Tổ chức dã ngoại học tập cho học sinh: rủi ro rình rập

15/01/2015 - 07:12

PNO - PN - Thêm một cái chết thương tâm lại xảy ra khi học sinh tham gia dã ngoại cùng nhà trường. Vì sao những hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường luôn có nguy cơ cướp đi sinh mạng của học sinh? Phải chăng chỉ do học sinh thiếu kỹ năng?

edf40wrjww2tblPage:Content

To chuc da ngoai hoc tap cho hoc sinh: rui ro rinh rap

Học sinh được huấn luyện kỹ năng trước khi đi dã ngoại 

Lỗ hổng quản lý

Những ngày này, phụ huynh học sinh (PHHS) trường tiểu học Phước Thạnh, Long Trường, Q.9 vẫn còn kinh hoàng trước cái chết của em L.N.Q.B. (10 tuổi, HS lớp 4 trường tiểu học Phước Thạnh). Em ra đi khi tham gia chuyến tham quan dã ngoại của trường tại công viên nước Đầm Sen ngày 9/1 nghi do ngạt nước.

Đây không phải tai nạn hy hữu xảy ra trong những chuyến học ngoại khóa, dã ngoại của các trường. Đến nay, dư luận vẫn chưa quên tai nạn thương tâm của bảy HS ở Bình Dương trong chuyến dã ngoại biển Cần Giờ cuối năm 2013. Vì sao hết lần này đến lần khác, tai nạn luôn chực chờ cướp đi sinh mạng của HS trong những chuyến học ngoại khóa?

Chị Lý Thị Minh Tâm, PH ở Q.3 chia sẻ: “Nhiều lần bám theo con trong những buổi con đi dã ngoại, đi chơi công viên nước do trường tổ chức, tôi thật khó yên tâm bởi thầy cô, kể cả hướng dẫn viên không thể quản lý và bảo vệ trẻ một cách an toàn nhất.

Cụ thể, một lần theo con đi chơi với trường tại công viên nước Thanh Lễ - Bình Dương, một bé chìm trong nước mà không ai thấy. Nếu tôi không lôi lên, chắc con bé "tiêu đời" vì các bạn tưởng bé chơi trò lặn dưới đáy hồ. Trong khi đó, thầy cô đang ngồi trong các mái che nói chuyện.

Lần khác tại công viên nước Đầm Sen, một bé HS trượt chân đập đầu sưng vù ngồi khóc mà chỉ có mấy bạn học đứng vây quanh hỏi “có sao không”, còn người quản lý, chăm sóc trẻ chẳng thấy đâu”.

Sự lơ là trong khâu quản lý và đảm bảo an toàn đã dẫn đến nhiều tai nạn. Anh Nguyễn Văn Tâm (đường An Dương Vương, Q.5) đã có dịp tháp tùng con trong chuyến đi học ngoại khóa ở Thảo cầm viên kể: “Sau khi đưa các trẻ vào Thảo cầm viên, GV nhờ hướng dẫn viên đưa đi thăm các chuồng thú. Lớp trên dưới 40 bé nhưng chỉ có một hướng dẫn viên. Các bé tha hồ chỉ tay vào các chuồng thú mà không ai nhắc nhở, nhận thức không đúng loài vật, nhìn con này lại nói tên con kia cũng không có ai kịp thời giải thích. Lúc nào đi về, các cháu cũng than đói, khát đủ thứ…”.

Chị Ng.C., PH Trường tiểu học Kim Đồng - Q.Gò Vấp cho biết: “Nếu muốn cho con tham gia những chuyến dã ngoại, học ngoại khóa cùng trường và bè bạn thì tốt nhất PH nên sắp xếp đi cùng để tiện chăm sóc và giữ gìn an toàn cho con mình và một số bé khác. Một, hai cô phải quản đến hơn 40 trẻ là không xuể. Lúc ở trường, các bé ngoan ngoãn nghe lời nhưng chỉ cần ra môi trường mới lạ, khu vui chơi là trở nên hiếu động và đôi khi không nghe lời cô dẫn đến nguy hiểm. Nhất là các bé mầm non, tiểu học không đủ hiểu biết để phân biệt chỗ nào nguy hiểm để tránh nếu không có sự giám sát của người lớn”.

To chuc da ngoai hoc tap cho hoc sinh: rui ro rinh rap

Trẻ em khi dã ngoại rất hiếu động, cần phải có sự giám sát chặt chẽ của người lớn

Chuộng đi xa, chơi là chính

Sinh hoạt kỹ năng và những buổi học ngoại khóa là không thể thiếu trong hoạt động giáo dục. Những hoạt động này tạo cho HS niềm vui, sự hưng phấn trong học tập. Đồng thời, nó còn giúp trẻ mở mang kiến thức, hiểu cuộc sống ngoài sách vở và nhà trường, kết nối thêm với thầy cô, bạn bè. Thời điểm kết thúc học kỳ I, kết thúc năm học thường là thời điểm để các trường ồ ạt tổ chức những buổi học tập ngoại khóa kết hợp với du lịch.

Không có gì đáng nói nếu như những buổi học ngoại khóa được tổ chức tại các bảo tàng, khu di tích, công viên gần trường, vừa có tính giáo dục vừa thuận tiện, ít tốn kém. Thời gian gần đây, những buổi học ngoại khóa của học sinh mầm non, tiểu học phát triển thành những chuyến du lịch ở các khu vui chơi giải trí Đầm Sen, Suối Tiên, xa hơn là các khu du lịch ở Củ Chi, Đồng Nai, Bình Dương… Nhìn vào lịch hoạt động, chỉ thấy chơi nhiều hơn học.

Với HS THCS, THPT thì nhà trường càng “chịu chơi” hơn, chọn luôn những địa điểm du lịch vừa xa vừa tốn kém. Điểm qua địa điểm tham quan học tập ngoại khóa của nhiều trường THPT thì đa số là các điểm du lịch: Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt… Trường TH-THCS-THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình) chọn địa điểm cho HS “đi một ngày đàng” là chuyến đi ba ngày hai đêm tại Đà Lạt với chi phí 1,1 triệu đồng/người. Mỗi xe 45 chỗ và cũng chỉ có một-hai hướng dẫn viên phụ trách thuyết minh, hoạt náo và trực gác đêm.

Trước đó, Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) cũng tổ chức cho HS, giáo viên (GV) chuyến tham quan học tập dã ngoại nhân kỷ niệm thành lập trường tại Tiền Giang-Bến Tre. Tương tự, Trường THPT Quốc Trí cũng tổ chức chuyến tham quan về nguồn tại khu căn cứ Minh Đạm - biển Long Hải. Mới đây, một số PH lớp 11 Trường THPT Nguyễn Công Trứ cũng phản ánh việc trường cho HS đi tham quan dã ngoại hai ngày tại Phan Thiết với chi phí hơn 700.000đ/em…

Theo lý giải của các trường thì qua khảo sát cho thấy đa số các em thích tham quan dã ngoại ngoài thành phố nên trường tổ chức đáp ứng yêu cầu của HS. PH lại cho rằng HS vốn ham chơi, ham vui nên càng được đi xa, đi nhiều ngày, được leo núi, tắm biển thì càng thích. Vì vậy, các em đương nhiên sẽ chọn những tour đi nhiều ngày. Nhà trường phải biết định hướng và lựa chọn cho các em địa điểm nào an toàn, ít tốn kém lại có giá trị học tập cao, chứ không thể chỉ nghe theo ý kiến HS mà đáp ứng. Với địa điểm xa lạ, HS lại nghịch ngợm, hiếu động, thiếu kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm nên dễ xảy ra thương tích, tai nạn.

Không “khoán” cho công ty tổ chức

Đa phần các trường khi tổ chức những tour tham quan dã ngoại cho HS đều kết hợp với công ty du lịch lữ hành và thường “khoán” cho các công ty này lên nội dung, kinh phí và quản lý HS. Mỗi lớp vài chục HS cũng chỉ có một-hai hướng dẫn viên phụ trách từ thuyết minh, hướng dẫn tham quan đến quản các em vào ban đêm.

Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu hiệu trưởng, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên… phải là trưởng ban tổ chức, người trực tiếp chịu trách nhiệm chính đối với những hoạt động giáo dục ngoại khóa bên ngoài nhà trường. Không được “khoán” HS cho các công ty tổ chức. Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải có nội dung gắn với giáo dục. Trước khi tổ chức, trường phải xây dựng kế hoạch chi tiết và có các phương án đảm bảo an toàn cho HS, phải gửi thư báo đến cha mẹ HS về chương trình, kinh phí…

Nhà trường nên chú ý đến uy tín và chất lượng của các công ty tổ chức hơn yếu tố kinh tế để đảm bảo an toàn cho HS khi đi xa. Ông Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cấp cao của Trung tâm đào tạo tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương cho biết: đơn vị tổ chức phải lập kế hoạch chi tiết.

Công tác tiền trạm, khảo sát nơi sắp đến có tổ chức các hoạt động giáo dục được không, có đảm bảo an ninh, an toàn hay không là ưu tiên hàng đầu. Phải nghiên cứu đặc điểm môi trường, khí hậu nơi đến và khả năng an toàn trong quá trình thực hiện; đặt ra các tình huống giả định khi có sự cố xảy ra ứng cứu như thế nào.

Nếu đi khu vực sông nước, tìm hiểu bãi biển có bằng phẳng hay bị hẫng chân, đi vùng núi thì tìm hiểu suối đá ghềnh thế nào, đó là khu du lịch hay điểm sinh thái hoang sơ. Lập các phương án cứu hộ và kiểm tra các thiết bị cứu hộ có đảm bảo an toàn… Sau đó là xây dựng nội dung chương trình các hoạt động giáo dục có phù hợp, có tính giáo dục, rèn luyện vừa đảm bảo tính giải trí cho HS thấy hứng thú.

Nhiều công ty du lịch hiện chỉ quen làm du lịch với người lớn, không có kinh nghiệm trong việc thiết kế tour dành cho HS, nên chương trình chỉ có vui chơi, không có tính giáo dục, và họ càng không có kỹ năng để quản HS. Vì vậy, nhà trường đừng chủ quan, không khoán trắng cho các công ty du lịch vì có thể họ có kỹ năng tổ chức trò chơi, hoạt động vui chơi tập thể nhưng chắc chắn không thể có kinh nghiệm trông coi HS bằng GV. Hơn nữa, HS thường không sợ hướng dẫn viên, nên GV cần phải theo sát học trò.

ThS Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ kinh nghiệm: HS phải được rèn các kỹ năng như tuân theo quy định tập thể, tự phục vụ, tự chăm sóc bản thân… qua các hoạt động giáo dục hàng ngày; khi thấy trẻ tự tin thì mới dẫn ra ngoài. GV phải coi hoạt động dã ngoại là buổi dạy, không được phép lơ là. Khi hoạt động bơi lội, phải chăng dây, lập hàng rào người để bảo vệ, giám sát trẻ, yêu cầu HS mặc áo phao khi xuống nước dù các em có biết bơi hay không…

TIÊU HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI