Những ca cấp cứu lúc nửa đêm
3g ngày 5/10, Trạm y tế lưu động số 2, xã Vĩnh Lộc A nhận được cuộc gọi của người nhà bà N.T.C. - 64 tuổi, đang điều trị COVID-19 tại nhà ở ấp 5A - thông báo bệnh nhân trở nặng đột ngột. Bác sĩ Nguyễn Lê Hoàng Yến (Trường đại học Y Dược TPHCM) và một sinh viên y khoa liền vội vàng mặc đồ bảo hộ, xách bình ô-xy và dụng cụ y tế lên xe máy lao đi.
|
Bác sĩ Hoàng Yến và đồng đội chuẩn bị thuốc và thiết bị hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân lúc 3g sáng |
Làm Trưởng Trạm y tế lưu động số 2 đã nhiều tháng qua, nhưng do xã có tới 15 ấp, đông dân cư nên bác sĩ Hoàng Yến không tài nào nhớ hết đường đi ở các ấp. Bệnh nhân đang cần cấp cứu lại không có số nhà cụ thể nên nhân viên y tế phải vừa đi, vừa dò đường. Rất may, họ đã kịp tìm ra nhà bệnh nhân đúng vào khoảnh khắc sinh tử.
Bà C. có nhiều bệnh nền nên bệnh trở nặng đột ngột, ho khan, khó thở. Bác sĩ Hoàng Yến nhanh chóng khám, hỗ trợ bệnh nhân thở ô-xy và liên hệ với trung tâm điều phối để chuyển lên tuyến trên điều trị. Gần hai giờ sau, xe cấp cứu đến, tổ chăm sóc F0 đưa bệnh nhân lên xe và quay về nhà khi trời đã rạng sáng. Bác sĩ Hoàng Yến cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của trạm y tế lưu động là cấp cứu bệnh nhân F0 trở nặng. Do đó, việc chạy đua với thời gian để đến nhà bệnh nhân lúc nửa đêm vẫn thường xuyên diễn ra.
8g, bác sĩ quân y Lê Xuân Hưng trở về trạm y tế lưu động đặt tại cơ sở 2 của Trường tiểu học Vĩnh Lộc 2 (ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A) với bộ quân phục ướt đẫm mồ hôi. Từ sáng sớm, trạm nhận được cuộc gọi báo bệnh nhân N.T.S. - 58 tuổi, ở tổ 3, ấp 2 - đau ngực, ho nhiều, khó thở. Khi bác sĩ Hưng đến nơi, SpO2 của bệnh nhân chỉ còn 87%. Bác sĩ Hưng liền cho thở ô-xy, hướng dẫn sử dụng thuốc và liên hệ chuyển tuyến. Gần 8g sáng, khi bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên, bác sĩ Hưng và đồng đội mới yên tâm quay về trạm - nơi bác sĩ Hưng là trạm trưởng - để tiếp tục làm nhiệm vụ.
Xã Vĩnh Lộc A có hai trạm y tế lưu động để hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho các F0 điều trị tại nhà. Hai trạm này hiện đang hỗ trợ 454 F0. Theo bác sĩ Lê Xuân Hưng, mỗi ngày, trạm chia thành năm tổ, gồm một tổ tư vấn và tiếp nhận thông tin, ba tổ chăm sóc F0 tại nhà, một tổ vừa chăm sóc F0, vừa trực cấp cứu. Mỗi ngày, đúng 8g30, các tổ chăm sóc F0 tại nhà lần lượt chia nhau đi các ấp để khám, phát thuốc, xét nghiệm (test) COVID-19.
|
Bác sĩ Hoàng Yến đang khám cho một F0 điều trị tại nhà ở xã Vĩnh Lộc A |
Bác sĩ Hưng cho biết, anh được Học viện Quân y điều động vào xã Vĩnh Lộc A từ ngày 23/8. Những ngày đầu, anh dường như kiệt sức do chưa quen với đường sá, thời tiết, lại phải mặc đồ bảo hộ trong điều kiện nắng nóng. Thời điểm đó, xã Vĩnh Lộc A có rất nhiều “vùng đỏ” (vùng có nhiều ca mắc COVID-19). Đến nay, các thành viên của trạm vẫn luôn có mặt để hỗ trợ các F0 đang điều trị tại nhà. “Mỗi ngày, tổ cấp cứu của trạm hỗ trợ khẩn cấp khoảng 2-3 ca chuyển nặng, ngày cao điểm, có 8-9 ca. Khi đó, các tổ chăm sóc F0 cộng đồng cũng tham gia cấp cứu” - bác sĩ Lê Xuân Hưng cho hay.
Trong lúc các tổ chăm sóc F0 đến tận nhà hỗ trợ bệnh nhân, hai thành viên của tổ tư vấn và tiếp nhận thông tin liên tục nghe điện thoại qua đường dây nóng, hướng dẫn bệnh nhân và thân nhân cách tự điều trị, giải đáp thắc mắc, tư vấn tâm lý để bệnh nhân yên tâm. Trung bình mỗi ngày, tổ tiếp nhận khoảng 150 cuộc gọi.
12g, nhận được cuộc gọi yêu cầu cấp cứu khẩn cấp một bệnh nhân ở ấp 3, tổ tư vấn liền chuyển thông tin cho tổ cấp cứu. Giữa trưa, bác sĩ Hưng cùng một nhân viên y tế vội lao đi khi chưa kịp ăn bữa trưa.
Nhiều tình nguyện viên là “cựu F0”
Thành viên tham gia hỗ trợ F0 điều trị tại nhà ở xã Vĩnh Lộc A không chỉ có các y, bác sĩ mà còn có các tình nguyện viên. Họ là những F0 đã khỏi bệnh, nay trở lại giúp các F0.
|
Bác sĩ quân y Lê Xuân Hưng cùng một nhân viên của trạm y tế lưu động chuẩn bị đi khám cho F0 điều trị tại nhà |
Từ ngày 12/9, Trương Ngô Thanh Hồng - 21 tuổi, ở Q.12 - đã đến Trạm y tế lưu động xã Vĩnh Lộc A làm tình nguyện viên chăm sóc F0 điều trị tại nhà. Tháng 8/2021, Thanh Hồng mắc COVID-19 nhưng may mắn chỉ có triệu chứng nhẹ, được điều trị tại nhà. Sau khi khỏi bệnh, Thanh Hồng được một đơn vị giới thiệu đến xã Vĩnh Lộc A làm tình nguyện viên và gắn bó cho đến nay. Thanh Hồng chia sẻ: “Trước đây, em làm quản lý quán ăn. Thời gian nhiễm COVID-19, em mới có những trải nghiệm và kiến thức về căn bệnh này. Khi đến đây làm tình nguyện viên, các bác sĩ tập huấn cho em thêm một số kiến thức căn bản nữa để thuận lợi làm việc. Bây giờ, quen việc rồi, em làm được tất cả các việc mà bác sĩ giao”.
Hôm chúng tôi đến, Thanh Hồng được bác sĩ trưởng trạm phân công đi cùng nhân viên y tế đến phát thuốc và test giải tỏa cho bệnh nhân F0. Với công việc này, trong ngày, Thanh Hồng phải di chuyển đến 40 nhà có F0. “Thời tiết ở TPHCM mấy ngày này thất thường lắm, trưa nắng cháy da, chiều mưa xối xả. Tụi em phải mặc đồ bảo hộ nên nắng hay mưa gì cũng đều bất tiện. Nhưng nếu ngại khó, ngại khổ thì lấy ai chăm sóc bệnh nhân điều trị tại nhà?” - Thanh Hồng tâm sự.
Hiện nay, tình nguyện viên Nguyễn Ngọc Huy - 26 tuổi, ở Q.12 - được bác sĩ phân công trực điện thoại để tư vấn và tiếp nhận thông tin, nhập liệu F0 điều trị tại nhà. Huy cũng là F0 đã được điều trị khỏi bệnh, đến trạm làm tình nguyện viên cùng đợt với Thanh Hồng. Từng là nhân viên văn phòng nên công việc tư vấn, tiếp nhận thông tin và nhập liệu có vẻ thuận tay với Ngọc Huy. Lúc vắng cuộc gọi đến, các tình nguyện viên ở trạm chủ động gọi điện hỏi thăm, tư vấn cho F0 hoặc thân nhân để họ yên tâm hơn.
Huy kể: “Có trường hợp bệnh nhân, người nhà bị căng thẳng tâm lý, khi tụi em gọi đến, họ chửi xối xả. Em từng là F0 nên cũng hiểu phần nào áp lực của người mắc COVID-19. Em từ từ nói chuyện, cho họ biết mình cũng là F0 đã điều trị tại nhà khỏi bệnh, khuyên họ làm phương pháp này, phương pháp kia. Cũng có bệnh nhân sau khi khỏe lại đã gọi điện đến cảm ơn và xin lỗi vì lúc bị bệnh, họ căng thẳng nên hay to tiếng. Nói chung, làm công việc này cũng có nhiều niềm vui, nỗi buồn. Tiếc là sắp tới, em phải quay lại công ty làm việc, chỉ gắn bó thêm với trạm 1-2 tuần nữa”.
Ông Trần Vũ Hữu Duy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A - cho biết ngoài tổ chăm sóc F0 điều trị tại nhà của hai trạm y tế lưu động, xã Vĩnh Lộc A còn xây dựng 15 tổ chăm sóc F0 cộng đồng ở 15 ấp và các tổ COVID-19 cộng đồng ở các tổ nhân dân. Có khá đông F0 đã khỏi bệnh tham gia công tác phòng, chống dịch và chăm sóc F0.
Theo ông, vào giai đoạn đầu của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, dịch xảy ra ở khu công nghiệp nên số ca nhiễm trong xã liên tục tăng từng ngày. Thời điểm đó, chưa có trạm y tế lưu động hay tổ chăm sóc F0 tại nhà mà chỉ có tổ phản ứng nhanh do Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng.
“Khi đó, lực lượng mỏng, nửa đêm, rạng sáng, anh em phải chia nhau hỗ trợ F0 chuyển viện, cách ly. Đến khi có trạm y tế lưu động hoạt động, anh em mới đỡ vất vả. Hiện nay, khi đã “bình thường mới”, việc hỗ trợ, chăm sóc F0 điều trị tại nhà là một nhiệm vụ rất quan trọng. Có trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 cộng đồng sẽ giúp bà con tiếp cận y tế dễ dàng hơn và giúp giảm tải cho tuyến trên.
Hiện nay, số F0 ở xã vẫn còn nhiều. UBND huyện đã có chủ trương sẽ thành lập thêm một trạm y tế lưu động nữa để hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe kịp thời cho người dân” - ông Trần Vũ Hữu Duy thông tin.
Sơn Vinh