Khu phố 1, phường 3, thành phố Tây Ninh sáng nay thật tĩnh lặng, bởi đây là khu phố của công nhân viên chức, sáng đầu tuần ai cũng đi làm. Nhà cô chú Nguyễn Thế Nghiệm (1946) - Võ Thị Thu Hồng (1948) nằm ở gần cuối hẻm, không rộng lắm nhưng sau trước tinh tươm.
|
Chú Nghiệm - Cô Hồng |
Chỉ có mình cô ở nhà. Cô cho biết, buổi sáng sau khi vợ chồng con trai đi làm, các cháu đi học thì cô chú đi tập dưỡng sinh; xong mới về ăn sáng, cùng xem ti vi, sách báo với nhau. Chuyện chợ búa đã có mấy “công ty hai sọt” mang tận cửa.
Hôm nay chú bận đi làm thủ tục chuyển viện. Tuổi già bao giờ cũng đi cùng bệnh tật. Chú bị thoái hóa đốt sống cổ, phải chuyển từ BV tỉnh về BV ở TP.HCM để tập vật lý trị liệu. Nghe hỏi “chuyện đời xưa”, cô vừa soạn lại mớ ảnh cũ từ hồi còn trong căn cứ Trung ương cục, vừa kể về chuyện tình đã 50 năm vẫn bên nhau của cô chú.
…Năm 1963, 16 tuổi, khi đoàn văn công Quân giải phóng miền Nam về ấp Phú, Trảng Bàng (Tây Ninh) tuyển quân, cô Hồng được gia đình đồng ý cho theo đoàn vì nhà đã có một người chị đi làm cách mạng, đã hy sinh. Lúc đó, Hồng đã thuyết phục gia đình cho mình đi để “góp công gì gì đó cho cách mạng, mà… lính văn nghệ chắc không chết đâu, ba má đừng lo”.
Vậy là cô mang theo cây đàn măng-đô-lin -“người bạn” thân thiết của mình theo các cô các chú trong đoàn về căn cứ Bời Lời. Năm 1965, cán bộ của đoàn lại về huyện Đức Hòa, Long An tuyển quân. Chú là anh cán bộ Đoàn có cây ghi-ta phím lõm được tuyển đợt này. Cô Hồng tuy biết đàn nhưng vóc người mảnh khảnh, lại có khiếu múa nên được “biên chế” làm diễn viên múa.
Nguyễn Thế Nghiệm là nhạc công ghi-ta. Năm 1967-1969, từ căn cứ Bời Lời, Thu Hồng và Thế Nghiệm được cho về R để học tập và phục vụ. Tình yêu nảy nở từ đây. Những khi bom nổ, máy bay quần thảo, cả lính cầm súng và lính văn nghệ đều “chạy sút dép” như nhau.
Nhiều lúc quần áo phơi chưa kịp lấy, son phấn tư trang chưa kịp cất vào bòng thì máy bay đã ập đến, cô Hồng phải lo xuống hầm; chú Nghiệm dù đã yên ổn trong hầm bên cạnh lại phải nhảy lên để lôi cho được bòng tư trang của cô còn trên miệng hầm, hoặc mớ quần áo trên cành cây…
Rồi những lần đi phục vụ chiến sĩ các nơi, nhóm lính văn nghệ cũng phải mang vác như bộ đội chính quy, vất vả vượt rừng. Tuy vóc dáng cũng chẳng lấy gì to khỏe, nhưng tình yêu đã gia tăng sức mạnh, nên mọi tư trang nặng nề của cô nghệ sĩ múa chú Nghiệm cũng “cân” hết!
Năm 1970, đoàn sang Campuchia phục vụ đồng bào trong trận càn Đông Dương, tổ chức đã đồng ý cho đôi bạn Thế Nghiệm - Thu Hồng làm lễ cưới. “Đám cưới đã gần nửa thế kỷ mà tôi cứ nhớ hoài”, cô kể, “cô dâu chú rể đều áo bà ba đen, cô dâu tinh tươm hơn nhờ được bạn bè tặng một chiếc khăn rằn mới tinh.
Vừa tuyên hôn xong thì… mưa ập đến. Mưa rừng mà, lại là một trận rất lớn nên cả "hội trường" lẫn phòng tân hôn quây bằng bạt đều ướt nhẹp. Vậy là đôi tân hôn mỗi người một võng, về lại đơn vị mình mà… ngủ”. Người con trai đầu lòng của cô chú ra đời trên đất bạn Tà-băng năm 1971.
Con được bốn tháng tuổi, đôi vợ chồng trẻ quyết định băng rừng vượt hiểm đưa con về gửi ông bà nội để yên tâm phục vụ chiến trường. Người con ấy là Nguyễn Thế Dương, giờ đang theo nghiệp cha mẹ với nghệ danh Đông Dương, diễn viên đoàn cải lương Tây Ninh.
|
Cô Thu Hồng lúc 16 tuổi cùng cây đàn Măng-đô-lin về đoàn Văn công giải phóng |
Rồi từ một nghệ sĩ múa, cô Hồng dần có thể làm biên đạo. Khi các bạn văn nghệ Thanh Hiền (soạn giả - NSƯT Thanh Hiền) và Thanh Hải (sau này là Giám đốc Sở Văn hóa Tây Ninh) viết nội dung tác phẩm thì cô Hồng làm biên đạo múa. Cây chông tre, Bình minh trên một làng giải phóng, Lòng dân đô thị, Giã gạo nuôi quân… là những tác phẩm do cô biên đạo - dàn dựng, đã biểu diễn rất nhiều, từng làm nức lòng cán bộ chiến sĩ thời đó. Sau đó, cô chú còn có thêm hai người con nữa, cũng yêu văn nghệ nhưng không theo nghiệp của cha mẹ.
Từ năm 1976, chú Nghiệm về làm việc ở Sở Văn hóa Tây Ninh, sau được phân công về làm Trưởng đoàn văn công Tây Ninh đến năm 1990 thì nghỉ. Phần cô Hồng, sau khi đất nước thống nhất cô lùi lại phía sau chồng, ở nhà chăm sóc con cái. Năm 1984 cô được sắp xếp cho làm việc ở bãi hát thị xã (Tây Ninh) đến 1994 thì nghỉ hưu.
Có tiếng thắng xe đạp trước cửa, chú Nghiệm đã về. Tạm dừng dòng hồi ức, cô ra cửa đón chồng bằng những lời thăm hỏi ân cần như đôi bạn lâu ngày mới gặp. Sao hôm nay về trễ vậy anh? Anh có khỏe không mà chạy xe chậm vậy?... Chú mệt nhọc đáp: “Anh khỏe, nhưng đầu tuần nhiều bệnh nhân đi khám quá nên về trễ”.
Cô đỡ ghi-đông xe đạp, dựng vào tường rồi nói khẽ: “Khăn và nước nóng em đã chuẩn bị sẵn”. Chú gật đầu, ánh mắt nhìn cô đầy yêu thương, trìu mến. Cô quay lại nhìn tôi, bảo đừng cười vợ chồng già mà sao tình quá vậy. Thương nhau nên vậy thôi. Cô thường bị rối loạn tiền đình, những lúc đó chú lo hết việc nhà, còn bưng thức ăn tận giường cho vợ…
Đã đi gần hết cuộc đời, thần chết đã từng đối diện, vinh hoa phú quý cũng từng, lại hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ, chuyện nhớ một bóng hồng, một suối tóc hay xao xuyến vì một tiếng sáo… cũng không phải là lạ; cô chú đã làm thế nào để không lạc lòng mà vẫn bên nhau hạnh phúc đến ngày nay?
Vừa quay lên nhà trên, nghe đề cập đến chuyện này, chú cười thật tươi, chậm rãi: “Ai mà biết, cháu hỏi cô Hồng xem. Chú thì đã đi qua chiến tranh, hiểu rõ giá trị của sự sống và cái chết. Chú lại… xí tướng hơn cô mà cô vẫn ưng, còn sinh cho ba đứa con, hy sinh công việc, ở nhà chăm con cho chồng yên tâm công tác... Chú nghĩ vậy là không bóng hồng, bóng tím nào qua cô!”.
Cô cũng cười: “Chắc tại tánh mình nó vậy. Cũng có khi xao xuyến một bóng hình, nhớ một giọng ngâm thơ hoặc một tiếng sáo; nhưng nghĩ lại, chắc gì có người hơn được vợ/chồng mình? Nhớ hồi đạn bom ì đùng ông ấy vẫn nhảy lên nhảy xuống hầm lấy cho mình từng món tư trang thì thấy… không ai dám hy sinh tánh mạng vì mình như ổng. Vậy là… yên tâm bên nhau đến giờ”.
Con hẻm nhỏ cũng là vuông sân trước cửa của mỗi gia đình ở khu phố này, vì mở cửa ra là đã tới đường. Nhà ai gần đó đang sao thuốc Nam, mùi thảo dược thơm thơm lan tỏa cả con hẻm. Cô Hồng bảo, bệnh thoái hóa đốt sống cổ của chú vậy mà nguy hiểm lắm, lại không dùng thuốc Nam được, chỉ có thể vật lý trị liệu, khi nào hết chịu nổi thì phẫu thuật.
Từ khi chú bệnh, cô cũng thành nhân viên mát-xa cho chú. Cánh cổng màu xanh ngọc, nắng thu tươi vàng, hai mái tóc bạc cùng nhau ra cửa tiễn khách, cẩn thận dặn dò chuyện xe cộ, đường sá, từng câu bổ sung cho nhau thật hòa hợp...
Kim Cúc
Năm 2011 Hội VHNT Tây Ninh đã xét tặng giải thưởng Xuân Hồng lần 1 - một giải thưởng về văn học nghệ thuật, cho tác giả Nguyễn Thế Nghiệm. Cùng lúc, tác giả Võ Thị Thu Hồng cũng được tặng bằng chứng nhận cho cụm ba tác phẩm: Cây chông tre, Bình minh trên một làng giải phóng, Lòng dân đô thị. Năm 2016, tại giải thưởng Xuân Hồng lần 2, ông nhận giải ba thể loại sân khấu cho nhóm tác phẩm cổ nhạc Cô hàng hoa chợ tết, Em bé bán khoai lang, Dòng sông bến đợi, Chuyện tình quê tôi, Sao anh chưa về Tân Biên.