Ngày 3/4, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho các tỉnh, thành tại Trường đại học Văn Lang (TPHCM).
Theo hướng dẫn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tổ chức cho 2 nhóm thí sinh: theo chương trình 2006 (thí sinh tự do, thi chương trình cũ) và chương trình mới 2018.
Dù thi cùng lịch vào ngày 26 và 27/6 nhưng nhóm thí sinh tự do thi 4 môn (ngữ văn, toán, bài thi khoa học tự nhiên hoặc bài thi khoa học xã hội, ngoại ngữ) trong 4 buổi còn thí sinh thi theo chương trình mới thi 2 môn bắt buộc (ngữ văn, toán), 2 môn tự chọn trong 3 buổi.
Còn nhiều băn khoăn
Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) - lưu ý, các tỉnh, thành phải tổ chức điểm thi riêng cho thí sinh tự do, bởi đề thi và phương thức thi giữa 2 nhóm thí sinh khác nhau, kể cả tỉnh, thành đó chỉ có 1 thí sinh tự do cũng không được xếp thi chung.
 |
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TPHCM - ẢNH: TRANG THƯ |
Lãnh đạo ngành giáo dục nhiều địa phương đã bày tỏ sự lo lắng. Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đây là địa phương có số lượng thí sinh đông nhất cả nước với 126.000 người, tăng hơn 17.000 thí sinh so với năm trước. Hà Nội đã chuẩn bị 250 điểm thi với 5.000 phòng thi cùng 16.000 cán bộ phục vụ kỳ thi. Tuy nhiên, do số lượng thí sinh lớn, lại tổ chức cho 2 nhóm thí sinh nên công tác in sao đề thi mất nhiều thời gian và có thể gặp trục trặc về máy móc, kỹ thuật.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - năm nay, TPHCM có tới 10.000 thí sinh thi tốt nghiệp theo chương trình 2006. Việc in sao đề thi áp lực rất lớn, như năm trước sở phải huy động 70 cán bộ vận hành. Nhưng cán bộ phụ trách in sao đề thi lại không có chuyên môn về kỹ thuật máy móc, trong quá trình vận hành nhiều máy chạy liên tục nên hỏng hóc, buộc phải huy động toàn bộ máy in trong thành phố mới kịp ngày thi.
“Thời gian quá gấp, chúng tôi mong Bộ GD-ĐT xem xét, với những địa phương có số lượng thí sinh lớn thì ưu tiên chuyển đề thi sớm hơn 1-2 ngày để địa phương có thời gian in sao, tránh sai sót. Có thể chuyển đề thi cho nhóm thí sinh 2018 in trước, tránh nhầm lẫn khi in cùng lúc 2 nhóm khác nhau. Đồng thời có hướng dẫn bổ sung đội ngũ kỹ thuật vào bộ phận in đề để xử lý máy móc khi phát sinh vấn đề” - ông đề xuất.
Ngoài ra, năm nay kỳ thi diễn ra vào thời điểm các tỉnh, thành đang tổ chức tinh gọn bộ máy ở nhiều cấp nên có sự xáo trộn lớn về nhân sự và thủ tục hành chính. Bộ cần có hướng dẫn, tránh tình trạng thí sinh tự do từ địa phương này qua địa phương khác thi; chỉ đạo cấp xã trong việc cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho thí sinh; có phần mềm hỗ trợ chấm thi phù hợp, linh động...
Đại diện các sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Thuận… kiến nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn chi tiết trong quá trình tổ chức thi, in sao đề thi cụ thể cho 2 nhóm thí sinh này. Ngoài ra, ở khâu chấm thi, theo Thông tư 24 của Bộ GD-ĐT, chỉ có 1 ban chấm thi chung với các môn tự luận của cả 2 nhóm thí sinh, điều này sẽ gây khó khăn cho cán bộ chấm thi. Đại diện nhiều địa phương đề xuất nên tách ra thành 2 ban chấm thi khác nhau ở các môn tự luận.
Chủ động ôn thi, tổ chức thi thử cho học sinh
Trao đổi với các tỉnh, thành, ông Huỳnh Văn Chương nói, về công tác in sao đề thi, khi có những tình huống bất ngờ xảy ra thì sẽ do chủ tịch hội đồng in sao đề thi đưa ra quyết định giải quyết theo quy chế. Việc tổ chức 2 hội đồng thi theo chương trình 2006 và 2018 là không cần thiết.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cố gắng tinh gọn và tiết kiệm con người, bởi vì không nhiều người làm được những công việc chuyên môn này, do vậy các địa phương nên thành lập 1 hội đồng và chia ra theo tổ công tác với tinh thần rõ người, rõ việc, rõ thời gian - trách nhiệm”.
Về việc cấp giấy xác nhận khuyết tật cho thí sinh, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn cụ thể. Các địa phương cần sắp xếp người giám hộ đối với những thí sinh có người viết thay và bố trí phòng thi, điểm thi hợp lý. Về quy trình chuyển đề thi để in sao, bộ sẽ lấy ý kiến, đề xuất chuyển đề thi sớm 1-2 ngày cho những địa phương có số lượng thí sinh lớn để các tỉnh, thành chủ động hơn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: về công tác tổ chức thi, việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự là quan trọng nhất. Ngành giáo dục cần chủ động đề nghị các đơn vị như công an, y tế, điện lực… hỗ trợ, phối hợp để không chồng chéo và bỏ sót việc. Phải làm tốt công tác truyền thông, chủ động kịp thời và hiệu quả, nhất là các điểm mới của kỳ thi.
Ông cũng chỉ đạo bộ phận ra đề thi phải đúng định dạng cấu trúc. Về khâu in sao đề thi, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn và tạo điều kiện tối đa cho các địa phương. Ngược lại, lãnh đạo địa phương cần đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho cán bộ thực hiện công tác trong kỳ thi, không để xảy ra sai sót trong khâu sao in, coi thi, chủ động phương án thanh tra, nơi nào có kết quả bất thường sẽ được Bộ GD-ĐT kiểm tra kỹ lưỡng.
Ông Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, công tác tổ chức chủ yếu tập trung ở yếu tố kỹ thuật; các tỉnh, thành cần phải tập trung nhiều hơn vào công tác ôn thi cho thí sinh.
Ông nhấn mạnh: “Ôn thi là trách nhiệm của nhà trường, nơi nào học sinh yếu kém là việc dạy học của trường chưa tốt. Các trường có thể tổ chức cho học sinh học nhóm, thuyết trình, phối hợp thầy cô nhiều kinh nghiệm tổ chức ôn thi trên truyền hình để mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận giáo viên giỏi. Đề nghị 100% trường THPT phải tổ chức thi thử cho học sinh.
Thi thử nhưng phải vận hành thật, đánh giá thật, làm bài thật và sử dụng kết quả đó để đánh giá, phân loại học sinh. Các em thiếu kỹ năng gì, kiến thức nào nhà trường cần bổ sung cho phù hợp”.
Tăng cường tập huấn để phát hiện gian lận thi cử bằng công nghệ cao Ông Trần Đình Chung - Phó cục trưởng Cục A03, Bộ Công an - thông tin, ở những kỳ thi trước, dù đã tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi về việc đảm bảo an toàn kỳ thi nhưng vẫn còn những hạn chế. Như việc một số giáo viên chưa hoàn thành tốt trách nhiệm, không kịp thời phát hiện học sinh sử dụng điện thoại trong phòng thi gây lộ đề thi ra ngoài; hoặc khi phát hiện thí sinh có vi phạm không kịp thời trao đổi, xử lý. Ngoài ra, tình trạng mua bán thiết bị công nghệ cao hiện diễn ra tràn lan, công khai trên các trang mạng xã hội. Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, ngành giáo dục cần sớm ban hành quy định về xây dựng ngân hàng câu hỏi, hạn chế tối đa nguy cơ can thiệp dẫn đến lộ đề thi; ban hành quy trình vận chuyển đề thi qua Ban Cơ yếu Chính phủ và tập huấn chuyên sâu về công tác này. Tập huấn cho cán bộ, giáo viên về các điểm mới liên quan đến đảm bảo an toàn kỳ thi, đặc biệt là việc phát hiện thiết bị công nghệ cao. Ông cũng đề nghị công an địa phương phối hợp hỗ trợ ngành giáo dục, tăng cường nắm tình hình, chủ động rà soát các hội nhóm để phát hiện hoạt động mua bán thiết bị cao; tổ chức thi thuê, thi hộ; các đối tượng đăng tải thông tin về đề thi. |
Cho học sinh thi thử Ông Nguyễn Văn Phong - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương - cho biết, năm nay tỉnh có 18.000 thí sinh với 30 điểm thi và trên 750 phòng thi. Kỳ thi tổ chức theo phương thức mới nên Bình Dương đã tổ chức tập huấn, hội thảo nâng cao chất lượng giảng dạy cho từng môn thi. Tập trung ôn thi từ sớm và không dàn trải để thí sinh được chuẩn bị tốt nhất. Sắp tới, Bình Dương sẽ chỉ đạo các trường tổ chức thi thử cho học sinh ít nhất 2 lần, đề thi bám sát đề tham khảo của Bộ GD-ĐT. Điều này nhằm giúp học sinh làm quen kỳ thi mới, nắm được sức học của mình, giúp thầy cô làm quen việc coi thi theo phương thức mới. Ông Tạ Thanh Vũ - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau - cũng cho biết, sở đã đề nghị các trường THPT tổ chức ôn tập cho thí sinh tự nguyện tại trường (theo Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm học thêm). Tất cả 32 trường THPT của tỉnh đều có giáo viên đăng ký tự nguyện bồi dưỡng, phụ đạo, ôn tập cho học sinh lớp Mười hai… |
Nguyễn Loan - Trang Thư