Những người phụ nữ bình thường (bài 2):

Tình yêu ở ngôi nhà giữa sông

14/10/2020 - 11:33

PNO - Thế rồi cuộc tình của bà cũng chẳng đến đâu. Hơn một năm trôi qua, ông Đa vẫn ở đó chờ đợi bà. Biết bà Thủy đang thất tình, ông Đa thử một lần "chơi lớn", rủ bạn đến nhà bà Thủy tiếp tục đánh tiếng: "Nếu em chịu cưới thì anh về nói ba má qua làm đám nói". Bà Thủy xuôi lòng, đồng ý.

Dựng nhà và khoanh rào nuôi vịt giữa một khúc sông quê, ông Đa và bà Thủy không hề biết rằng ngôi nhà của mình trở nên nổi tiếng.

Nửa năm qua, nhiều diễn đàn ảnh Việt Nam đăng tải một bức ảnh ngôi nhà giữa sông với rào lưới tạo thành hình trái tim bao quanh khi chụp từ trên cao. Chủ nhân ngôi nhà là ông Phạm Đức Quang (tên thường gọi là Đa - 55 tuổi), và vợ là bà Phùng Thị Thủy, ở xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi. Nhưng chuyện tình của họ không chỉ có êm đềm như sông Diêm Điền và thơ mộng như ngôi nhà mà họ dựng lên.

Năm ấy, ông Đa và bà Thủy chừng 20 tuổi, người ở Tịnh Hòa, người ở Tịnh Khê, nhà cách nhau chỉ mấy cây số. Ông là con nhà buôn nên được gia đình chăm chút kỹ. Còn bà Thủy thì con nhà nông, đã xinh đẹp lại còn thêm phần lém lỉnh. Mới lớp Chín, bà đã nghỉ học để đi buôn gà.

Họ tình cờ gặp nhau khi cùng dự đám cưới một người bạn chung. Thấy chàng trai bảnh bao với áo sơ mi trắng và mái tóc dài nghệ sĩ, nhưng lại ít nói, lười cụng ly, Thủy trêu: "Nâng ly đi chứ anh Đa". Rồi bà "cho qua" vì nghĩ "anh chàng này chắc dân chơi sành điệu, có thể sẽ không nghiêm túc trong chuyện yêu đương". Rồi bà chuyển mối quan tâm sang những "vệ tinh" của mình, không biết ông Đa đã yêu bà từ cái nhìn đầu tiên.

Ngôi nhà giữa sông Diêm Điền của ông Đa  và bà Thủy
Ngôi nhà giữa sông Diêm Điền của ông Đa và bà Thủy

Sẵn có bạn chung, ông Đa thăm dò rồi đi chơi chung để tiếp cận làm quen, lần nào đi ông cũng ăn diện bảnh bao và cho hai tay vào túi quần. Vài tháng sau, thấy ông Đa có dấu hiệu "tấn công", một người bạn của bà Thủy mới nói nhỏ rằng ông Đa cụt một phần tay từ nhỏ. Lúc này bà Thủy mới ngỡ ngàng và vỡ lẽ, thì ra ông cho tay vào túi quần không phải vì phong cách, mà là để giấu cánh tay bị cụt.  

Nghĩ mình con gái mới lớn, có nhiều người theo đuổi, bà Thủy loại ông Đa ngay từ “vòng gửi xe”. Rồi bà hẹn hò với người khác. Ông Đa vẫn âm thầm dõi theo bà. Nhiều lần ông xuất hiện khi bà đi xem chiếu bóng ngoài trời cùng người yêu. Thấy ông, bà không khỏi e ngại và bối rối.

Thế rồi cuộc tình của bà cũng chẳng đến đâu. Hơn một năm trôi qua, ông Đa vẫn ở đó chờ đợi bà. Biết bà Thủy đang thất tình, ông Đa thử một lần "chơi lớn", rủ bạn đến nhà bà Thủy tiếp tục đánh tiếng: "Nếu em chịu cưới thì anh về nói ba má qua làm đám nói". Bà Thủy xuôi lòng, đồng ý.

Nhưng đám hỏi xong, bà lại tiếp tục do dự, đắn đo, mãi không chịu làm đám cưới. Thấy con gái tiến thoái lưỡng nan, cha bà khuyên cứ nghĩ lại, hoặc từ hôn, vì "thằng Đa nó vậy làm sao giặt giũ khi con sinh nở, rồi còn làm ăn nuôi con".

Ba năm sau lễ hỏi, cha bà Thủy đột ngột qua đời. Nhà trai đến giúp tang lễ, còn chú rể "chờ" thì ở lại nhiều ngày để giúp gia đình phía vợ và động viên cô dâu. Lúc này, bà Thủy biết mình đã chọn đúng người, mãn tang xong bà về nhà với ông Đa.

Hóa ra, ông Đa có tật có tài. Những điều gia đình bà Thủy lo lắng hơi thừa, vì đến kỳ sinh nở của bà, một tay ông lo giặt giũ, cơm nước cho vợ... chu đáo còn hơn cả những người đàn ông lành lặn. Ông cũng tự đánh trâu đi cày, cuốn, chất rạ... trên 1,7ha lúa. Ông còn đan nhiều dụng cụ bằng tre như rổ, nong, nia, cào... bán cho hàng xóm. Việc gì ông cũng học, cũng làm rất nhanh và khéo, khiến những người trước đây vốn ái ngại cho bà Thủy phải trầm trồ ngưỡng mộ.

Sông Diêm Điền từ hơn 40 năm qua đã được ngăn biển với đập bờ Đắp và chia dòng nước để chuyển qua kênh mương tưới đồng. Sẵn nhiều lau lách, sông hiền hòa quanh năm. Vì nhà ở bờ bắc sông Diêm Điền, nhưng ruộng ở bên kia sông, nên cứ đến mùa đồng áng, vợ chồng ông Đa phải chèo đò qua tận ruộng. 25 năm trước, ông Đa nảy ra ý định đắp gò ở bãi cạn giữa sông, cách bờ 200m, vừa làm trạm dừng chân, vừa nuôi vịt. Rồi ông cùng vợ xúc đất chở lên thuyền đắp gò. Miệt mài suốt mười năm, vợ chồng ông cũng đã đắp được một gò đất rộng 400m2. Họ trồng nhiều loài cây như bình bát, xanh, ổi để chống xói lở. Đất được chia làm hai khoảnh, một khoảnh dựng nhà tạm, một khoảnh để nuôi vịt.

Vợ chồng ông Đa bà Thủy thường ăn cơm trưa ở nhà giữa sông để hóng gió mát, rồi cử một người ở lại chăm vịt, một người về lại nhà trong đất liền trông nhà, giữ cháu. Những lúc cãi nhau hay có chuyện riêng, vợ chồng ra đây để tránh hai con trai nghe cha mẹ to tiếng. Khi có khách, bạn thân tới chơi, họ cũng chèo đò đưa ra gò để thưởng ngoạn cảnh thôn quê. Không chỉ có bếp ăn, giường ngủ, giá treo quần áo, ông Đa còn câu cả điện từ nhà ra giữa sông để có thể bật quạt, xem ti vi.

Vợ chồng ông Đa chèo đò sửa lại lưới để vịt không ra ngoài
Vợ chồng ông Đa chèo đò sửa lại lưới để vịt không ra ngoài

Thấy ông Đa luôn túc trực trên sông, bốn năm qua, ngành nông nghiệp giao ông công việc điều chỉnh nắp đập bờ Đắp, để vừa ngăn mặn xâm nhập, vừa giúp 100ha lúa của xã Tịnh Hòa và Tịnh Khê phía trên đập không bị ngập úng. Vì vậy mỗi ngày, ông Đa xong chuyện nhà còn phải lo việc làng với phụ cấp 5 triệu đồng/tháng.

Đầu năm nay, vợ chồng họ còn được ngành nông nghiệp tặng 200 con giống vịt trời. Những con giống được ông Đa nuôi trên gò và cho bơi ngoài sông trong phạm vi tấm lưới ông rào quanh nhà. 

Tháng 5/2020, các thành viên của câu lạc bộ Nhiếp ảnh trẻ Quảng Ngãi đi tìm cảnh đẹp cho tác phẩm của họ thì thấy ngôi nhà này giữa mênh mông nước. Ban đầu, họ tưởng là ngôi nhà hoang, nhưng khi chụp từ trên cao, ngôi nhà lại bất ngờ tạo hình trái tim từ các tấm lưới ông phủ quanh nhà để giữ vịt.

Bà Thủy bảo, ông Đa xây ngôi nhà này cũng kiên trì như khi ông theo đuổi bà vậy. Lúc dựng nhà, ông Đa không hề biết nó sẽ tạo thành hình trái tim và được nhiều người biết đến. Ông chỉ có duy nhất một trái tim dành cho bà, và làm mọi cách có thể để vun đắp tổ ấm của hai người. 

Trà Giang
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI