Tổ ấm nhỏ của mẹ và tôi ấm áp hơn nhờ những lá thư tay làm 'của để dành'

29/06/2018 - 06:00

PNO - Suốt bốn năm đại học, tuần nào tôi cũng về với mẹ ngay sau khi tiết học cuối kết thúc. Tôi háo hức được gặp mẹ, được mở chiếc lồng bàn nhựa đỏ bên trong là những món ngon tuyệt vời mẹ đã nấu sẵn chờ tôi.

Năm tôi lên năm tuổi, bố qua đời sau cơn bạo bệnh. Mẹ tôi một mình vượt bao khó khăn, giông bão cuộc đời để nuôi dạy hai đứa con thơ. Anh em tôi thương mẹ, biết làm việc nhà từ khi còn bé tí. Ba mẹ con sống bên nhau không giàu có đủ đầy nhưng ấm áp, mẹ tôi nghiêm khắc nhưng yêu con vô hạn. 

Tôi nhớ hồi ấy nhà rất nghèo nhưng biết anh tôi thích đá banh, mẹ đã dành dụm mãi rồi mua cho anh một trái banh da xịn đắt tiền mà bạn bè anh con nhà khá giả cũng chưa có. Nhưng rồi trong một lần anh chơi đá banh với các bạn, cả nhóm cãi nhau khi tranh giành bóng, suýt nữa đánh nhau. Mẹ tôi biết chuyện đã cầm trái banh lên cắt tan nát. Mẹ muốn dạy anh một bài học, rằng đồ vật quý giá đắt tiền đến mấy cũng không đáng coi trọng bằng thái độ sống và cách hành xử đúng mực.

To am nho cua me va toi am ap hon nho nhung la thu tay lam 'cua de danh'
Mẹ và tôi hồi nhỏ (ảnh tác giả cung cấp).

Mẹ vất vả nuôi dạy anh em tôi thành người, những tưởng sắp gặt hái những quả ngọt đầu tiên khi anh tôi sắp sửa tốt nghiệp trung cấp nghề và thi lên đại học, còn tôi lên lớp 12 thì nỗi đau lại ập tới: anh bị tai nạn và qua đời. Mẹ tôi đau đớn cùng cực, suốt một thời gian dài mẹ lủi thủi và lặng lẽ vì quá đau buồn. Nhưng rồi nỗi đau cũng nguôi ngoai dù không bao giờ biến mất, mẹ lại dồn tất cả tình yêu thương cho tôi, cô con gái "út ít" của mẹ.

Tôi nhớ mãi chuyến đi xa đầu tiên mà mẹ chở tôi đi bằng xe máy, là ngày mẹ đưa tôi lên Sài Gòn thi đại học. Trời mùa hè nắng như thiêu đốt, mẹ chở tôi đi chầm chậm, trên đường dặn dò tôi đủ mọi chuyện. Lúc mẹ quay về, tôi cứ đứng nhìn theo bóng mẹ gầy gầy, da sạm đen khắc khổ, rồi nước mắt tự nhiên rơi.

Ngày biết tin tôi thi đậu, mẹ tất bật sắm sửa hành trang cho tôi chẳng thiếu thứ gì. Tôi đi rồi, mỗi ngày hai mẹ con đều gọi điện cho nhau, nói chuyện hàng giờ, ríu rít như đôi bạn thân. Các bạn cùng phòng trọ hồi ấy rất "hâm mộ" tôi khi có một bà mẹ tâm lý và gần gũi như vậy. 

To am nho cua me va toi am ap hon nho nhung la thu tay lam 'cua de danh'
Như mọi bà mẹ khác, tất cả tình yêu thương của mẹ tôi đều dành trọn cho con cháu của mình (ảnh tác giả cung cấp).

Suốt bốn năm đại học, tuần nào tôi cũng phóng xe về với mẹ ngay sau khi tiết học cuối kết thúc. Tôi háo hức được gặp mẹ, được mở chiếc lồng bàn nhựa đỏ bên trong là những món ngon tuyệt vời mẹ đã nấu sẵn chờ tôi. Rồi tôi lại ăn ngấu nghiến cho đến khi bụng to kềnh đến mức mẹ phải bảo thôi kẻo... bội thực. Đến tận bây giờ đã lập gia đình, có con, tôi vẫn thường xuyên tranh thủ về thăm mẹ dịp cuối tuần. Những lần ấy, mẹ lại ủ bột, nhào bột, làm nhân sẵn để khi tôi về mẹ lại làm bánh rán nhân thịt - món tôi thích nhất. 

Căn bếp nhỏ cũng là nơi mẹ đã dạy tôi nhiều điều về cuộc sống. Có lần mẹ bảo tôi kho cá, nhưng tôi lơ là làm qua loa nên cá không ngon. Mẹ bảo một câu mà tôi nhớ mãi: "Làm việc gì dù nhỏ nhất con cũng phải đặt tâm mình vào đó thì mới có kết quả tốt". Tôi ra trường, ở lại Sài Gòn đi làm, rồi yêu đương và kết hôn. Nhiều lúc nghĩ mình đã lớn nhưng trong mắt mẹ tôi mãi là đứa con gái bé bỏng cần che chở. 

To am nho cua me va toi am ap hon nho nhung la thu tay lam 'cua de danh'
Mẹ có thói quen viết thư tay gửi kèm cho tôi để dặn dò chuyện ăn uống, nấu nướng vì sợ tôi lười và ăn hàng quán nhiều không tốt cho sức khỏe (ảnh tác giả cung cấp).

Tôi đi làm lười nấu nướng chỉ ăn cơm hàng quán, mẹ nhờ người mang đủ thứ thức ăn lên, rồi còn viết thư tay dặn dò kỹ lưỡng. Biết tôi đã yêu, mẹ lại viết thư dặn tôi cách cư xử. Đến tận bây giờ, kết hôn đã hơn sáu năm, tôi vẫn giữ những mẩu thư mẹ viết ngày ấy. Đôi lúc ngồi lật giở ra nhìn lại mà nỗi xúc động lại ùa về. 

To am nho cua me va toi am ap hon nho nhung la thu tay lam 'cua de danh'
Khi tôi có người yêu, mẹ có nhiều điều muốn khuyên nhủ nhưng khó nói nên cũng chọn cách viết thư (ảnh tác giả cung cấp).

Viết thư tay cũng là cách giao tiếp đặc biệt của tôi và mẹ từ khi tôi còn nhỏ. Hồi ấy, tôi đi học xa nhà, điện thoại không có, tôi nhớ mẹ nên ngày nào cũng khóc và viết rất nhiều thư cho mẹ chờ khi có ai tiện đường chuyển giúp. Đến giờ mẹ tôi cũng vẫn giữ những mẩu thư ấy đầy nâng niu, như một phần hồi ức đẹp đẽ về đứa con nay đã trưởng thành nhưng mãi mãi bé bỏng trong lòng mẹ.

To am nho cua me va toi am ap hon nho nhung la thu tay lam 'cua de danh'
Đến giờ mẹ tôi vẫn giữ những mẩu thư ngô nghê tôi viết cho mẹ hồi học lớp 5 như một kỷ vật đẹp đẽ vô giá (ảnh tác giả cung cấp).
Thật ấm áp khi có những người vẫn viết vài dòng cho con bỏ cùng hộp cơm trưa. Một chiều đi làm về mỏi mệt, chồng đọc lời dặn dò giữ ấm của vợ nơi cánh tủ. Một đêm đau bệnh, tôi thấy lời xin lỗi của con ngay đầu giường… Những điều đẹp đẽ ấy khiến cuộc sống của chúng ta thêm rực rỡ sắc màu. Nếu bạn từng gặp những phút giây đẹp như thế, xin hãy chia sẻ cùng chúng tôi. Hình ảnh, bài viết xin gửi về email: tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn
 

Thảo Nguyên (TP. HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI