edf40wrjww2tblPage:Content
Phút lãng mạn của cặp đôi Tuấn - Hồng trong giờ nghỉ trưa
VỪA CƯỚI ĐÃ… LY THÂN!
Trưa, theo cô giáo Nguyễn Thị Hồng đạp xe về khu tập thể, nhìn cô lấy cơm nguội ra ăn một mình mới thấm thía hai chữ “ly thân”. Hồng kể: “Tôi và anh Vũ Văn Tuấn, đội phó đội Vững bước cưới nhau năm 2004, tôi được cấp căn nhà tình nghĩa sát trường. Nhưng, vừa cưới xong là hai đứa bắt đầu cuộc sống… ly thân”. Hỏi anh Tuấn, anh cười giải thích: “Chuyện đó bình thường thôi. Ở trường, những người làm công tác quản lý học viên cai nghiện ma túy như tôi mỗi tháng chỉ được về nhà sáu ngày vì tối phải ngủ… chung với học viên, để vừa canh chừng, vừa nắm bắt tâm tư, tình cảm của họ. Cho nên, dù làm việc chung, ngày ngày thấy nhau, nhưng trưa là vợ về nhà một mình, tối cũng một mình chăm con, còn các anh chồng thì “chung thân” với trại”. Hồng nói: “Khi tôi mang thai, bị thai hành, thấy vợ ôm gốc cây đứng nôn thốc nôn tháo, anh ấy chỉ kịp… liếc nhìn vì đang đưa quân ra rẫy cà phê. Tới ngày sinh, chồng nghỉ phép được ba ngày, sau đó tôi phải tự lo!”.
Vì ít có điều kiện gần nhau nên nỗi nhớ luôn đong đầy trong các cặp vợ chồng TNXP ở Lâm Hà và tình yêu của họ cứ mãi trong trẻo, tươi mới. Nhiều cặp cho biết, dù cưới đã bảy năm, mười năm nhưng cảm xúc khi cầm tay vợ/chồng vẫn còn… run rẩy. Chị Vũ Thị Duyên, công tác ở Phòng Tổ chức của Trường 2 thú nhận: “Hồi anh Công nhà mình còn ở đội quản lý học viên, chỉ thoáng thấy bóng chồng là tim mình đã đập thình thình trong lồng ngực, sau này cũng vậy. Vì anh Công thường xuyên công tác xa, còn phải học tận Đà Lạt mấy năm liền, nên mỗi lần gặp lại, vợ chồng vui dữ lắm!”. Phần anh Công, nỗi nhớ vợ con luôn đầy ắp trong hành trang mỗi chuyến đi học hay công tác xa. Hỏi anh nhớ điều gì nhất khi xa vợ, Công đáp liền: “Nhớ giọng hát của Duyên. Cô ấy hát hay lắm, làm sao không nhớ được!”.
Bác sĩ Nguyễn Đức Dẫn và nữ y tá Tạ Thị Ngót cũng là một đôi “vợ chồng Ngâu” ở Trường 2. Khi chúng tôi ghé phòng y tế, nơi hai vợ chồng cùng làm việc, anh Dẫn đang về thành phố học nghiệp vụ. Ngót kể: “Hồi mới cưới, anh Dẫn là y sĩ. Hai đứa bàn tính để anh học lên bác sĩ. Anh thi xong thì tôi cấn bầu. Vậy là một mình thui thủi, đi làm, về nhà. Có những buổi tối tự dưng nhớ chồng phát khóc. Lâu lâu chồng gọi điện thoại về trạm xá hỏi thăm con cái. Cúp máy, tôi mới nhớ ra còn bao nhiêu việc chưa kể với chồng, thế là tối về viết thư cho anh”. Hỏi Ngót sao khi điện thoại không nói, không kể mà lại phải viết thư, cô bẽn lẽn: “Dạ, không hiểu sao nhớ chồng quá chừng mà nghe giọng anh tôi cứ im thít, thừ người ra không biết nói gì. Tắt máy rồi mới cuống quýt… Phải viết ra mới nói hết nỗi lòng và chuyện của nhà mình. Vì chồng đi học xa, mình có nói trong máy là đêm nay con sốt, hôm qua con té chảy máu… anh cũng chẳng giúp được gì, lại không yên lòng. Vì vậy, phải viết thư để mà kể lể, rằng con bị sốt, bị đau nhưng vợ đã xoay xở ra sao. Viết như vậy, vừa vơi nỗi nhớ của mình, vừa giúp anh nguôi ngoai, ráng học”.
Anh Chu Đức Công đang chơi cùng con
TRĂN TRỞ VÌ CON
Nỗi niềm của Ngót, của Hồng hay Duyên cũng là nỗi niềm chung của những người vợ ở Trường 2 này. Vì vậy, các chị rất quan tâm, chia sẻ với nhau. Trường 2 có hai khu tập thể, một khu nhà tình nghĩa cấp cho TNXP gồm bảy căn, khu còn lại 24 căn đơn vị bố trí cho ở tạm. Cạnh nhà nào cũng có một khoảnh vườn, các chị tỉa bắp, trồng rau, trồng hoa. Các chị chia sớt nhau từng nắm rau, quả bí vườn nhà, giữ con, đón con giúp nhau khi cần...
Tất cả những cặp vợ chồng ở Trường 2 đều thường trực một nỗi lo chung: tương lai con cái. Cha bám đơn vị, mẹ suốt ngày chạy theo công việc, đêm lại tham gia phong trào. Trường 2 lại là một khu biệt lập với bên ngoài. Muốn đảm bảo giờ giấc ở cơ quan thì từ 5g sáng các bà mẹ đã dậy chuẩn bị cho con đến trường, gửi con cho chú bảo vệ, chiều 5g30 mẹ hết giờ đến trường đón chỉ còn lại mình con, con khóc, mẹ cũng khóc theo. Giải pháp tối ưu của các anh chị vẫn là gửi con về cho ông bà. Thế là gần một trăm cháu nhỏ một, hai tuổi phải xa bố mẹ. Chị Hồng kể vui: “Lâu lâu anh Tuấn về thăm nhà, con trai thấy bố mặc bộ đồ xanh chạy riết vào nhà ôm chân bà kêu toáng lên: “Bà ơi, chú bộ đội ghé thăm Nguyên!”.
Tháng 10 vừa qua, trường có hai anh xin nghỉ phép về quê để… làm quen với con. Sau cả tuần lễ rời đơn vị về TP.HCM đón con, anh Lê Hồng Phong, tài xế của trường gọi điện về mách vợ: “Thằng cu cứ lủi vào buồng trốn anh suốt mấy ngày nay, dỗ đủ thứ kẹo bánh, đồ chơi con vẫn không ra, mai hết phép rồi, làm sao hả em?”.
Chị Vũ Thị Duyên kể: “Nhớ những lần con bệnh nặng chúng tôi phải ôm con đón mấy lượt xe mới về đến TP.HCM”. Vợ chồng chị Duyên có hai con, cháu lớn đang học lớp 2 thì khỏe mạnh, nhưng cháu nhỏ Chu Trọng Phúc, sinh năm 2009 ốm yếu, suy dinh dưỡng, vừa rồi còn bị rối loạn sắc tố da... Chị Duyên đau xót, nói: “Giá mà có cách nào chữa chạy cho con”. Đồng lương TNXP của anh chị chẳng là bao so với căn bệnh mạn tính của Phúc.
Chị Hà Thị Thanh - Trưởng ban Nữ công Trường 2 kể: “Hầu như các cặp vợ chồng TNXP của trường đều phải sống cảnh xa nhau, có người phải chờ nhau năm, bảy năm mới được ở gần nhau; may mắn là không ai lục đục, giận hờn gì. Các anh TNXP đều rất yêu và… nể vợ. Chuyện vào bếp nấu cơm, giặt áo quần cho vợ con đối với các anh là chuyện nhỏ. Cho nên, dù thỉnh thoảng mới được chồng về giúp một lần, nhưng chị nào cũng cảm thấy yêu đời phơi phới”.
NGHI ANH