Vụ nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho 114 thí sinh tại tỉnh Hà Giang đã gây rúng động cả nước. Sự việc đang có dấu hiệu mở rộng ra một số tỉnh khác như Lạng Sơn, Sơn La. Chưa bao giờ, câu chuyện tiêu cực trong thi cử lại lộ rõ nhiều vấn đề của xã hội như vụ việc này. Cuối cùng, sẽ có ít nhất một người chịu trách nhiệm. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm cho những vấn đề tiêu cực đang diễn ra trong xã hội, hệ lụy từ giáo dục mà ra?
Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có bàn tròn quanh vấn đề này.
|
Hình ảnh cảm động trong mùa thi. Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 trùng với thời điểm đi làm, nhưng các phụ huynh vẫn dành thời gian để đưa đón con em đến trường và tạo động lực cho các em làm bài tốt nhất. Ảnh minh họa - Minh Thanh. |
Thầy giáo Nguyễn Đức Hùng - giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú, TP.HCM: Sự ích kỷ đến hỗn xược
Hàng ngàn năm trôi qua, vùng đất phên giậu Hà Giang có một phần biên giới giáp Quảng Tây - Trung Quốc, phải chịu không biết bao nhiêu nỗi buồn nhưng vẫn kiên cường như công viên đá xứ này. Con người thưa thớt chịu nhiều thiệt thòi bởi địa hình nhiều rừng núi, kinh tế yếu kém, vẫn sống hồn hậu và cố vươn lên để bằng các tỉnh, thành anh em bằng con đường giáo dục.
Bên cạnh ngôi trường chuyên là biểu tượng của giáo dục Hà Giang, mà mỗi chúng ta nhất định phải trân trọng, thì những thầy cô cắm bản nơi rẻo cao, mang chữ và gieo yêu thương cho học trò khiến ta phải xót xa vì sự kham khổ và khâm phục sự bền bỉ của họ. Thế nhưng, tất cả những sự cố gắng ấy bất chợt bị chà đạp bởi một thứ tình yêu thương bệnh hoạn qua vụ nâng điểm kỳ thi THPT quốc gia 2018 làm chấn động nhân tâm vừa qua.
Vụ Hà Giang làm đau lòng nhân dân cả nước. Và người trong nghề như tôi, càng thấy đau hơn. Mỗi ngày, nhìn các em học sinh miệt mài giải từng bài toán khó, thuộc từng câu dẫn chứng và những đêm dài lê thê thức cùng bài vở với đôi mắt trong veo chứa đầy khát vọng ấy, tôi càng căm phẫn cho hành vi đổi trắng thay đen ở Hà Giang. Tôi có một niềm tin rằng, các em học sinh nằm trong số “điểm ma” kia, tâm hồn cũng trong trẻo và miệt mài như học trò của tôi ở TP.HCM.
Các em là một tờ giấy trắng, là tâm hồn tinh khôi ngây thơ, là những đôi mắt trong trẻo đáng yêu và nhiều mơ mộng học trò. Thế sao, ai đã nhẫn tâm bôi bẩn và giày xéo những tâm hồn mong manh ấy? Trong cái niềm đau buốt nhói ấy, tôi chợt nghĩ đến tình yêu thương bệnh hoạn và sự ích kỷ đến hỗn xược của một số phụ huynh. Sự bệnh hoạn ấy là âm thầm đứng ra lo liệu cho con, bất chấp thủ đoạn và bất chấp những chuẩn mực đạo lý và pháp lý mà mỗi công dân cần phải thượng tôn. Sự xấc xược đó chính là ngang nhiên cướp đi công sức của hàng triệu học sinh. Họ đã cướp đi niềm tin của hàng triệu nhân dân Việt Nam vào lẽ phải, vào một nền giáo dục đang cố gắng vào quỹ đạo của nhân bản và khai phóng.
Như một lẽ thường tình, có cầu thì có cung, cho nên ông phó phòng Lương mới bán linh hồn cho quỷ. Họ đâu biết rằng, trên đời có những thứ không bao giờ được bán là niềm tin và đạo đức. Những dư ba còn lại trong lòng tôi bây giờ là niềm xót xa cho những tâm hồn thơ trẻ của 114 em học sinh Hà Giang, họ sẽ vào đời như những chú chim non bị bắn trọng thương bởi kẻ gác rừng cấu kết với gã thợ săn.
|
Trả lời báo chí về việc một số thí sinh là con em lãnh đạo tỉnh được nâng điểm, trong đó có con gái của Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, ông Vinh cho biết ông “không biết và không chỉ đạo” việc này. "Việc có tên con gái tôi trong danh sách bài thi bị thay đổi điểm với việc đang chỉ đạo quyết liệt giải quyết vụ việc không ảnh hưởng gì đến nhau. Lãnh đạo tỉnh quyết tâm chỉ đạo giải quyết vụ việc theo nguyên tắc ai sai người đó chịu. Về trường hợp của con tôi, tôi nói đúng tâm mình là cháu nó học giỏi, tội gì tôi phải đi xin điểm, còn việc bài thi bị sửa thì tôi không biết” - ông Vinh nói. |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhứt, Đại học Saint Thomas (Philippines): Nền giáo dục có... dạy làm người?
Học làm người là vô cùng quan trọng và cũng vô cùng khó khăn. Bởi lẽ yếu tố con người đóng vai trò quyết định trong việc định hình xã hội và quê hương, đất nước và dân tộc.
Những vấn đề của nền giáo dục hiện nay, càng là cơ hội để soi rọi lại xem: công cuộc giáo dục một con người toàn diện - theo nghĩa thể, trí và đức dục - được thực thi hay chưa. Điều này thể hiện nền giáo dục đó có một kế hoạch hợp tác chặt chẽ và khoa học, trong tinh thần tương tác, tương trợ và tương kính giữa gia đình, học đường và xã hội hay chưa?
Trong ba yếu tố then chốt vừa nói, phải dành cho gia đình vị thế ưu tiên hàng đầu, bởi lẽ con người được sinh ra, được nuôi dưỡng, được giáo dục trước hết và trên hết trong chính gia đình của mình. Gia đình là mái trường đầu đời của con người, cha mẹ là thầy cô giáo dạy con người những bài học vỡ lòng, sơ đẳng, sống động, thực tiễn và suốt đời ghi tâm khắc cốt để biết sống xứng đáng như một con người.
Anh Nguyễn Văn Hiền, phụ huynh Q.9 (TP.HCM): Tâm lý muốn “làm cha thiên hạ”
Có thể thấy cái tâm lý muốn “làm cha thiên hạ” chưa bao giờ phổ biến như bây giờ. Nhiều người, chẳng những muốn mình được “làm cha thiên hạ” mà còn muốn con cái mình sau này cũng phải được như thế. Khi sinh con, họ cậy nhờ quen biết để được vào bệnh viện tốt nhất, được bác sĩ giỏi nhất phục vụ. Đến khi con đi học, họ lại chạy chọt cho con vào trường mầm non tốt nhất, được học với cô giáo giỏi nhất. Cứ thế, họ lại tiếp tục nhờ vả chạy chọt cho con vào lớp Một, lớp Sáu, lớp Mười, đại học ở những trường như theo ý họ muốn…
Trẻ con sinh ra tự thân không biết những trò “bẩn” mà chính người lớn đã “dạy” chúng. Đau đớn thay, người “dạy” những trò “bẩn” cho các em lại chính là cha mẹ của các em.
Tất nhiên, cha mẹ nào cũng đều mong muốn con cái thành đạt. Nhưng thành đạt không có nghĩa là “làm cha thiên hạ” kiểu như vào bệnh viện thì mình phải được chăm sóc trước, ra quán thì mình phải được hầu hạ trước, mình được quyền cướp đi cơ hội vào đại học của bao người khác xứng đáng hơn… như phụ huynh của hơn trăm thí sinh ở Hà Giang. Rất nhiều chi tiết cho thấy các em là con em của những quan chức cấp tỉnh, cấp sở, cấp huyện… Nếu phi vụ gian dối trót lọt, các em sẽ chễm chệ vào các trường đại học để sau này lại tiếp nối “truyền thống” của gia đình.
Tôi không hình dung được là thiên hạ sẽ học tập được gì ở những “tấm gương” quá mờ và quá bẩn ấy!
Minh Nhật - Quốc Ngọc (ghi)