Tô Ánh Nguyệt - Một vở tuồng tâm lý xã hội xuất sắc

20/03/2020 - 21:26

PNO - Ngoài tư tưởng sâu sắc, lời thoại đậm chất văn học, vở Tô Ánh Nguyệt của đoàn 2-84 còn có sự tham gia của những nghệ sĩ xuất sắc với tài năng đang độ chín muồi.

Nếu được chọn một vở diễn tâm lý xã hội đặc sắc nhất trong những tuồng cải lương kinh điển, tôi sẽ không ngần ngại chọn Tô Ánh Nguyệt của soạn giả Trần Hữu Trang, bản dựng năm 1984 của đoàn 2-84.

Bên cạnh chủ đề chính là tình yêu, tình mẫu tử và đức hy sinh của người phụ nữ, Tô Ánh Nguyệt phản ánh một cách tinh tế và xác đáng những vấn đề của xã hội miền Nam đầu thế kỷ 20, khi những lề thói, tập quán phong kiến cũ kỹ đang cố gắng vùng vẫy chống lại những luồng gió mới từ phong trào Âu hóa.

Tô Ánh Nguyệt phản ánh tinh tế  xã hội miền Nam đầu thế kỷ 20
Tô Ánh Nguyệt phản ánh tinh tế những vấn đề của xã hội miền Nam đầu thế kỷ 20

Cuộc chiến bất xứng giữa cũ và mới

Cuộc chiến cũ – mới được thể hiện đầy ấn tượng qua đoạn đối đáp khi ông Phát (nghệ sĩ Nguyên Hạnh thủ vai) tìm đến nhà ông Cả (nghệ sĩ Diệp Lang) để “đòi sự công bằng” sau vụ Minh, con trai ông Phát, bị ông Cả “chửi cha mắng mẹ”. Họ tự giới thiệu ngắn gọn và đầy khiêu khích:

Ông Cả: Tôi thủ cựu bài tân (Tôi giữ lấy cái cũ, chối bỏ cái mới - NV)

Ông Phát: Tôi đả cựu nghinh tân (Tôi đả phá cái cũ, chào đón cái mới - NV)

Trích đoạn Tô Ánh Nguyệt: NSND Diệp Lang, NSND Thanh Tòng, NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương

 

Sau chuỗi đối thoại gay gắt, chẳng ai nhường ai, họ đi trực diện vào vấn đề đối kháng cốt lõi, quyết định hơn cả chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái.

Ông Phát: Ông xưa, tôi nay, hai cách sống cũ mới khác nhau không thể hòa hợp được.

Ông Cả (vỗ ngực): Tôi xưa đây ông! Nhưng cái xưa này là của ông bà mình mấy ngàn năm để lại. Còn mới là gì? Mới là ngoại thể lố lăng do người Lang-sa du nhập, hay ho gì mà “đả cựu nghinh tân”!

Ông Phát: (…) Chức sắc của ông cũng do nhà nước France ban cho. Ông chê tôi là ôm chân Pháp, nhưng nhìn kỹ lại thì ông cũng đang bợ cẳng Tây. Cách ông chọn rể có khác gì cách tôi lựa dâu? Ô là la, vạn sự chỉ ư tiền (mọi chuyện chỉ vì tiền – NV), hay ho gì mà “thủ cựu bài tân” đó ông Cả!

Lúc nhỏ, tôi cứ ấm ức không hiểu vì sao soạn giả lại để cho ông Cả thua mất mặt ngay trong nhà của mình. Nhưng sau này, có thời gian nghiền ngẫm, tôi mới nhận ra những thông điệp mang tính chính luận, kể cả dự báo xã hội mà vở diễn chuyển tải chứ không chỉ đơn thuần là các nhân vật cãi nhau vì sĩ diện.

Ông Phát có sự chuẩn bị, tìm hiểu vấn đề một cách kỹ càng nên đã bằng thái độ ung dung, lý lẽ sắc bén lẫn sự tinh ranh của một thương nhân dễ dàng áp chế một ông hương chức nông thôn thiếu kiến thức, bị động, lúng túng, nóng nảy, cố chấp.

“Cái mới” đã tìm đến tận nhà “cái cũ”, chủ động khiêu chiến khiến “cái cũ” không kịp trở tay và giành thắng lợi tuyệt đối. Đây không những là một sự cảnh báo về xu thế phát triển xã hội, mở rộng hơn, đây còn là bài học kinh nghiệm không chỉ quý giá trong cuộc sống mà còn hữu dụng trên thương trường.

Sau bao nhiêu năm, mỗi khi diễn lại trích đoạn Tô Anh Nguyệt, NSND Lệ Thủy và NSND Minh Vương vẫn diễn theo bản dựng cũ của đoàn 2 - 84
Sau bao nhiêu năm, mỗi khi diễn lại trích đoạn Tô Ánh Nguyệt, NSND Lệ Thủy và NSND Minh Vương vẫn diễn theo bản dựng cũ của đoàn 2-84

Nghị lực của những người phụ nữ

Nếu có sinh viên nào đang làm đề tài nghiên cứu về bình đẳng giới và nữ quyền trong lĩnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi sẽ giới thiệu họ tìm hiểu về ba người phụ nữ trong vở Tô Ánh Nguyệt: bà Cả, Nguyệt và Dung.

“Nhưng sự bần cùng, cộng thêm những bất công, những định kiến của xã hội dành cho phận đàn bà như tôi, một lần nữa tôi đã đánh mất đi cái quyền làm mẹ”- Người hâm mộ vở tuồng Tô Ánh Nguyệt ắt hẳn đều thuộc làu câu thoại có tính đề từ này, gắn liền với chất giọng đặc trưng của nghệ sĩ Lệ Thủy.

Cô Nguyệt, từ vị trí nạn nhân của định kiến xã hội đã bằng nghị lực của mình tiếp tục sống vững vàng với tâm nguyện nuôi dạy đứa con bản lĩnh làm người tiến bộ, sống có ích cho xã hội.

“Ngoài tình mẫu tử thiêng liêng ra, chị còn muốn giúp cho con hiểu thêm về ý nghĩa cuộc sống. Nếu đời chị, nghị lực của một người mẹ chỉ chịu đựng với sự khổ đau, thì tới đời sau con của chị, nghị lực ấy phải chống trả mọi bất công đó cậu” -nghệ sĩ Lệ Thủy đã kết thúc câu thoại bằng một nụ cười nhẹ nhàng và giọng nói tràn đầy tin tưởng. Đây không phải là một tuyên ngôn về sự vận động tiến bộ xã hội sao?

Còn nữa, cô Nguyệt đã nói với ông Minh:

“Thương con là phải sống cho trọn vẹn vì con, đừng để nó rơi theo vết cũ lối mòn của chúng ta ngày trước, ngập trong lớp rong rêu cặn bã ao tù. Hãy chắp cánh để cho nó bay xa. Cho nó thấy đất rộng trời cao, núi hiểm rừng sâu và biển cả muôn trùng. Nói với nó hiện tình khốn khổ của người dân đang trên cổ mang tròng, cho nó được sáng mắt sáng lòng, phân biệt thế nào là ghét là thương”.

Tan vỡ mối tình đầu, cuộc đời Nguyệt và Minh lại là hai hình ảnh đối lập theo thời gian
Tan vỡ mối tình đầu, cuộc đời Nguyệt và Minh lại là hai hình ảnh đối lập theo thời gian

Tan vỡ mối tình đầu, cuộc đời Nguyệt và Minh lại là hai hình ảnh đối lập theo thời gian. Minh có một cuộc sống tưởng chừng như viên mãn với gia thế giàu sang, vợ hiền con thảo nhưng bản thân ông lại dằn vặt, u uẩn trong bất lực đến độ lâm bệnh nặng mất sớm.

Nguyệt tuy sống đơn chiếc, đạm bạc nhưng tinh thần luôn mạnh mẽ và chưa từng nguôi hy vọng về một cuộc đoàn tụ với con. Bên cạnh đức hy sinh, lòng chung thủy, điều khiến cho cô Nguyệt đủ sức để vượt lên nghịch cảnh chính là nghị lực bền bỉ, khát vọng cải thiện hoàn cảnh để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho đời sau. Khát vọng này, cô đã được trao truyền từ người mẹ.

Đúng vậy, mẹ Nguyệt – bà Cả - là người đã gieo những hạt mầm tư tưởng mới cho các con của mình. Tuy hiện diện với hình ảnh của một người phụ nữ truyền thống chỉ biết phục tùng chồng, nuôi con và quanh quẩn trong bếp, như lời ông Cả: “Bà chỉ cúi đầu nghe chứ không được quyền nói. Bổn phận đàn bà là cái bếp", nhưng bà Cả đã dám cãi chồng cho hai con học chữ Tây để “nó hiểu biết với người ta”.

Bà không muốn con gái rơi vào một vòng đời tối tăm, ảm đạm muôn thuở như bà, mẹ của bà và như những người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ. Sự vùng vẫy tưởng chừng yếu ớt của bà, thực chất đã tạo nền tảng để các con bà tiến bộ hơn. “Tốp trước phải lo cho tốp sau”, bổn phận làm mẹ mà bà dặn dò con gái mang hàm nghĩa sâu xa hơn nhiều so với việc chỉ lo cho con mình đủ đầy về vật chất.

Trích đoạn Tô Ánh Nguyệt: NSND Lệ Thủy- NSND Minh Vương

 

So với mẹ con cô Nguyệt, Thu Dung – vợ của Minh – lại phải dùng hết nghị lực để chịu đựng bi kịch nội tâm khác. Là một phụ nữ với điều kiện gần như hoàn hảo: xinh đẹp, giỏi giang, nhà giàu, nhân hậu, hết lòng yêu chồng thương con, Dung vẫn luôn giấu vào lòng nỗi đau dai dẳng về cuộc hôn nhân “mười mấy năm không trọn mặn nồng, gió xuôi mà nước chảy ngược dòng”. 

Nếu không may mắn có được đứa con trai nuôi, có lẽ cô đã phải chấp nhận cảnh “chồng chung vợ chạ”, bởi câu “bất hiếu hữu tam”, nếu không sanh được con nối dõi tông đường thì người vợ phải đích thân đem trầu cau cưới vợ lẽ cho chồng.

Bị chồng lạnh nhạt, Dung cũng chỉ có thể âm thầm buồn tủi, bởi trong xã hội nam quyền thì người phụ nữ không được tự do mưu cầu hạnh phúc. Bao dung, nhẫn nhịn, hy sinh cả đời để cố giữ mái ấm, cô Dung cũng chỉ nhận được một sự thật phũ phàng, đứa con nuôi chính là con ruột của chồng, cùng lời xin lỗi của anh ta trước lúc lâm chung: “Mình cảm thông bằng tất cả tấm lòng”. Tất cả tấm lòng – thật ra chính là nghị lực vô bờ bến.

Ngoài tư tưởng sâu sắc, tình huống chặt chẽ, lời thoại đậm chất văn học, vở cải lương Tô Ánh Nguyệt của đoàn 2-84 còn may mắn có sự tham gia biểu diễn của những nghệ sĩ xuất sắc với tài năng đang độ chín muồi, bên cạnh đó còn có sự cố vấn nghệ thuật của hai bậc thầy Phùng Há và Ba Vân.

Các nghệ sĩ Diệp Lang, Minh Vương, Hồng Nga, Thanh Tòng, Nguyên Hạnh… đã thể hiện chuẩn xác về tâm lý nhân vật, ca diễn đạt đến sự tinh tế. Đặc biệt, nghệ sĩ Lệ Thủy đã đạt đỉnh cao sự nghiệp với nhân vật Tô Ánh Nguyệt – vai diễn để đời gắn liền tên tuổi của chị hơn 35 năm qua.

Tất cả những yếu tố này đã góp phần đưa Tô Ánh Nguyệt trở thành một trong những vở cải lương kinh điển, xứng đáng được giới thiệu trong sách giáo khoa như một tác phẩm văn học nghệ thuật bậc cao.

An Nhiên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI