Tô bánh canh 300.000 đồng và câu chuyện cạnh tranh bằng giảm giá

22/08/2018 - 06:56

PNO - Một sản phẩm nếu được công nhận có giá trị lớn hơn các đối thủ thì dù bán giá cao, vẫn có thể phát triển bền vững và có được mức lợi nhuận cao. Tô bánh canh 300.000 đồng lề đường vẫn đông khách là một ví dụ.

Không ít doanh nghiệp cho rằng, việc giảm giá là một điều kiện cần để cạnh tranh. Đây là một ngộ nhận nguy hiểm, vì việc giảm giá sản phẩm có thể không mang lại lợi thế cạnh tranh như chúng ta nghĩ, mà đôi khi còn ảnh hưởng xấu đến uy tín thương hiệu. Một số trường hợp giảm giá sản phẩm xuống quá thấp làm mất lòng tin của người tiêu dùng và khó gầy dựng lại được lòng tin ấy.

To banh canh 300.000 dong va cau chuyen canh tranh bang giam gia
Quán bánh canh cua trên đường Phạm Văn Chí (Q.6, TP.HCM) bán tô bánh canh giá 300.000 đồng vẫn đắt khách.

Giá trị là tính cạnh tranh quyết định mức độ lợi nhuận của doanh nghiệp, chất lượng là mức độ hài lòng của người tiêu thụ một sản phẩm hay dịch vụ. Nếu việc giảm giá đồng thời vẫn duy trì được chất lượng hoặc làm tốt hơn thì giá trị gia tăng, hàng bán được nhiều hơn, lợi nhuận cao hơn.

Nhưng nếu phải chấp nhận chất lượng nguyên vật liệu đầu vào kém để giảm giá, đưa đến tình trạng giảm chất lượng, làm cho giá trị tương đối bị giảm thì tính cạnh tranh cũng giảm theo, đến một mức không còn được thị trường công nhận, thì sản phẩm cũng không tồn tại được nữa.

Trong khi đó, nếu doanh nghiệp tập trung vào chất lượng thì vẫn có khả năng tăng giá tương đối so với thị trường mà vẫn có thể làm tăng giá trị. Như vậy, có thể khẳng định, yếu tố quyết định tính cạnh tranh là giá trị chứ không phải giá.

Vì suy cho cùng, giá trị là mức lợi nhuận xã hội công nhận cho một sản phẩm hay dịch vụ mà họ có độ hài lòng nhất định, đó là khi sản phẩm được quý (vì cần) và mến (vì hài lòng với chất lượng và có giá trị so với giá). 

Một sản phẩm nếu được công nhận là có giá trị lớn hơn các đối thủ cạnh tranh thì dù bán giá có cao hơn, vẫn có thể phát triển bền vững và có được mức lợi nhuận cao hơn. Và giá trị cũng là yếu tố quyết định khả năng tăng trưởng, lớn mạnh của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia.

Hàn Quốc cách đây hơn 30 năm cũng chỉ là một nước đang phát triển từ một khởi điểm thấp, nhưng nhờ vào một quốc sách hỗ trợ doanh nghiệp dám mơ lớn và nhờ vào ý chí của các doanh nhân Hàn Quốc là phải tập trung vào chất lượng mà họ đã dám cạnh tranh và đã thành công trong sản xuất xe hơi với những Kia, Hyundai được chấp nhận toàn cầu, bên cạnh cường quốc Nhật Bản đã đi trước họ trên 20 năm. Và cũng từ gần như số 0, Samsung đã quyết định đầu tư gần 1/3 ngân sách hằng năm để nghiên cứu, cạnh tranh ngang ngửa với Apple. 

To banh canh 300.000 dong va cau chuyen canh tranh bang giam gia
 

Một câu chuyện gần gũi với chúng ta hơn, đó là câu chuyện về tô bánh canh cua giá 300.000 đồng của một quán lề đường vẫn được nhiều người chờ mua ở TP.HCM.

Đó là vì người chủ biết chăm chút tìm mua miếng cua, miếng thịt, miếng rau tươi nhất, biết quan tâm làm cho nước dùng tinh ngon nhất. Cho nên, chị ấy bán được tô bánh canh mắc hơn một tô bình thường từ 5-10 lần, trong khi có lẽ giá thành chỉ tăng 2-3 lần để được một tô bánh canh chất lượng cao.

Vậy, làm sao để phát huy giá trị cao? Câu trả lời là hãy tập trung liên tục phát huy chất lượng. Điều kiện tiên quyết để phát huy chất lượng là liên tục đặt câu hỏi cho chính mình: có cách nào để làm được việc đang làm tốt hơn không? Phương pháp nào làm ra sản phẩm chất lượng mà ít tốn kém nhất?

Và mỗi người đều bắt đầu làm tốt hơn từ những việc đơn giản nhất. Đó cũng là công việc của bộ phận nghiên cứu và phát triển trong mỗi doanh nghiệp (R&D), liên tục nghiên cứu cải tiến các quy trình sản xuất hiện có, như cải tiến về công nghệ, máy móc, phương pháp sản xuất, thay thế nguyên vật liệu… để đạt năng suất mà ít tốn kém hơn.

Thực tế, không ít doanh nghiệp hiểu rằng, nghiên cứu phát triển là hoạt động cần thiết, nhưng lại không có nhiều doanh nghiệp thành lập một bộ phận R&D bài bản. Có thể thấy, các con rồng kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông… từ những ngày đầu đã quyết tâm thực hiện chiến lược cung cấp sản phẩm dịch vụ có chất lượng ngày càng cao nhất có thể được. Đó cũng là chiến lược của các doanh nghiệp ở những nước này để cùng đất nước đi lên. 

Những nước có cơ hội địa lý và tài nguyên thiên nhiên nhưng không có sự quyết tâm tập trung vào chất lượng mà bị lôi cuốn vào cơn nghiện cung cấp lao động rẻ để giải quyết bài toán thất nghiệp ban đầu, hoặc vì không có một môi trường kinh doanh tạo được lòng tin cho doanh nhân mạnh dạn đầu tư phát triển chất lượng, thì sẽ không bao giờ có cơ hội cất cánh và sẽ bị sa vào bẫy thu nhập trung bình.

Số phận của một doanh nghiệp hoặc một cá nhân cũng tương tự. Nếu không có quyết tâm tự đào tạo, học hỏi và có tư duy sáng tạo thì sẽ phải chấp nhận số phận lấy công làm lời. 

Trần Sĩ Chương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI