Titanic: Cuộc chạy đua với thời gian và tranh luận chưa có hồi kết

13/04/2025 - 14:00

PNO - Bản sao kỹ thuật số 3D của con tàu Titanic vừa khiến thế giới kinh ngạc, vừa dấy lên cuộc tranh cãi không hồi kết: Có nên tiếp tục khám phá và thu thập hiện vật từ xác tàu – vốn được coi là "nghĩa trang" dưới biển sâu?

Con tàu Titanic huyền thoại (Ảnh chụp khoảng năm 1912)
Con tàu Titanic huyền thoại (Ảnh chụp khoảng năm 1912)

Khi di sản đang tan rã giữa lòng đại dương

Ở độ sâu gần 4.000 mét dưới đáy Bắc Đại Tây Dương, xác tàu Titanic nằm yên lặng giữa bãi đổ nát trải dài hơn 5km². Không còn cảnh tượng hoành tráng của một con tàu xa hoa bậc nhất đầu thế kỷ XX, Titanic giờ đây là biểu tượng tang thương, là nơi yên nghỉ của hơn 1.500 con người. Với nhiều người, bất kỳ hành động tiếp cận, khai quật hay lấy đi hiện vật nào đều là sự xúc phạm tới ký ức những nạn nhân xấu số.

Tuy nhiên, một công nghệ mới đang làm lung lay quan điểm đó: mô hình 3D toàn diện nhất từng được thực hiện về con tàu huyền thoại. Titanic: The Digital Resurrection – một dự án hợp tác giữa National Geographic và Công ty Magellan – không chỉ tái dựng từng chi tiết của con tàu mà còn hé lộ hàng ngàn hiện vật chưa từng được khám phá.

Dự án số hóa cho phép công chúng và các nhà khoa học “lặn” xuống đáy biển thông qua robot điều khiển từ xa, khám phá những câu chuyện đang ngủ quên trong lớp trầm tích. Có thể kể đến cặp ống nhòm opera từng thuộc về ông chủ rạp hát Henry B. Harris hay chiếc vòng tay làm từ ngà heo rừng – món bùa may mắn đi cùng đồng hồ bỏ túi khắc biểu tượng “Advance Australia”.

Một trong những hiện vật gây bất ngờ nhất là chiếc đồng hồ này được xác định thuộc về Đại tá John Wear, một doanh nhân người Scotland. Sau khi ông qua đời, cả vợ ông ở Scotland và gia đình thứ hai ở Australia đều nộp đơn yêu cầu thừa kế. Câu chuyện không chỉ là một vụ tranh chấp tài sản mà còn mở ra một khía cạnh rất đời thường, rất con người giữa thảm kịch lịch sử.

Trailer phim Titanic: The Digital Resurrection, dự án hợp tác giữa National Geographic và Magellan (Anh):

Nhưng không phải ai cũng đồng tình với việc “khai quật” Titanic bằng bất kỳ hình thức nào. Các nhóm bảo tồn di sản cho rằng con tàu là một nghĩa trang thiêng liêng, nơi nên để yên vĩnh viễn. Trái lại, nhà thám hiểm Paul-Henri Nargeolet – người từng có hơn 30 lần lặn xuống Titanic – gọi quan điểm này là “một chiêu trò truyền thông”. Theo ông, hầu hết các nạn nhân không nằm trong xác tàu mà chết vì hạ thân nhiệt, và phần lớn xương người cũng đã tan biến trong môi trường nước biển có tính axit.

Cuộc chiến giữa ký ức và đạo đức

Những gì còn sót lại của Titanic – cả vật chất lẫn câu chuyện – đang bị cuốn trôi bởi thời gian. Các nhà nghiên cứu phát hiện những khối rỉ sắt dài tới 9 mét đang bào mòn thân tàu với tốc độ 180 kg sắt mỗi ngày. Ước tính, toàn bộ cấu trúc Titanic có thể sụp đổ hoàn toàn trong vòng 15 đến 50 năm tới.

“Thời gian không chờ đợi Titanic và những gì thuộc về nó,” nhà khảo cổ học James Sinclair nhận định. “Tôi hiểu đây là một đài tưởng niệm, nhưng các hiện vật có thể kể lại câu chuyện đầy đủ và xúc động hơn nhiều so với một vết rỉ sét đang tan biến trong lòng đại dương”.

Ê kip thực hiện phim tài liệu đứng trước bản sao kỹ thuật số của Titanic trong một studio ảo.
Ê kip thực hiện phim tài liệu Titanic: The Digital Resurrection đứng trước bản sao kỹ thuật số của Titanic trong một studio ảo.

Theo Sinclair, việc phục dựng 3D là bước tiến lớn, nhưng vẫn chưa đủ. “Ghi tư liệu là cần thiết, nhưng nếu chúng ta thực sự quan tâm đến di sản này, việc thu hồi những hiện vật có giá trị nên được thực hiện càng sớm càng tốt”.

Không dễ để tìm thấy tiếng nói chung giữa bên muốn bảo tồn Titanic như một nghĩa trang và bên muốn tiếp tục nghiên cứu, phục dựng lịch sử từ các hiện vật nằm rải rác trên đáy biển. Trong bối cảnh đó, bản sao 3D trở thành giải pháp dung hòa: giúp tiếp cận, khám phá mà không xâm phạm. Tuy nhiên, nó cũng làm dấy lên câu hỏi: liệu “nhìn mà không chạm” có đủ để cứu vãn những câu chuyện đang dần bị lãng quên?

Với khoảng 20.000 hiện vật còn nằm trong bãi đổ nát – từ thư từ, rương hành lý, sách quý đến đồ trang sức – Titanic không chỉ là một xác tàu. Nó là một kho lưu trữ của ký ức, là tiếng nói câm lặng của thời Edward cuối cùng, là hình ảnh thu nhỏ của thế giới ngay trước khi bước vào Thế chiến lần thứ Nhất.

Dù ở lại trong im lặng hay tiếp tục được khai phá, Titanic vẫn là di sản không thuộc về riêng ai, mà là của nhân loại. Và trước khi nó biến mất hoàn toàn, câu hỏi cấp thiết vẫn còn đó: Chúng ta nên đối xử với ký ức này như thế nào?

Tuấn Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI