Tình yêu từ tiếng sáo réo rắt

24/01/2016 - 07:36

PNO - Chúng tôi về sống bên cạnh nhau, ai có sở thích của người đó, có thói quen của người đó, không làm ảnh hưởng nhau, chẳng cằn nhằn bắt nhau thay đổi...

Tinh yeu tu tieng sao reo rat
Đám cưới của ông bà chỉ được chuẩn bị trong ba ngày nhưng rất ầy đủ, đông vui và đầm ấm

Chạy xe theo Quốc lộ 50, qua khỏi cổng chào vào thị trấn Cần Đước (H.Cần Đước, tỉnh Long An) chừng một cây số, nhìn bên trái con đường, người ta sẽ thấy một cửa hàng bán sách vở, dụng cụ học tập. Cửa hàng đơn sơ với mái tôn, vách tôn. Đó chính là tổ ấm của nghệ nhân thổi sáo Hoài Phan và cô giáo về hưu Phan Thị Hương.

Trong cửa hàng, bên cạnh những chồng sách vở, bút thước, còn có rất nhiều cây sáo, ủ mọi kích cỡ - chúng là thứ không thể thiếu trong gian hàng của ôi vợ chồng đến với nhau 17 năm trước từ sự “mối mai” của tiếng sáo.

Gái ham tài, trai ham sắc

Tình yêu đầu tiên của cuộc đời Hoài Phan chính là cây sáo. Ngày còn nhỏ, ông đã mê mẩn các chương trình ngâm thơ trên Đài tiếng nói Việt Nam. Đêm đêm, ông lén ôm đài nghe những giọng ngâm thơ và tiếng sáo trúc, rồi tự tập thổi sáo, tập ngâm thơ theo giọng Bắc.

Năm 1965, ông vào Nam học chữ và học vẽ, nhưng con đường của ông đã rẽ về hướng cây sáo sau khi tham gia vào Ban thi văn Mây Tần của nhà thơ Kiên Giang, ngâm thơ trên đài phát thanh và trở thành một giọng ngâm nòng cốt của Mây Tần.

Không chỉ mê cây sáo và thổi sáo hay, Hoài Phan còn dành gần như cả cuộc đời để làm sáo, cải tiến cây sáo rồi trở thành một trong những nghệ nhân sản xuất sáo giỏi nhất. Với đam mê đến mức đêm cũng ôm cây sáo mà ngủ ấy, đã có một khoảng thời gian dài ông dường như quên cuộc sống của riêng mình và sống độc thân đến tận khi 50 tuổi.

Ông giải thích: “Yêu tui, chắc phải yêu cả tiếng sáo, phải có chung niềm đam mê với tui. Chẳng gặp ai có cả hai điều đó nên đành chịu”. Cũng nhờ đó mà ông bất chợt tìm được tình yêu thứ hai của đời mình vào cái tuổi xế chiều.

Họ gặp nhau trong một chuyến đi chơi chung với gia đình bạn bè của cả hai bên ở Vũng Tàu. Bà khi ấy đã bước vào tuổi 40, là một cô giáo dạy văn cấp II, sôi nổi, mơ mộng và mê nghệ thuật. Với ông, khi đó bà rất đẹp, vẻ đẹp đằm thắm của người phụ nữ chín chắn.

“Hồi đó cổ đẹp, tuổi 40 mà nhiều người theo lắm, còn tôi xấu trai, nên gặp tôi, cổ đâu thèm dòm. Vậy mà chừng nghe tôi thổi sáo, cổ giật mình, thế là đeo tôi luôn”. Nghe ông kể giọng đầy tự hào pha chút hài hước, bà chẳng cải chính, chỉ cười cười, nụ cười tinh nghịch của người phụ nữ có tâm hồn trẻ trung, ham mê công tác xã hội, từ thiện đến mức cũng bỏ quên tuổi trẻ, cho đến khi bất ngờ gặp một tiếng sáo rồi ngẩn ngơ theo bóng hình của chàng Trương Chi...

Nói vậy chứ chẳng biết là ai “đeo” ai. Bởi khi gặp nhau, quen nhau, yêu nhau, người đàn ông gốc miền Trung cục mịch chỉ biết yêu sáo ấy theo bà đi đi về về Long An suốt mấy năm ròng. Biết bà mê văn nghệ, ông “trổ tài” bày bà ngâm thơ, dạy bà làm MC, luyện giọng cho bà để nói trước công chúng, thổi sáo cho bà nghe, ông còn theo vào trường viết chữ lên bảng cho bà.

Tinh yeu tu tieng sao reo rat
Ông vẫn ngày ngày thổi sáo cho bà nghe

Càng quen, càng thấy ông có nhiều tài, bà càng tự hào và yêu thương ông. Gia đình phản đối vì thấy ông xấu trai, bạn bè cũng chê “yêu chi người lùn, nhỏ con thế”. Có người còn đùa bà là “gà tre gặp gà ác”, thế nhưng bà chẳng màng.

Trai tài, gái sắc, gặp nhau là kết dính, quyến luyến. Bốn năm sau, vào năm 1998, khi một người em trai tự dưng bảo ông bà “cưới đi chứ”, thế là chỉ trong vòng ba ngày, họ đã tổ chức đám cưới, một đám cưới vui tưng bừng, đông đủ bạn bè, họ hàng.

Sống là nhẹ nhàng ở bên nhau

Cưới nhau rồi, chẳng cân đo, đong đếm gì nhiều, thể hiện ngay trách nhiệm làm chồng của mình, ông theo về quê vợ, mua miếng đất nho nhỏ với giá ba cây vàng, cất nhà để hai vợ chồng sống cùng nhau. Thấy bà đau bụng vào những ngày của phụ nữ, ông đưa bà đi chữa bệnh hàng tháng trời ở Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) rồi mua thực phẩm chức năng cho bà uống. Khi biết bà bị lạc nội mạc tử cung, không thể có con được, ông an ủi bà và an ủi chính mình: “Cái số nó vậy, đừng buồn”.

Kể từ đó đến nay, đã 17 năm trôi qua. Với ai đó, đời sống vợ chồng có thể là những thử thách, những vượt qua chính mình và hoàn cảnh, tính cách. Với ông bà, đó là 17 năm nhẹ nhàng bên cạnh nhau, người này chăm sóc người kia, chấp nhận những cái khác nhau một cách tự nhiên.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI