Tố cáo quấy rối tình dục liên quan Thị trưởng Seoul: Hé lộ những góc khuất trong nghề thư ký

20/07/2020 - 06:01

PNO - Dư luận vẫn còn chưa hết bàng hoàng về cái chết ngay khi đang tại nhiệm của Thị trưởng Seoul Park Won-soon.

Dư luận vẫn còn chưa hết bàng hoàng về cái chết ngay khi đang tại nhiệm của Thị trưởng Seoul Park Won-soon. Ông được cho là đã tự kết liễu đời mình hôm 9/7, một ngày sau khi bị một nữ thư ký cáo buộc quấy rối tình dục.

Đơn tố cáo, dẫn đến sự ra đi đột ngột, sau đó lại thêm những tình tiết mới từ cô thư ký đã làm lu mờ hình ảnh một nhà hoạt động dân sự, một luật sư nhân quyền hàng đầu, một vị chính khách đã giữ chức thị trưởng ba nhiệm kỳ, đồng thời, ông Park còn là ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân chủ (DPK) đang cầm quyền, trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2022.

Vai trò chính của nữ thư ký là làm cho thị trưởng “hạnh phúc”(!)

Trong cuộc họp báo ở Seoul ngày 13/7, luật sư Kim Jae-ryun cho biết, ông Park đã chạm vào thân chủ mình nhiều lần và gửi những tin nhắn không phù hợp qua telegram trong suốt bốn năm.

Theo đường dây nóng Phụ nữ Hàn Quốc và Trung tâm Cứu trợ bạo lực tình dục Hàn Quốc, cô thư ký đã nhiều lần yêu cầu chuyển công tác sang bộ phận khác kể từ tháng 1/2016, nhưng cố thị trưởng đã từ chối và tiếp tục hành vi quấy rối. Nạn nhân cho hay cô phải làm những điều không liên quan đến công việc trong nhiều năm, chẳng hạn như đo huyết áp cho thị trưởng. Trong những lần như vậy, ông Park đã “đẩy đưa” rằng huyết áp của mình tăng cao là do nữ thư ký.

Bà Kim Jae-ryun (giữa) - luật sư của cựu thư ký thị trưởng, người đã buộc tội Park Won-soon quấy rối tình dục - phát biểu trong một cuộc họp báo ở Seoul ngày 13/7 - Ảnh: The Korea Times
Bà Kim Jae-ryun (giữa) - luật sư của cựu thư ký thị trưởng, người đã buộc tội Park Won-soon quấy rối tình dục - phát biểu trong một cuộc họp báo ở Seoul ngày 13/7 - Ảnh: The Korea Times

Các nhóm dân sự cho biết thêm, trường hợp trên không phải là duy nhất. Các nữ thư ký khác tiết lộ vai trò chính của họ là “làm cho thị trưởng hài lòng, hạnh phúc”. “Theo cách hiểu thông thường, làm cho thị trưởng hài lòng, hạnh phúc là vượt ra ngoài phạm vi công việc của nữ thư ký và đòi hỏi vai trò giới tính không phù hợp. Điều này đã khiến chuyện quấy rối tình dục trở nên thường xuyên", các nhóm đưa ra tuyên bố.
Chính quyền Seoul tuyên bố thành lập một nhóm điều tra độc lập - bao gồm các quan chức thành phố, đại diện các nhóm dân sự và các chuyên gia pháp lý - nhằm xem xét các cáo buộc quấy rối tình dục. Tuy nhiên, các nhóm dân sự bày tỏ sự hoài nghi về kế hoạch này. Họ kêu gọi cảnh sát tiếp tục điều tra và thu thập bằng chứng trước khi quá muộn.

Nhưng ngày 17/7, tòa án quận Bắc Seoul đã từ chối yêu cầu của cảnh sát về việc truy cứu lịch sử cuộc gọi trong ba chiếc điện thoại di động của thị trưởng quá cố.

Xã hội Hàn Quốc chia rẽ

Để bày tỏ sự tiếc thương thị trưởng đương nhiệm, chính quyền TP.Seoul thông báo tổ chức tang lễ kéo dài 5 ngày theo thông lệ cho ông Park, đồng thời, đặt một bàn thờ tưởng niệm trước tòa thị chính để công chúng đến viếng. Ngay lập tức, thành viên các tổ chức nữ quyền và chính trị gia đã đặt vấn đề liệu có nên tổ chức nghi thức đại tang cho cố thị trưởng vốn đã “đối mặt” với cáo buộc quấy rối tình dục?

Một người dân đã đăng kiến nghị lên trang web của Văn phòng Tổng thống kêu gọi hủy bỏ kế hoạch tưởng niệm và tổ chức tang lễ ông Park theo hướng mà chính quyền thành phố đưa ra. Bản kiến nghị đã nhận được hơn 510.000 chữ ký. Giữa làn sóng giận dữ của cộng đồng mạng, các chính trị gia đối lập đã nhanh chóng ủng hộ kiến nghị trên. Tuy nhiên, cũng có không ít người ủng hộ ông Park, khi bày tỏ sự đau buồn về cái chết của ông, cũng như trân trọng những thành tích, đóng góp của một nhà hoạt động lừng lẫy. Hơn 9.000 cư dân đã đến khu vực tưởng niệm ông và hơn 620.000 lời chia buồn gửi đến website chính quyền thành phố.

Còn Yoo Yong-hwa - giáo sư thỉnh giảng Đại học Ngoại ngữ Hankuk (Seoul) - nói rằng, chưa ai có thể biết chính xác điều gì đã khiến ông Park tự sát. Vị giáo sư này cho rằng, hoàn toàn không thể phủ nhận việc ông Park đã đóng nhiều vai trò quan trọng với tư cách là thị trưởng Seoul tốt nhất trong một thập niên. “Một đánh giá khách quan về những gì ông ấy đã làm tốt lẫn sai trong lúc tại vị nên được đặt ra sau tang lễ. Sau đó, các thảo luận về nạn nhân trong vụ án quấy rối tình dục này cũng phải nên được giám sát để đưa ra các ứng phó thích hợp”, Yoo nói. 

Nam Anh (theo The Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI