc thực hiện hoạt động, tôi nghĩ thầy cô cần sử dụng thêm ngôn từ đơn giản để giải thích cho các em hiểu là những hành động, việc làm như thế mang lại ý nghĩa gì. Chỉ khi hiểu rõ được việc mình đang làm, cảm nhận được giá trị mà nó mang lại, các em mới có thể ghi nhớ lâu bền. 

Nếu các em được giáo dục về tình yêu thương con người, thiên nhiên từ khi còn nhỏ, các em sẽ sớm hình thành được nhân cách và nếp sống tốt đẹp. Dù tuổi còn nhỏ nhưng các em vẫn cần phải nhận thức được việc nào là tốt, việc nào không nên làm. Mặt khác, thầy cô, cha mẹ và người lớn nói chung cũng cần làm gương cho các em thông qua những việc làm cụ thể. Tóm lại, những hoạt động này cần nhân rộng nhiều hơn vì tính chất nhẹ nhàng nhưng mang lại hiệu quả cao 

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Trang Thư

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI