TNK đào hầm ngay sát Syria, IS dùng đập thủy điện làm vũ khí cố thủ

24/01/2016 - 07:51

PNO - Thổ Nhĩ Kỹ đã ra lệnh cho quân đội đào hầm gần biên giới với Syria, trong khi phiến quân IS dùng đập thủy điện làm nơi cố thủ.

Sau khi xuất hiện thông tin Nga đã gửi một nhóm quân và một số kỹ sư đến Al-Qamishli để khảo sát một sân bay ở phía nam của thị trấn vùng biên của Syria, chính phủ Ankara đã ra lệnh "theo dõi chặt chẽ" động thái chuyển quân của Nga tại Syria gần biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời quân đội nước này đã ra lệnh đào hầm dọc biên giới.

Thông tin về việc Nga dự định mở một sân bay quân sự mới, ngay sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra giữa lúc Moscow và Ankara đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga hôm 24.11.

TNK dao ham ngay sat Syria, IS dung dap thuy dien lam vu khi co thu
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ ngay sát biên giới với Syria.

"Tôi có thể nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang theo dõi chặt chẽ mọi chuyển động quân sự gần biên giới của mình và đặc biệt là tại biên giới với Syria", một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.

Trước đó, Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tugrul Turkes nói với quốc hội nước này hôm 21.1 rằng, ông không thấy mối đe dọa đến từ hành động quân sự của Nga gần biên giới. Tuy nhiên, theo tờ Hurriyet daily, Ankara đang tăng cường an ninh bằng cách đào hầm, xây công sự tại khu vực biên giới với Syria.

Tờ Hurriyet còn khẳng định, các quan chức quân sự hàng đầu của Nga, trong đó có cả những quan chức tình báo quân sự của nước này đã đến thị sát tại Al-Qamishli.

Trong khi đó, các tay súng tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang sử dụng Tabqa - đập thủy điện lớn nhất của Syria như một loại vũ khí tiềm năng, một điểm tựa quyền lực, nơi giấu các tù binh quan trọng cũng như che chở cho các thủ lĩnh cấp cao do tin rằng liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ không ném bom tại đây vì lo ngại sẽ gây ra một trận lũ kinh hoàng.

TNK dao ham ngay sat Syria, IS dung dap thuy dien lam vu khi co thu
Một thành viên IS vẫy cờ trước đập Tabqa.

"Nếu đập có trữ lượng nước lớn nhất này bị vỡ, nó sẽ nhấn chìm phần lớn Iraq và toàn bộ khu vực phía Đông Syria sẽ mất điện. Đó là một thảm họa sinh thái cho Iraq và một thảm họa nhân đạo cho Syria" - Ariel Ahram, giáo sư tại Đại học Bách khoa Virginia (Mỹ) chuyên nghiên cứu về an ninh và phát triển, lo ngại.

Theo Nhật báo phố Wall (WSJ), đập Tabqa cách thành trì Raqqa của IS khoảng 40 km về phía Tây. Được tạo ra với sự hỗ trợ của Nga trong những năm 1970, Tabqa kiểm soát dòng chảy của sông Euphrates vào miền Đông Nam Syria và miền Bắc Iraq.

Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây cho biết, các tay súng của IS đã giới hạn dòng chảy từ đập Tabqa, cắt đứt nguồn tiếp cận nước của người dân Iraq tại tỉnh Anbar. Xung quanh Tabqa, IS lập ra nhiều đồn bốt với sự canh gác cẩn mật của các tay súng nước ngoài. Chúng giấu những tù binh chiến lược ở đây, đặc biệt là những người muốn tránh sự truy lùng của Mỹ và quân đồng minh.

Giới chức Mỹ cho rằng việc tái chiếm đập Tabqa từ tay IS sẽ gặp nhiều khó khăn hơn việc lấy lại đập Mosul trước đây hoặc việc bảo vệ con đập Haditha ở Iraq, do không có lực lượng bộ binh nào tại Syria triển khai hoạt động chuẩn bị đánh chiếm. Tuy nhiên, nếu đập Tabqa bị ném bom, một lượng lớn nước sẽ tràn ra, hàng chục ngàn người vô tội từ đó sẽ thiệt mạng.

Lam Anh (tổng hợp)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI