PNO - PN - Trên tạp chí Glamour của Mỹ, nhà nghiên cứu tâm lý Andrea Meyer sau khi phỏng vấn hàng trăm cặp tình nhân và vợ chồng đã chia tay hoặc đang sống hạnh phúc bên nhau, rút ra nhận xét: “Ngày nay có tình yêu không khó nhưng giữ được...
edf40wrjww2tblPage:Content
Đến nhanh, đi cũng nhanh!
Theo tác giả này, có những bạn trẻ chỉ mới gặp nhau lúc sáng, chiều đã có thể yêu đến ”head over heels” (không còn biết trời đất là gì nữa), nhưng cái gì đến nhanh thì đi cũng nhanh. Chỉ cần gặp một trở ngại khó vượt qua, hoặc có một sức hút từ bên ngoài chi phối là lòng người có thể đổi thay. Phải chăng cái thiếu của tình yêu hiện đại là tính kiên định?
Vì sao thời nay yêu dễ thế? Là vì nó khác rất nhiều so với ngày xưa. Tình yêu bây giờ không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, sang hèn, lại có quá nhiều phương tiện thông tin liên lạc, nào điện thoại di động, chat webcam, điện thoại có hình, facebook... Dù đang làm việc cách xa nhau hàng nghìn cây số, vẫn có thể bật máy tán tỉnh, tỏ tình với nhau. “Cưa” đối tượng này không “đổ” thì chỉ mấy giây sau lại bấm máy chuyển sang đối tượng khác. Có người viết một tin nhắn “I love you” rồi chuyển tiếp cho cả chục người. Chỉ cần một người cắn câu là được.
Cho nên, yêu ngày nay rất dễ. Andrea Meyer cho rằng, chính cái dễ đó làm phát sinh tư tưởng yêu nhanh và bỏ nhau cũng nhanh, vì sẽ lại có tình yêu khác. Một chàng kỹ sư tin học nói với giọng hài hước: “Ngày xưa, nếu tình yêu gặp khó khăn thì các cụ tìm mọi cách vượt qua, “yêu nhau tam tứ núi cũng trèo” nhưng bây giờ, xin lỗi các cụ, nếu lắm núi quá, cháu tìm đường khác cháu đi, chả hơi đâu trèo cho mệt, nhỡ ngã một cái thì tàn đời. Chia tay bây giờ có khó gì đâu, thậm chí chỉ cần một dòng tin nhắn hay nói mấy câu qua điện thoại là cắt đứt. Nếu cần thì chuyển đi trọ nơi khác, không để lại địa chỉ, có mà trời tìm”.
Tình yêu cũng cần thử thách
Thực tế cho thấy, những tình yêu đẹp thường gặp khó khăn trắc trở, như thử thách con người có dám vượt qua không. Trái lại, những tình yêu dễ dãi như “dọn cỗ cho mà xơi” ít khi đem lại hạnh phúc. Cho nên, nếu bạn gặp trở ngại trong tình yêu, đừng vội nản lòng. Nhật ký tư vấn của Trung tâm Linh Tâm ở Hà Nội còn ghi lại mối tình cảm động của chị Nga 32 tuổi và chồng là anh Trung 36 tuổi. Anh là trưởng phòng của một công ty phần mềm. Chị là nhân viên kế toán. Nga kể: “Khi chúng tôi yêu nhau được bảy tháng thì tôi bị phát hiện mắc một dạng ung thư, nghĩ là khó qua khỏi. Tôi bảo với Trung chấm dứt quan hệ và tôi không nghe điện thoại, chặn luôn tin nhắn của anh ấy trong bốn tháng liền.
Thế rồi sau hơn bốn tháng nằm viện, tôi khỏi bệnh. Khi xuất viện, tôi đã thấy Trung đem xe đến đón ở cổng. Sáu tháng sau chúng tôi làm đám cưới và sống với nhau hạnh phúc đến giờ đã được tám năm". Anh Trung kể: “Nga bị bệnh hiểm nghèo và cô ấy đề nghị cắt đứt mọi quan hệ với tôi, tôi càng thấy rõ là cô ấy yêu tôi rất thật lòng, không muốn tôi khổ. May là tôi có một ông chú ruột là bác sĩ làm ở bệnh viện mà Nga điều trị. Tôi kín đáo vận động ông bác cứu chữa cho Nga. Tôi không thể sống thiếu Nga được vì cô ấy rất thành thật, có trái tim nhân hậu, luôn nghĩ đến người khác. Chỉ điều đó thôi cũng khiến tôi yêu Nga mãi mãi. Với tình yêu, chúng tôi sẽ chiến thắng bệnh tật”.
Con đường đi tới hạnh phúc không mấy khi được trải thảm nhung. Một bạn trẻ băn khoăn đặt câu hỏi với “Chương trình tư vấn tình yêu” trên mạng internet: “Hai đứa em rất yêu nhau nhưng bố mẹ em phản đối quyết liệt, với lý do bố cô gái đã ly hôn, lấy một cô gái chỉ bằng tuổi con mình, vậy ông bố là người không tốt. Bố mẹ em cho rằng gia đình ấy không nền nếp, cha nào con nấy, chắc chắn người yêu em sẽ bị tính cách của bố “di truyền” làm cho đời em dang dở. Em không tin, vì em biết người yêu em sống tốt với mọi người, lại chịu khó làm việc, nết na, thùy mị; nhưng em không biết phải làm gì ngoài việc chia tay, vì nếu em không nghe thì cha mẹ sẽ từ em. Em phải làm sao?”.
Thực ra, ngay cả trường hợp cha của người yêu là người không tốt, cũng không nên nghĩ là “cha nào con ấy”, nghĩa là người yêu của bạn cũng sẽ không tốt, vì sự không tốt đâu phải do “gien di truyền”? Có những người, bố mẹ rất tốt nhưng con cái chưa chắc đã tốt, vì ngoài ảnh hưởng của gia đình, còn có ảnh hưởng của xã hội và sự phấn đấu của bản thân người đó. Khối gia đình chẳng hề ly hôn nhưng sống lục đục, đối xử với nhau không ra gì thì đâu phải là “nền nếp”. Trái lại, một người con có cha mẹ ly hôn, chịu nhiều thiệt thòi nhưng vẫn cố gắng trở thành người tốt thì đó mới chính là con người có bản lĩnh, càng đáng yêu hơn. Hãy lựa lời để cha mẹ thông cảm dần dần.
Để chung thủy - không đơn giản
Ngày nay, môi trường giao tiếp trong xã hội rất rộng, trong hoàn cảnh đó, luôn chung thủy với một tình yêu, khó khăn trở ngại không chao đảo, chẳng phải là điều đơn giản. Bởi, mỗi người có sức hấp dẫn riêng. Người có nhan sắc, kẻ có tài năng, người có chức vụ, kẻ lại lắm tiền. Ta không thể đòi hỏi người yêu của ta phải là sự tổng hợp các thế mạnh của những người khác. Trong tình yêu, nếu cứ thấy ai hơn người yêu mình một mặt nào đó lại buồn, lại muốn thay đổi thì bạn sẽ là một kẻ viển vông, không bản lĩnh; nay chạy theo người này, mai bám theo kẻ khác và cuối cùng, bạn sẽ đuối sức trong cuộc chạy đua không biết đâu là đích.
Một bạn gái có người yêu đi học nước ngoài hai năm. Trước đó họ đã yêu nhau khá lâu và đã có quan hệ khá sâu sắc. Người yêu vừa đi được mấy tháng, dù vẫn liên lạc hàng ngày, quà cáp đều đặn nhưng cô gái cứ lo chẳng biết hai năm nữa liệu anh ấy có còn yêu mình không. Trong khi đó, có một anh cùng công ty ngày nào cũng bám sát và sẵn sàng làm đám cưới. Thế là cô yêu luôn anh ở gần cho chắc ăn. Và để anh ta tin là mình yêu “hết lòng”, cô hiến dâng tất cả nhưng vẫn không muốn cắt đứt hẳn với anh ở xa, vì thương anh ấy sẽ đau khổ (?). Sau gần hai năm yêu “thả phanh”, anh ở gần lại có vẻ không muốn cưới, hình như gia đình anh ta không muốn nhận cô làm con dâu.
Cùng lúc đó, anh ở xa lại sắp về, anh gọi điện bảo cô ra đón ở sân bay cùng với gia đình anh và sau đó chuẩn bị làm đám cưới. Cô gái bèn giấu anh ở gần, đi đón anh ở xa. Tiếc rằng khi anh này về được vài hôm, chẳng biết nghe ai nói thế nào, anh chàng mới về cũng ngãng ra vì sợ có khi lại được “tráng men” con của người khác. Giữa lúc cô gái đang buồn vì có khả năng “xôi hỏng bỏng không”, lại có người giới thiệu cho cô một chàng trai khác. Anh này có vẻ đứng đắn hơn chứ không chập chờn như hai anh kia. Cô bèn hỏi tư vấn, em có nên yêu anh mới này không?
Nhà tâm lý học hiện đại Ican Caide cho rằng: “Ngày nay nhịp độ cuộc sống ngày càng nhanh, trong tiềm thức con người xuất hiện một cơ chế tâm lý giảm bớt cảm xúc để thích nghi với những va chạm tới tấp trong nhịp sống gấp gáp. Do vậy, tình cảm con người bị nghèo đi, tình yêu cũng không nằm ngoài quy luật đó”. Con người ngày nay có quá nhiều mối quan hệ. Những điện thoại đời mới cho phép lưu danh bạ đến 2.000 số, khiến các mối giao tiếp bị vụn ra, bị xé nhỏ, bớt đi chiều sâu và người ta phải tạo ra một hệ thống mẫu câu khuôn sáo, để phản ứng giống nhau với nhiều đối tác cho nhanh, gọn, làm cho tình cảm càng nghèo, nhường chỗ cho sự tập trung vào nâng cao trí tuệ để không bị lạc hậu.
Vậy là đang diễn ra một quá trình tạo nên những con người trí tuệ phát triển nhưng tình cảm lại mờ nhạt. Trong bối cảnh ấy, tình yêu bị phân thành hai cực. Với một số người, tình yêu xuống cấp, chỉ còn lại những đam mê ngắn hạn và luôn thay đổi. Với một số khác, tình yêu lại phong phú hơn, trí tuệ hơn, sâu hơn và kiên định hơn với một dung lượng lớn hơn. Bạn hãy thử nhìn lại chính mình, liệu bạn thuộc về loại người nào, hay đang ở lằn ranh giữa hai thái cực?
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".