Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM hướng tới tinh gọn, hợp lý, hiệu quả

26/10/2020 - 19:08

PNO - Chiều 26/10, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, TPHCM là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế.

Trong quá trình phát triển, TPHCM vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt.

Mục tiêu xây dựng nghị quyết, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, là nhằm tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị tại TPHCM tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Quá trình xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết, UBND TPHCM và Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan trung ương có liên quan, tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, hội nghị và nhận được sự tán thành của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định dự thảo Nghị quyết. Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2020, Chính phủ đã thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM (Nghị quyết số 142/NQ-CP ngày 3/10/2020 của Chính phủ).

Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND thành phố thuộc TPHCM.

Đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết là tổ chức chính quyền ‘‘Thành phố trong thành phố’’. Nội dung này hướng tới việc sáp nhập ba quận: 2, 9 và Thủ Đức thành TP. Thủ Đức trực thuộc TPHCM. Đồng thời sẽ không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Ngoài ra, thành phố thuộc TPHCM sẽ có các phường trực thuộc, các phường này sẽ thực hiện không tổ chức HĐND.

Chính phủ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho áp dụng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn và bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2020 để Quốc hội xem xét và ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Nếu được thông qua, nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 và tổ chức thực hiện từ ngày 1/7/2021.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI