Tổ cắt đầu cá - nơi sẻ chia ngọt bùi

14/11/2014 - 16:06

PNO - PN - 10 năm thành lập, tổ cắt đầu cá tại KP.Long Đại, P.Long Phước, Q.9, TP.HCM đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều chị em lớn tuổi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tự phát

Nói chuyện với chúng tôi nhưng chị Huỳnh Thị Mộng Hà - chủ nhiệm tổ cắt đầu cá vẫn tranh thủ bưng từng rổ cá đem rửa sạch rồi ướp nước đá. Chị cười giải thích: “Cá vừa cắt xong phải rửa sạch và ướp đá liền thì mới giữ được độ tươi để chiều đem ra chợ bán”. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên và thán phục những người đã kiên nhẫn ngồi cắt sạch đầu, đuôi từng con cá nhỏ xíu như vậy. Thế nhưng, chị Hà tự hào khoe: “Cá nhỏ xíu vậy chứ là “cần câu cơm” của vài chục chị tại khu phố này đó”.

Nhìn về phía những rặng dừa xanh ngắt bên dòng sông Đồng Nai, chị Hà cho biết, chỉ một bộ phận nhỏ người dân nơi đây sống bằng nghề đáy trên sông, số đông còn lại phải đi làm thuê, làm mướn. Đàn ông thì làm phụ hồ, cuốc đất; con gái mới lớn thì làm công nhân, còn phụ nữ lớn tuổi thì làm cỏ, cấy lúa. Bản thân chị cũng là công nhân, chồng phụ ở lò gạch, cái nghèo bao năm đeo đẳng nên chị quyết tâm mượn vốn chuyển sang làm nghề thu mua cá để cải thiện thu nhập gia đình.

Lấy ngắn nuôi dài, ngoài thu mua các loại cá lớn, chị còn thu mua cá cơm về cắt sạch rồi đem ra chợ bán. Chị phát hiện cá cơm được nhiều người ưa chuộng, trong khi ghe đáy ngày nào cũng đem về rất nhiều. Vậy tại sao mình không lấy về cho các chị trong xóm làm để có thêm thu nhập? Nghĩ vậy, chị Hà bỏ công đi khắp xóm rủ chị em đến nhà mình cắt đầu cá. “Nghe có công việc làm, chị nào cũng vui và tham gia ngay. Lúc đầu chỉ vài chị, nhưng giờ đã gần 30 chị. Cắt mỗi ký cá 6.000đ, mỗi ngày cắt 10-15 ký” - chị Hà hồ hởi khoe. Thấy nhóm hoạt động hiệu quả, Hội LHPN P.Long Phước quyết định thành lập tổ cắt đầu cá và bầu chị Hà làm chủ nhiệm tổ.

To cat dau ca - noi se chia ngot bui

Tổ cắt đầu cá ra đời đã giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều chị em

Giúp nhau

Nhắc đến chị Lê Thị Yến Xuân (tổ 3), các thành viên trong tổ cắt đầu cá không ngớt lời ngợi khen: “Nó đi cắt đầu cá vậy chứ nuôi một đứa con học cao đẳng, một đứa học đại học đó”. Trước khi tham gia vào tổ, từ tờ mờ sáng chị Xuân phải phơi lưng đến tối để cấy lúa, làm cỏ mướn, còn chồng thì quần quật với công việc phụ hồ. Từ ngày chồng bị đau lưng không làm việc được, gánh nặng gia đình oằn lên đôi vai chị. Thấy các chị trong xóm đi cắt đầu cá, chị cũng xin tham gia. “Tổ cắt đầu cá ra đời đã giúp đỡ chị em chúng tôi nhiều lắm. Không chỉ cho việc làm, hằng ngày tôi còn được tặng cá đem về ăn. Nhờ vậy tôi tiết kiệm được một khoản để lo cho tụi nhỏ ăn học” - chị Xuân bộc bạch.

Chồng mất từ trước năm 1975, dì Nguyễn Thị Ánh (75 tuổi, tổ 3) một mình nuôi bốn con khôn lớn. Sau khi các con đã lập gia đình, do ai cũng nghèo nên dì phải tự nuôi sống bản thân bằng nghề cấy lúa mướn, nhưng tuổi già sức yếu, không làm được nhiều nên thu nhập rất bấp bênh. Nhờ tham gia cắt đầu cá 10 năm nay mà cuộc sống của dì đã ổn định hơn trước.

Với thu nhập từ công việc xúc hến của chồng, đời sống của gia đình dì Châu Thị Lủng (tổ 1) vốn rất chật vật. Ngày hai cô con gái ly hôn chồng và đem hai đứa con về ở chung, cuộc sống dì Lủng càng khó khăn. Nhiều hôm không có tiền ăn, dì phải chạy vạy khắp nơi. Năm 2004, được chị em “rủ” về tổ, dì mừng như “bắt được vàng”. Dù tiền công từ nghề cắt đầu cá không bao nhiêu nhưng dì Lủng hồ hởi nói: “Nguồn thu nhập chính nuôi gia đình tôi 10 năm nay rồi đó”.

“Đánh cá ngoài khơi khi vơi khi đầy” nhưng các chị trong tổ luôn biết san sẻ với nhau để ai cũng có việc làm và có thu nhập. Hoàn cảnh nào khó khăn hơn thì các chị nhường cho người đó cắt nhiều hơn. 10 năm thành lập, với những hiệu quả tích cực, lẽ ra chị Hà nên vui mừng, nhưng chị vẫn lo lắng: “Sông ngày càng ô nhiễm. Nguồn cá đánh bắt bây giờ giảm so với 10 năm trước rất nhiều. Điều này đồng nghĩa với thu nhập của chị em trong tổ cũng ngày càng ít đi...”.

 HOA LÀI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI