Tiến sĩ Trương Văn Minh (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM): Lấy “tình” để điều chỉnh xã hội e sẽ gây ra các hệ lụy và xung đột Trong việc sử dụng lòng, lề đường cho các mục đích khác ngoài giao thông, có thể nói tang lễ và hôn lễ là 2 hoạt động diễn ra thường xuyên nhất. Vì đây là 2 nghi lễ truyền thống quan trọng nhất trong vòng đời và gắn liền với văn hóa tổ chức đời sống của người Việt. Văn hóa Việt Nam hình thành từ các chuẩn mực ứng xử của các cá nhân với nhau, dựa trên nền tảng của cộng đồng nên việc giải quyết các vấn đề đôi khi thiên về trọng tình hơn trọng lý. Đám cưới và đám tang thường được nhìn nhận như sự kiện mà mọi người có thể xóa nhòa ranh giới giữa tình và lý. Ít ai bắt bẻ sai phạm của gia chủ đang có hôn sự hoặc tang chế. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, trong bối cảnh đô thị hóa và mật độ dân cư ngày càng tăng hiện nay, việc sử dụng lòng, lề đường cho các hoạt động này cũng cho thấy một số điều bất hợp lý, đến nỗi đã làm cho yếu tố “lý” ngày càng cân bằng với yếu tố “tình”. Thậm chí, dư luận càng nghiêng về yếu tố “lý” khi việc lấn chiếm lòng lề đường để dựng rạp tổ chức đám cưới, đám tang gây cản trở giao thông, có khi gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Các bộ luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ trước đây quy định hành động này là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền. Thế nhưng, chúng ta thấy, dù có phạt thì việc dựng rạp vẫn diễn ra. Điều đó chứng tỏ có sự mâu thuẫn ngay trong việc thực hành văn hóa giữa tình và lý, giữa đạo đức xã hội “nghĩa tử là nghĩa tận”, luân lý cá nhân “hôn nhân là việc trọng đại của đời người” với pháp luật - ở đây là luật giao thông, và giữa văn hóa gốc nông thôn và văn hóa đô thị. Nghị định mới ban hành của Chính phủ cho phép tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè là một sự điều chỉnh mang tính chức năng của văn hóa, nhằm đảm bảo cho nhu cầu tổ chức đời sống của người dân phù hợp với không gian sinh hoạt tập thể. Đề xuất này cho thấy yếu tố trọng tình vẫn còn giữ vai trò chủ đạo trong việc định hình các thang bậc giá trị trong văn hóa Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng, nếu dựa trên giá trị “trọng tình” để điều chỉnh xã hội thì một khi giá trị ấy thay đổi, việc điều chỉnh trở lại nghiêng về “trọng lý” sẽ là điều đương nhiên. Yếu tố “trọng tình” được đề cao quá mức có thể gây ra những hệ lụy về an toàn giao thông và xung đột trong cộng đồng. Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa - Phó hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa TPHCM: Truyền thống tiếp diễn nhưng phải thích nghi, phù hợp với “địa văn hóa” Chúng ta đã có quy chế về việc cưới, việc tang, việc giỗ, việc hội theo hướng: văn minh, tiết kiệm, đảm bảo đúng quy định pháp luật về an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Nếu xét về khía cạnh văn hóa truyền thống, việc cưới là một sinh hoạt văn hóa tinh thần, chứa đựng những giá trị tình cảm không chỉ của gia đình mà còn đối với cộng đồng, làng xã. Đây là dịp để loan báo, công bố rộng rãi việc thành thân, nên gia thất của con trẻ, là niềm vui, tự hào của gia đình khi cha mẹ trọn bổn phận sinh thành, dưỡng dục con cái, khẳng định sự trưởng thành. Đối với việc tang, quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, người thân quen đến viếng tang càng đông là biểu hiện cho mối quan hệ tốt đẹp của người vừa mất với cộng đồng xã hội. Cho nên đám thường đông, thậm chí kéo dài cho nhiều người cùng được dự, được bày tỏ tấm lòng, tình cảm của bản thân, gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, đó là sự thể hiện văn hóa tình cảm trong bối cảnh văn hóa nông thôn, thậm chí là thị thành xưa mà không gian văn hóa đó chưa chật, đông và chưa bị chế tài bởi các quy phạm pháp luật. Nay trong bối cảnh khác, cả đô thị lẫn nông thôn đều vận hành xã hội trong điều kiện pháp luật chung, nên mọi thứ đã khác nhiều so với trước. Dù văn hóa truyền thống vẫn tiếp diễn, vì các giá trị tốt đẹp vẫn được gìn giữ và trao truyền, nhưng trong bối cảnh xã hội hiện nay, văn hóa cũng phải thích nghi cho phù hợp vì “địa văn hóa” không như xưa và chuẩn mực giá trị - với tư cách là tấm vải the gạn đục các sinh hoạt văn hóa - cũng đã khác. Văn hóa vốn dĩ không bất biến, tồn tại nguyên vẹn qua thời gian. Văn hóa là nếp nghĩ, nếp hành xử trong sự thích nghi với hoàn cảnh, cho nên cần có sự thể hiện các hành vi văn hóa phù hợp với chuẩn mực xã hội, hoàn cảnh hiện tại, sao cho các giá trị truyền thống tốt đẹp được bảo lưu, đồng thời với chuẩn mực của một môi trường văn hóa mới. Đó mới thực sự là những truyền thống văn hóa trường tồn. Luật sư Trần Thị Thanh Thảo (Đoàn Luật sư TPHCM): “Việc sử dụng lòng đường, vỉa hè phải không gây ảnh hưởng lợi ích của cộng đồng” Khi biết TPHCM ban hành quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, nhằm “cởi trói” nhiều yêu cầu ràng buộc lâu nay, nhiều người dân đã đồng tình, ủng hộ. Bởi lẽ nhu cầu sử dụng lòng đường, vỉa hè của người dân thực sự rất cao, nhưng lại chưa được hướng dẫn đúng cách; điều đó đã gây cản trở giao thông, làm xấu đô thị. Nghị định quy định rõ các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác phải nộp đơn đề nghị cấp phép đến cơ quan có thẩm quyền, tùy theo loại đường và khu vực quản lý. Cụ thể, khu quản lý đường bộ sẽ xử lý đơn đối với quốc lộ được giao quản lý; Sở GTVT xử lý với các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý của mình; UBND cấp huyện hoặc xã chịu trách nhiệm đối với đường do địa phương quản lý và Sở Xây dựng sẽ cấp phép sử dụng vỉa hè đô thị. Thời gian xem xét và chấp thuận của cơ quan thẩm quyền được quy định không quá 1 ngày đối với trường hợp đám tang và không quá 5 ngày làm việc cho các trường hợp khác. Nếu đơn không được chấp thuận, cơ quan phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do, đảm bảo minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như các tổ chức thực hiện đúng quy định. Tất cả những quy định cụ thể này, theo tôi đã góp phần hạn chế tình trạng tai nạn giao thông xảy ra khi mọi thứ liên quan đến việc tổ chức đám, tiệc đã có sự chuẩn bị chu đáo. Nghị định cho phép người dân sử dụng lòng đường, vỉa hè tổ chức đám ma, đám cưới, tôi cho đây là đề xuất phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, cũng mang lại những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, dù cho phép sử dụng miễn phí, cũng cần có những quy định rõ ràng, thực thi chặt chẽ những gì người dân được làm và những gì không được phép làm. Người dân khi được phép sử dụng lòng đường, vỉa hè vào các dịp hữu sự phải có trách nhiệm giữ gìn mỹ quan đô thị; cơ quan quản lý cũng cần có những chế tài xử lý rõ ràng và chặt chẽ. Bên cạnh đó, tôi nghĩ cơ quan chức năng nên xem xét phương án cho thuê. Thực tế, các nước trên thế giới đã quy định quản lý lòng đường, vỉa hè rất rõ ràng. Trong đó có những lòng đường, vỉa hè cho sử dụng tạm có thu phí, vừa giúp công tác quản lý tốt hơn, vừa khai thác diện tích này một cách hiệu quả. Theo điều 35 Luật Giao thông đường bộ, vỉa hè và lòng đường chỉ được sử dụng cho các mục đích giao thông. Trong các trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường vào mục đích khác phải được UBND cấp tỉnh, thành phố quy định, nhưng phải không gây ảnh hưởng đến trật tự và an toàn giao thông. Cụ thể, cần phân rõ phần vỉa hè nào là để đi bộ, phần nào còn dư thì bố trí ưu tiên cho hoạt động của những người phải mưu sinh bằng các hoạt động trên vỉa hè như kinh doanh hàng ăn, trông giữ xe máy, ô tô... Ngoài ra, quy định cũng cần minh bạch trong việc quản lý cho thuê lề đường thì mới hiệu quả. Hợp đồng thuê cần xác định rõ trách nhiệm giữa Nhà nước và các cá nhân. Trong quá trình thực hiện, cần phải tăng cường khâu giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Cần có cơ chế minh bạch để tránh tình trạng bảo kê, trục lợi. Những đơn vị quản lý việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh phải là tổ chức của Nhà nước và phải đảm bảo công khai về giá cho thuê. Ngoài ra, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè phải tuân theo quy định nghiêm ngặt để đảm bảo trật tự và an toàn giao thông. Điều này bao gồm việc xây dựng phương án cụ thể để duy trì trật tự giao thông đường bộ hoặc phân luồng giao thông tránh khu vực được sử dụng. Quốc Ngọc - Nhã Chân (ghi) |