Tình yêu sử Việt của chàng trai chuyên ngành tiếp thị

05/09/2023 - 20:06

PNO - Học kinh tế, làm việc trong lĩnh vực tiếp thị nhưng Đào Nguyên Khánh (35 tuổi) có niềm đam mê mãnh liệt với sử Việt. Anh luôn cảm thấy thôi thúc phải làm một điều gì đó ý nghĩa để hiện thực hóa tình yêu này. Và Khánh chọn bắt đầu với câu chuyện về quân đội Tây Sơn.

Chia sẻ lý do chọn triều đại Tây Sơn, Đào Nguyên Khánh cho biết, đây không chỉ là tình yêu dành cho quê hương Bình Định của mình mà còn vì đây là niềm tự hào chung của người Việt Nam. Được truyền tình yêu sách vở và lịch sử từ gia đình, cụ thể là từ người cha là một nhiếp ảnh gia, Khánh hình dung, nếu hình ảnh quân đội Tây Sơn được đưa lên phim thì thú vị và hấp dẫn chẳng kém gì các bộ phim Trung Quốc. Và trong khả năng của mình, Khánh chọn làm sách.

Cuốn Quân đội Tây Sơn - Lịch sử bằng hình ảnh được hoàn thiện và ra đời sau 5 năm Khánh miệt mài tìm tư liệu từ rất nhiều bảo tàng, thư viện, di tích trong và ngoài nước. Điều đặc biệt của cuốn sách này nằm ở tính tổng hợp dữ liệu về một chủ đề lịch sử, với những cứ liệu không dễ kiếm. Tác giả không chọn cách kể chuyện theo lối giả tưởng hoặc phóng tác trên nền của lịch sử mà kể sử người thật, việc thật.

Tác giả Đào Nguyên Khánh và cuốn sách Quân đội Tây Sơn - Lịch sử bằng hình ảnh - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tác giả Đào Nguyên Khánh và cuốn sách Quân đội Tây Sơn - Lịch sử bằng hình ảnh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhiều hình ảnh gồm hiện vật, tranh cổ, ảnh minh họa… tổng hợp từ các tư liệu lịch sử trong và ngoài nước về quân đội Tây Sơn được tác giả giới thiệu rất cụ thể. Sách dày 185 trang, trong đó có đến 175 tranh ảnh lịch sử, 73 ảnh hiện vật vũ khí. Đi kèm mỗi hình ảnh đều có chú thích, chú giải rõ ràng cho người đọc. Các thông tin lịch sử so sánh quân đội Tây Sơn với quân đội các nước cùng thời như Xiêm La (Thái Lan), nhà Thanh (Trung Quốc)… cũng được tác giả làm rõ. 2 trận chiến nổi tiếng là Rạch Gầm - Xoài Mút và Ngọc Hồi - Đống Đa được hình ảnh hóa đẹp mắt.

Song song đó, sách còn có mã QR dẫn đến 3 video do tác giả thực hiện thêm. Người đọc có thể dễ dàng xem video cách sử dụng súng hỏa mai khi quét mã QR ở trang 35; xem video mở rộng về bổ tử dành cho quan võ nhà Thanh khi quét mã QR ở trang 135; xem video so sánh thú vị về hoàng đế Quang Trung và Alexander đại đế khi quét mã QR ở trang 171. Bằng cách này, người đọc không chỉ được tiếp nhận thông tin bằng mắt mà cả bằng tai, tăng sự hứng thú, tò mò tìm hiểu lịch sử nhiều hơn.

Dù là người không chuyên về sử nhưng cuốn sách của Khánh thực sự hữu ích và truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ yêu lịch sử. Tất nhiên, hành trình làm sách của một người không chuyên gặp khá nhiều thử thách. Theo Khánh, đầu tiên là không biết bắt đầu từ đâu. Sau khi có được khởi điểm thì quá trình tìm kiếm tư liệu dễ khiến người viết sa đà, mất phương hướng. “Chỉ riêng việc quản lý tư liệu thôi, với tôi đã là một thử thách” - Khánh nói. Khi mọi thông tin đã dần hiện diện thì vấn đề mới lại tiếp tục nảy sinh: ôm đồm quá nhiều ý tưởng khiến sách đi chệch nội dung mong muốn ban đầu.

Mặc dù vậy, trong Khánh luôn tràn ngập niềm lạc quan. Anh cho rằng, chỉ cần có đam mê và chịu khó xông xáo gõ cửa, những cánh cửa rồi sẽ mở. “Những người có cùng trường năng lượng sẽ tìm đến với nhau” - Khánh nói. Nhờ cuộc gặp với thạc sĩ Nguyễn Phước Quý Khanh, tác giả đã được cung cấp thêm nhiều tư liệu quý đi kèm với những lời khuyên bổ ích. “Cuốn sách này đã không thể hoàn thành nếu không có những buổi thảo luận liên tục giữa tôi và Khanh trong suốt 2 năm cuối của dự án” - Khánh khẳng định.

Sách còn nhận được sự hỗ trợ của nhiều nhà nghiên cứu, tiền bối trong nhiều lĩnh vực và quan trọng nhất là ba mẹ của Khánh. Thông tin trong sách vì thế đa chiều, có sự đối chiếu, xác tín. Là người đầu tiên đọc bản thảo của con trai, chính ba mẹ Khánh đã khuyên anh nên xuất bản cuốn sách. Khánh nói, anh biết ơn sự ủng hộ của ba mẹ và sự tin tưởng của Nhà xuất bản Trẻ - đơn vị nhận lời xuất bản sách.

Là một người trẻ giỏi giang, giữ vai trò quan trọng trong một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, ở Khánh có sự nhạy bén đồng thời là sự khiêm tốn, kỹ tính. Khánh thừa nhận, như nhiều người trẻ khác, anh cũng quan tâm đến việc kiếm tiền và tích sản. Nhưng với sách vở và lịch sử, mục tiêu của anh là được kể những câu chuyện vẫn còn nhiều bí ẩn đến nhiều người hơn. “Tôi muốn chứng minh rằng, vẫn còn nhiều người trẻ yêu thích lịch sử và muốn làm mới những câu chuyện quen thuộc” - Khánh nói. Anh cũng bày tỏ mong mỏi những góc nhìn mới, khác biệt của người trẻ sẽ được sự đón nhận, góp ý của nhiều người thay vì cái nhìn chê trách, phê phán. Vì lịch sử cần được tiếp nối, biểu đạt bằng những ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, những cách tiếp cận khác nhau.

Khánh cười bảo, sau quyển sách này, anh “được” thêm tật thoái hóa cột sống do thời gian ngồi quá nhiều với tư liệu. Dù vậy, tình yêu lịch sử thì vẫn vẹn nguyên. Anh hy vọng sẽ có đủ thời gian và tiềm lực tài chính để thực hiện một quyển sách về văn hóa Chăm theo hình thức bỏ túi, cung cấp kiến thức nền tảng với minh họa phong phú. “Khi đã bị hấp dẫn bởi những kiến thức cơ bản, người ta sẽ có xu hướng tìm đọc những bài viết, kiến thức chuyên sâu hơn” - Khánh nói.

Rõ ràng, dù là dân không chuyên, góc nhìn của Khánh cho thấy độ sắc bén của một người làm nghề tiếp thị, hiểu và biết rõ thị trường thiếu gì, cần gì. Viết sách, với Khánh, chưa bao giờ vì mục tiêu kiếm tiền. 

Nhã Ca

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI