Tình yêu sách cho trẻ thơ cần bắt đầu từ người lớn

11/02/2024 - 15:23

PNO - Nhiều thế hệ tuổi thơ đã lớn lên từ những trang sách. Thói quen đọc và tình yêu dành cho sách của trẻ nhỏ luôn cần người lớn gieo hạt, dìu dắt.

Trải qua bao năm tháng, ký ức về những món quà sách luôn là kỷ niệm đẹp khó quên trong lòng nhiều người. Với những bạn nhỏ yêu thích đọc sách, một quyển sách mới được trao tay có thể là một niềm vui lớn. 

"Có những em nhỏ khao khát được sở hữu cuốn sách đầu tiên trong đời, nhưng vì điều kiện gia đình mà bố mẹ chưa thể đáp ứng. Thông qua hoạt động lì xì sách tết, đó sẽ là cơ hội để các em hiện thực hóa ước mơ của mình. Biết đâu, những cuốn sách được tặng ấy sẽ khơi gợi ở các em một niềm đam mê/một công việc yêu thích, thậm chí là tạo dấu ấn sâu đậm và có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời các em sau này" - nhà thơ, nhà văn Hồ Huy Sơn nói. 

Đường sách TPHCM dành nhiều không gian đọc, sinh hoạt, vui chơi cho trẻ nhỏ.
Đường sách TPHCM dành nhiều không gian đọc, sinh hoạt, vui chơi cho trẻ nhỏ - Ảnh: Đường sách TPHCM

Quà sách sẽ mãi ở lại cùng kỷ niệm

Chia sẻ về “ký ức sách”, nhà báo Trung Nghĩa - Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM 2023-2024 - xúc động: “Tình yêu sách vở, báo chí, văn chương của tôi may mắn được hình thành từ bé do ba mẹ tôi (vốn đều xuất thân từ nghề giáo) là những người thích đọc sách báo. Ba mẹ đã truyền được niềm yêu thích đọc sách cho tôi một cách hết sức tự nhiên. Tuổi thơ tôi luôn luôn đầy ắp sách báo xung quanh, thường xuyên có cuốn sách gối đầu giường để đọc bất cứ lúc nào...”.

Trong ký ức không quên của tuổi thơ anh, những món quà sách ba anh mua về cho con đọc là: Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Buratino và chiếc chìa khoá vàng (Aleksey Tolstoy), Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry), Timua và đồng đội (Arkady Gaidar), Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (Jules Verne)…Đó đều là những tác phẩm viết về tình bạn, về những chuyến phiêu lưu khám phá thế giới xung quanh.

“Tất cả đi sâu vào tiềm thức thuở bé của tôi, khi lớn lên, tôi đã chọn nghề báo với đặc thù nhiều cơ hội đi đó đi đây. Và tôi luôn chọn cơ hội phiêu lưu khám phá, yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước cùng trải nghiệm thế giới để làm kim chỉ nam định hướng cho cuộc đời mình” - nhà báo Trung Nghĩa bày tỏ.

Suốt những năm qua, nhà báo Trung Nghĩa đã luôn truyền cảm hứng đọc sách, viết sách cho bạn trẻ
Suốt những năm qua, nhà báo Trung Nghĩa đã luôn truyền cảm hứng đọc sách, viết sách cho bạn trẻ - Ảnh: NVCC

Một người trưởng thành có thể tự mua cho mình rất nhiều sách mới nhưng những món quà sách được tặng từ người thân, bạn bè sẽ luôn là kỷ niệm khó phai. Cho đến bây giờ, khi nhắc về cuốn sách đầu tiên được tặng, nhà thơ - nhà văn Hồ Huy Sơn (sinh năm 1985) nhớ ngay quyển sách người bạn cùng lớp 12 tặng, vào dịp sinh nhật 19 tuổi của anh. Đó là tuyển tập truyện ngắn được in từ cuộc thi truyện ngắn dành cho thanh niên, học sinh, sinh viên (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức và xuất bản). 

“Lúc mở quà, tôi vô cùng ngạc nhiên và hạnh phúc. Ngạc nhiên vì không hiểu sao ở huyện mà bạn có thể mua được một cuốn sách hay, đặc biệt đến như vậy. Thuở ấy, ngoài sách giáo khoa/sách tham khảo thì hầu như ở quê chúng tôi không có sách nào khác.

Lúc ấy, tôi đã dùng băng keo dán kín mít ngoài bìa, với quyết tâm sẽ phải giữ gìn cuốn sách đó thật cẩn thận. Đến giờ, quyển sách ấy vẫn nằm trong tủ sách nơi quê nhà. Tôi biết ơn bạn, biết ơn cuốn sách ấy bởi cuốn sách chính là nguồn động viên, khích lệ tôi theo đuổi đam mê viết lách” - nhà thơ Hồ Huy Sơn nhớ lại.

Bạn nhỏ say mê đọc Con diều ngược gió - tác phẩm vừa được tái bản của nhà thơ - nhà văn Hồ Huy Sơn. Ảnh: Faceboo nhân vật
Nhà thơ Hồ Huy Sơn chia sẻ, trước tết năm nay, nhiều phụ huynh đã mua tác phẩm "Con diều ngược gió" của anh để tặng sách cho con - Ảnh: Facebook nhân vật

Sách như một người thầy dẫn dắt, trao tặng tri thức cho người đọc. Nhưng cũng thầm lặng và chân tình như một người bạn, dẫu bao lâu vẫn nhắc nhớ ta về những ký ức/kỷ niệm đẹp mãi lưu dấu trong lòng.

Cần người lớn kiên trì gieo hạt

Những năm qua, văn hóa lì xì sách tết đã được các chuyên gia, những người có tâm huyết với văn hóa đọc cùng các đơn vị làm sách/xuất bản hưởng ứng mỗi dịp Xuân về. Việc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM lần đầu tiên tổ chức lì xì sách cho công chúng tại Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn năm nay một lần nữa khơi gợi và lan tỏa nét đẹp “lì xì sách Tết”.

"Điều quan trọng là tặng sách xong, cũng cần người lớn khơi gợi, cùng các em tìm hiểu và khám phá những điều hay, thú vị, bổ ích từ cuốn sách. Tránh trường hợp các em chỉ háo hức lúc nhận rồi sau đó sách lại bị xếp xó. Như vậy thì lì xì sách tết sẽ mãi chỉ là phong trào, không thực sự đi vào đời sống" - nhà thơ, nhà văn Hồ Huy Sơn

Tuy nhiên, để hình thành một thói quen văn hóa, nói theo nhà báo Trung Nghĩa là phải “cần một quá trình”. Bởi vì việc quảng bá thúc đẩy văn hoá đọc, lan toả tình yêu, thói quen đọc sách không thể theo kiểu phong trào mà phải xuất phát từ nhu cầu và thói quen của riêng mỗi người. Đó là chưa kể việc người được tặng... không yêu thích sách.

Về điều này, nhà báo Trung Nghĩa nhìn nhận: "Tôi nghĩ đây cũng là điều rất bình thường. Có thể món quà chưa thật phù hợp nhưng quan trọng là bạn vẫn trân quý tấm lòng người tặng mình. Và nếu bạn chưa cần đọc nó, vẫn có thể tặng lại cho người khác".

Nhà thơ Hồ Huy Sơn bên các em nhỏ ở Trường Sa. Ảnh: Facebook nhân vật
Nhà thơ Hồ Huy Sơn bên các em nhỏ ở Trường Sa - Ảnh: Facebook nhân vật

Ở góc độ lì xì sách cho trẻ nhỏ, nhà thơ Hồ Huy Sơn khuyến khích thêm, không chỉ dịp tết mà những dịp khác như sinh nhật, tết Trung thu, Quốc tế thiếu nhi…, người lớn vẫn có thể dùng sách làm quà cho các em.

"Tôi tin, sẽ có một lực hút diệu kỳ dần dần đến với các em, giúp các em thấy được sự thân thuộc, hấp dẫn từ sách. Với những em nhỏ chưa thích đọc sách, chúng ta hãy kiên nhẫn và cho các em hiểu được rằng, lì xì sách dịp đầu năm còn gửi gắm trong đó tình cảm, mong ước tốt đẹp với hy vọng các em sẽ có thêm nhiều kiến thức để có thể khám phá những chân trời thú vị và mới lạ" - nhà thơ, nhà văn Hồ Huy Sơn chia sẻ. 

Lam Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI