Tất cả vì học sinh miền Nam
Trên chuyến tàu áp chót rời bến đúng vào ngày 30 tết năm 1954, chiếc áo len mang theo không thể giúp bà Nguyễn Thị Yến Thu - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khi ấy là cô bé 15 tuổi - đủ ấm trước cái rét của miền Bắc như cắt da cắt thịt. Rời tàu, mỗi người được phát 1 cái áo len, 1 đôi dép râu, nón và những dụng cụ học tập cần thiết. Học sinh miền Nam (HSMN) được tiếp đón nồng hậu, được bà con miền Bắc nhường cơm, sẻ áo.
Còn bà Lê Thị Kim Hoa kể, năm 1954 bà mới 15 tuổi. Ra Bắc, bà được gửi đến ở tạm tại một gia đình làm nghề đi biển. Mỗi bạn nhỏ được chủ nhà cho 1 cái nia đan bằng tre thật lớn và 1 tấm đệm để tối nằm ngủ. Mùa đông, trời lạnh khiến cơ thể cô bé run lên bần bật. Tưởng mình bị bệnh, nhưng đó chỉ là cái rét mùa đông trên đất Bắc.
|
Các nữ học sinh miền Nam tập đàn t’rưng - Ảnh tư liệu |
Ở được vài ngày Hoa mới biết là mình và các em trong đoàn được bà con miền Bắc dành cho những thứ ngon nhất, tốt nhất. Bà nói: “Cơm chúng tôi ăn không có gì ngoài cá kho và rau luộc. Nhưng đó là những thứ ngon nhất mà bà con dành cho chúng tôi. Sang ngày thứ ba, tôi mới phát hiện, cả nhà họ ăn cơm với rau chấm nước muối. Tôi mang cá kho qua mời thì họ từ chối quyết liệt và bảo: “Các con là HSMN ra đây, cần ăn uống đầy đủ để học hành. Không phải lo cho cô bác”.
Với người dân miền Bắc, 2 chữ “biết ơn” trong nhật ký HSMN được lặp đi lặp lại trăm lần, ngàn lần dường như chưa đủ. Trong ký ức, sau 9 năm kháng chiến, miền Bắc bị tàn phá, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân còn thiếu thốn trăm bề, thế nhưng nhân dân miền Bắc vẫn ưu tiên, chăm sóc cho HSMN đầy đủ nhất có thể.
Hằng năm, mỗi học sinh được cấp 1 bộ sách giáo khoa, 2 bộ đồng phục, mùa đông có thêm bít tất, chăn bông, áo bông. Hằng tháng, HSMN cũng được cấp sinh hoạt phí, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt và hằng tháng còn có tiền học phẩm để mua giấy, bút, mực… Ngoài ra, những thầy cô giáo được lựa chọn vào các trường HSMN cũng là những người tên tuổi và giỏi nghề nhất.
Nhắc đến cái tình của nhân dân miền Bắc dành cho HSMN, bà Yến Thu kể, trong những lần về trường thăm hỏi việc học hành của HSMN, cố Tổng bí thư Đỗ Mười, khi đó làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, luôn nhấn mạnh với các thầy cô giáo, cán bộ quản lý rằng: “Chỉ cần 1 em học sinh có chuyện gì sẽ làm rúng động và chắc người thân của họ ở miền Nam sẽ không còn sức chiến đấu. Nên bảo vệ HSMN là bảo vệ miền Nam”.
Có một lần, học sinh trường 6 không may bị ngộ độc. Đêm hôm đó, tất cả phòng học biến thành phòng bệnh. Trong đêm, toàn bộ bác sĩ ở các bệnh viện của Hải Phòng được huy động đến cấp cứu. Chính ông Đỗ Mười cũng có mặt để nắm bắt tình hình. “Khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã khiến nhân dân miền Bắc, trong gian khổ vẫn nhường cơm, sẻ áo. Điều đó kích thích HSMN chúng tôi cố gắng học tập để về giúp ích cho miền Nam. Sau này, cho dù đi đâu chúng tôi vẫn nhớ cái tình của đồng bào miền Bắc dành cho mình” - bà Yến Thu khẳng định.
Không chỉ học chữ mà còn học làm người
Ở tuổi 82, bà Ngô Thanh Khiết - nguyên chuyên viên Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - vẫn còn khắc sâu kỷ niệm lần đầu có kinh nguyệt, khiến bà - cô bé 12 tuổi - hốt hoảng. Cô bé vội đi tìm cô giáo chủ nhiệm để… mách. Cô giáo nhìn Thanh Khiết trìu mến: “Cô chúc mừng con đã trở thành thiếu nữ”. Nói rồi, cô dẫn Thanh Khiết vô phòng y tế hướng dẫn cách giữ vệ sinh, lấy vải mùng bảo vệ vùng kín.
|
Đội bóng rổ của Trường nữ học sinh miền Nam số 4 Hải Phòng - Ảnh tư liệu |
Bà Thanh Khiết kể, trường 6 hồi đó có mấy trăm học trò, vậy mà khi nói chuyện, khuyên răn bạn nào, các cô đều nhỏ nhẹ, ân cần. Khi cần nghiêm khắc, các cô cũng dùng lời lẽ cứng rắn nhưng không dọa nạt. Nhiều buổi tối, sau giờ tự học, cô chủ nhiệm bắt gần 10 bạn hay đi khom lưng ra sân tập chắp tay sau lưng, ưỡn ngực, ngẩng cao đầu bước tới. Vừa sửa dáng cho các bạn, cô vừa nhỏ nhẹ: “Con gái, con trai gì thì dáng người cũng phải thẳng thớm mới đẹp, mới tự tin. Các con có tự tin với chính mình thì mới làm được việc lớn cho xã hội”.
Trường HSMN học từ thứ Hai đến thứ Bảy. Buổi sáng học ở lớp, còn buổi chiều vào lớp tự học. Tinh thần tự học rất cao. Mỗi đợt kiểm tra, thầy cô giáo không có mặt ở lớp nhưng tất cả học sinh đều làm bài nghiêm túc, tự giác. Chủ nhật, học sinh nào muốn đi chơi hoặc về ở với dân thì phải đăng ký, nhưng đến 7g tối thì tuyệt đối phải có mặt ở trường. Ngoài học văn hóa, học sinh còn được tập kịch, múa, hát… rồi tự tổ chức biểu diễn văn nghệ trong những dịp lễ lớn.
Ngoài ra, các trường HSMN còn có 1 đội chiếu phim lưu động. Mỗi lần chiếu cho 2-3 trường cùng xem và được xem là một hoạt động ngoại khóa. Những bộ phim HSMN rất mê là Bạch Mao Nữ của Trung Quốc, Khi đàn sếu bay qua của Liên Xô. Thỉnh thoảng, HSMN cũng được xem những tác phẩm văn học kinh điển của Anh như Hamlet.
Bà Thanh Khiết bồi hồi nhớ lại kỷ niệm mà HSMN không thể nào quên là những lần Bác Hồ về thăm. Bà kể: “Bác về thăm trường 6 và trường 24 mỗi nơi 1 lần. Nhưng tôi và các bạn lén rủ nhau sang trường khác ngắm ké Bác Hồ không biết bao nhiêu lần nữa…”.
Những ngày đầu năm 2024, chúng tôi có cơ hội được ngồi cùng một nhóm cựu HSMN trường 6 tại TPHCM. Điều họ tự hào, trân trọng là tình bạn 70 năm khai sinh từ HSMN đến nay vẫn bền chặt. Chiến tranh đi qua, mỗi người một cuộc sống riêng, nhưng mỗi năm vài dịp, các cô vẫn ngồi lại với nhau để nhắc lại chuyện cũ, giúp nhau đi qua những khó khăn. Điều làm nên tình bạn lâu bền ấy, theo bà Trần Tố Nga - nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng - là, ở trường, HSMN không chỉ học chữ mà còn học làm người.
Trước tiên là học cách yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, yêu quê hương đất nước, phải sống trung thực, chia sẻ với tập thể. Bà nói: “Chúng tôi xa gia đình, ai cũng như ai, chưa từng giành nhau cái gì mà ngược lại đã chia nhau từng hạt muối, con cá, vui buồn. Hễ có chuyện buồn thì ai cũng có mặt. Năm tôi học lớp Bảy, có em lớp Sáu khóc hết nước mắt khi nhận tin ba ở miền Nam bị bắt. Chúng tôi đứng bên ngoài, đứa nào cũng khóc theo, xem đó là nỗi đau buồn của mình”.
Bà Lê Thị Ngọt - nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - kể lại, sau tập kết, những người cách mạng ở miền Nam bị tàn sát dữ dội. Nghĩ đến cảnh đồng bào, người thân của mình đang trong cảnh tang thương, thời gian đầu, không ai tập trung được. Nhưng nghe lời thầy cô, những đứa trẻ dần xốc lại tinh thần, quyết tâm học tốt để sớm được trở về, được góp công xây dựng đất nước.
“Tôi mang ơn Đảng, Bác Hồ, mang ơn đồng bào miền Bắc, cả cuộc đời này chưa trả hết. Trường HSMN đã tôi luyện để tôi và biết bao bạn bè trưởng thành. Lớp lớp HSMN trưởng thành đều là những con người trung nghĩa, kỷ luật, tổ chức phân công đi đâu, làm gì đều chấp hành và gặt hái thành công.
Có điều ấy là bởi HSMN biết thầy cô, các cô chú lãnh đạo và cả đồng bào miền Bắc luôn ưu ái, nghĩ cho mình. Cũng vì thế mà đã có hàng ngàn HSMN viết tâm thư xin vượt Trường Sơn vào giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà” - bà Ngô Thanh Khiết nói.
Thu Lê - Diễm Chi
KỲ TỚI: Bản lĩnh của những cô gái vượt Trường Sơn