Tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, tránh "trăm hoa đua nở"

03/01/2023 - 06:45

PNO - Việc tổ chức những kỳ thi riêng sẽ giúp thí sinh có thêm phương thức xét tuyển vào đại học. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” gây lãng phí và tăng áp lực thi cử cho học sinh.

 

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM - ẢNH: P.T.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM - Ảnh: P.T.

Quá nhiều đợt thi trong năm

Thời gian qua, bên cạnh 2 kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM, đã có thêm các kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, kỳ thi chuyên biệt của Trường đại học Sư phạm TPHCM, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ngoài ra, hệ thống các trường công an, quân đội cũng có những kỳ thi riêng. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có 60 cơ sở đào tạo đăng ký lấy kết quả để tuyển sinh, kỳ thi của Đại học Quốc gia TPHCM có 81 trường đại học lấy kết quả, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội có 21 trường sử dụng. Đối với kỳ thi độc lập của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, vừa qua, đã có 8 trường đại học sư phạm trên cả nước thống nhất sử dụng kết quả để xét tuyển năm 2023.

Ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM - cho biết năm 2023, trường tiếp tục duy trì kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiến sẽ tổ chức 2 đợt thi vào tháng Tư và tháng Sáu. Thí sinh được chọn 1 trong 6 bài thi toán, văn, Anh, lý, hóa, sinh để xét tuyển vào 21 ngành của trường. “Năm 2022 kỳ thi lần đầu tiên tổ chức đã thu hút được gần 2.000 thí sinh tham gia. Năm 2023, trường dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi chuyên biệt từ 20% lên khoảng 35 - 40%. Năm trước, kết quả kỳ thi chỉ được dùng làm đầu vào tuyển sinh của Trường đại học Sư phạm TPHCM. Sắp tới, bên cạnh việc xem xét mở rộng địa điểm thi ngoài TPHCM, chúng tôi sẽ làm việc với một số trường để có thể thống nhất mở rộng việc sử dụng kết quả kỳ thi này ở nhiều cơ sở đào tạo hơn, giúp tạo thuận lợi cho thí sinh” - ông Trung nói.

Đối với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo - thông tin năm nay tiếp tục tổ chức 2 đợt thi như những năm trước. Bên cạnh 17 địa điểm thi tại các tỉnh, thành phố như năm 2022, sẽ nghiên cứu mở rộng thêm địa điểm thi tại tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với mục tiêu tăng quy mô và mở rộng địa điểm thi, năm nay, các trường trong khối Đại học Quốc gia TPHCM cũng sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức kết quả kỳ thi đánh giá năng lực lên tối thiểu 45%.

Trong khi đó, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức đến 12 đợt thi từ tháng Ba đến tháng Sáu tại 8 tỉnh, thành trên cả nước. Đáng chú ý, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thống nhất với Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) có thể mở rộng kỳ thi đánh giá năng lực tại TPHCM. Dự kiến kỳ thi sẽ diễn ra sau các đợt thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM.

Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy, trong đó 2 đợt tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 5 và 6/2023) và 1 đợt tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp (tháng 7/2023). Kỳ thi đánh giá tư duy đang hướng tới việc tổ chức nhiều đợt trong năm và thí sinh không bị giới hạn số lần thi.

Cần kiểm soát chặt chẽ

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo - nhìn nhận: Hiện nay các trường được giao quyền tự chủ, trong đó có quyền chủ động lựa chọn các phương thức tuyển sinh để phù hợp với đầu vào đào tạo của nhà trường. Tuy vậy, việc nở rộ các kỳ thi riêng mà đa phần được tổ chức ở những tỉnh, thành phố lớn sẽ hạn chế sự tiếp cận của học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, các trường đang có xu hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức kết quả kỳ thi riêng cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp cơ hội của thí sinh ở những khu vực khó khăn không có điều kiện tham gia các kỳ thi này.

Bên cạnh đó, hiện nay học sinh, phụ huynh Việt Nam vẫn bị áp lực thành tích nặng nề. Do đó, việc có quá nhiều kỳ thi riêng với nhiều đợt thi trong năm và không giới hạn số lần thi có thể dẫn đến tình trạng học sinh “chạy show” tham gia các kỳ thi. Sẽ có nhiều học sinh ở tỉnh lẻ phải đổ xô lên các thành phố lớn để thi kéo theo tốn kém tiền bạc, thời gian, quay lại cảnh như trước đây học sinh thi tốt nghiệp xong phải “khăn gói” đi thi đại học.

Do đó, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Bộ GD-ĐT nên thể hiện chức năng quản lý nhà nước bằng cách kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức các kỳ thi riêng. Đối với những kỳ thi có đặc điểm và mục tiêu tương đồng thì nên có sự quy hoạch, thống nhất về đầu mối tổ chức cũng như địa điểm thi, hệ thống đề thi, đánh giá, thang điểm...

Hiện nay, các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, tuy nhiên việc quy đổi thang điểm giữa các phương thức vẫn chưa có quy chuẩn và cơ sở khoa học đáng tin cậy. Điều này có thể gây mất công bằng cho những thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau. “Vì thế, cần xây dựng hệ quy đổi khoa học giữa phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm các kỳ thi riêng cũng như điểm học bạ. Đồng thời, cần có những nghiên cứu, đánh giá bài bản về chất lượng của những thí sinh đậu đại học theo phương thức xét tuyển từ kết quả của các kỳ thi riêng để đo lường được chất lượng của các kỳ thi này” - ông Hoàng Ngọc Vinh góp ý.

Đồng quan điểm, phó giáo sư, tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội - cũng cho rằng, tuy hiện nay các trường đại học được tự chủ nhưng việc tổ chức các phương thức xét tuyển phải chú ý đến quyền lợi thí sinh. Bộ GD-ĐT cần có sự kiểm soát để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, bởi không phải trường nào, ngành nào cũng cần tổ chức kỳ thi riêng. Theo ông Nghiêm Đình Vỳ, việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phải được thống nhất, chuẩn hóa trên cả nước để phát huy được chất xám của đội ngũ xây dựng đề thi, cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ kỳ thi và giảm tối đa chi phí xã hội. 

Hình thành trung tâm khảo thí độc lập

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng, việc xây dựng kỳ thi đánh giá năng lực hiệu quả là tín hiệu tích cực để đảm bảo chất lượng đầu vào của giáo dục đại học, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục theo hướng phát huy năng lực người học. Thế nhưng, muốn chuẩn hóa kỳ thi, cần có những chuyên gia rất giỏi về đo lường, đánh giá giáo dục để xây dựng ngân hàng đề thi. Bộ GD-ĐT có thể hướng đến việc hình thành trung tâm khảo thí độc lập cùng với các trường đại học xây dựng các bộ đề thi, cấu trúc đề thi đảm bảo tính phân loại, sàng lọc và phù hợp cho từng khối ngành xét tuyển. Các trường ở những khối ngành đặc thù có thể đặt hàng trung tâm khảo thí thiết kế thêm các phần thi phù hợp khối ngành của mình để đảm bảo tuyển đúng thí sinh có năng lực đầu vào đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Cần giảm bớt áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhìn nhận xu hướng của các trường đại học là tăng dần chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức riêng và các kỳ thi đánh giá riêng, giảm dần chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp. Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp sẽ trở về đúng mục tiêu là công nhận tốt nghiệp THPT. Thời gian qua, tỉ lệ tốt nghiệp luôn đạt 98 - 99%, có ý kiến thắc mắc có nên duy trì 1 kỳ thi quá áp lực, tốn kém chỉ để loại 1 - 2% học sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp hay không? Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, không thể bỏ kỳ thi này vì sẽ làm mất động lực học tập của học sinh. Như Trung Quốc từng có giai đoạn bỏ kỳ thi tốt nghiệp ở 1 số tỉnh, sau đó buộc phải tổ chức trở lại vì chất lượng giáo dục sụt giảm đáng kể. Do đó, ông Vinh cho rằng không bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng nên giảm bớt áp lực cho kỳ thi này. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI