Tình yêu cho bạn sức mạnh khiến cả thế giới ngờ vực, nhưng tình yêu không phải thứ bất biến, nó là thứ mong manh dễ rơi vỡ nhất. Nhất là khi bạn một mình chống chọi với cơm áo gạo tiền, một mình gánh cả hai vai cha và mẹ, như bà Jane Wilde, người vợ đầu của giáo sư vật lý Stephen Hawking.
|
Đám cưới của Stephen Hawking và Jane Wilde |
Trang facebook của Nhà vật lý Stephen Hawking trên mạng xã hội có hơn 4 triệu người theo dõi. Có lẽ đây là con số mà không ít ngôi sao sân khấu, người nổi tiếng thèm muốn. Theo dõi ông suốt hơn một năm qua, tôi không hề thấy ông chia sẻ nhiều về chuyện đời sống. Chủ yếu là những công trình nghiên cứu, những bài viết, buổi đi giảng, giao lưu trong chuyên ngành của mình.
Tôi không hiểu gì những thuật ngữ vật lý, không hứng thú với các sách báo, công trình nghiên cứu khoa học cao siêu, nhưng tôi cũng như vô vàn người hâm mộ khác theo dõi ông, chỉ để thêm niềm tin vào cuộc đời này. Ông chính biểu tượng của sự sống, biểu tượng của trí tuệ, của niềm tin “những điều tốt đẹp sẽ được hoàn trả bằng sự tốt đẹp”.
Hơn hết, ông là một minh chứng hùng hồn cho một điều nhiều người còn nghi hoặc: tình yêu sẽ tái sinh sự sống.
Ở tuổi 21 ngời ngời hoài bão về cuộc đời, ngùn ngụt ý chí cống hiến khoa học, cậu trai trẻ Stephen Hawking được chẩn đoán sẽ chết vì một căn bệnh về thần kinh vận động. Không có hi vọng cứu chữa, và tuyệt vọng nhìn chứng teo cơ tiến triển rất nhanh, Stephen Hawking rơi vào trầm cảm vì không gượng nổi trước án tử mà bác sĩ “phán”: chỉ sống thêm 2 năm.
Nhưng phép nhiệm màu đã cứu chàng trai, đó là tình yêu của nữ sinh cùng trường, một cô gái đẹp trong veo, duyên dáng. Bất chấp hết những trở ngại, Jane Wilde quyết ở bên người mình yêu.
|
Jane Wilde quyết ở bên người mình yêu |
Một ngày nào đó đôi chân không còn vững? Một ngày nào đó đôi tay không thể cử động, hay thậm chí trước mặt là cái chết? Hẳn Jane Wilde đã hình dung ra. Nên khi chàng trai Stephen Hawking trốn tránh, chối từ, cô kiên nhẫn thể hiện tình yêu và ước mong được đi suốt cuộc đời với Stephen Hawking.
Tình yêu lạ lùng này giúp ông sống lại và sáng tạo không ngừng cho thế giới để có ngành vật lý thiên văn vĩ đại ngày nay.
Tình yêu nảy mầm để ba đứa con ra đời và người đàn ông dần dà mất hết khả năng vận động ấy sống sót một cách kỳ lạ tới tận tuổi 76, trên chiếc xe lăn và thứ duy nhất có thể ngọ ngoạy là vài ngón tay.
Ngày 14/3, Stephen Hawking ngừng thở. Báo chí Việt nói về Jane Wilde luôn nhấn mạnh hai điểm: đam mê văn chương và sùng đạo. Hai đặc điểm này có phần nào lý giải sự lựa chọn bên người chồng tàn tật của cô gái trẻ không?
Nếu từng ở gần một phụ nữ yêu văn học, có thể bạn sẽ hiểu hơn, vì sao họ có thể biến mọi vất vả, bi kịch quanh mình thành những điều sáng tươi, lãng mạn. Chúng ta hay nói "yêu như thế chỉ có trong sách vở", vì những chuyện tình trong văn chương hầu hết là thứ tình yêu duy mỹ, bền vững, tuyệt đối. Đôi khi, những hình ảnh chân-thiện-mỹ của văn học “ám” vào cái nhìn tình yêu và cuộc sống, nên các cô gái cũng trở nên thánh thiện hơn.
Tình yêu tái sinh tình yêu, chàng trai được tiếp niềm tin và sức mạnh để phấn đấu không ngừng, trở thành tiến sĩ ở tuổi 25 để có việc làm tốt, có thu nhập tốt và kết hôn với bà Jane Wilde. Ba đứa con của họ lần lượt ra đời.
|
Gia đình những ngày hạnh phúc rực rỡ |
Nhưng hạnh phúc vốn là bản nhạc khó viết toàn vẹn. Nỗi cô đơn gồng gánh gia đình và những buồn tủi đàn bà bên người chồng suy kiệt sức khỏe đã đẩy trái tim bà Jane Wilde Hawking lúc này đã ở tuổi trung niên tới với một người đàn ông khác.
Khi tình yêu không còn, chúng ta tưởng có thể rời bỏ người ấy mà đi, nhưng không dễ. Trong thế giới tâm lý của những người đàn bà, rất nhiều người khi tình yêu lôi họ ra khỏi nhà, thì lập tức bổn phận và trách nhiệm kéo họ lại.
Người Công giáo sùng đạo hiếm khi chấp nhận chuyện ly dị. Khi kết hôn, họ đã phải hình dung hết những bão táp, chứ không chỉ hoa hồng của hôn nhân. Vì thế mới có câu thề của cô dâu chú rể trước bàn thờ Chúa: “Tôi xin nhận… làm chồng (vợ) và hứa sẽ chung thủy với… trong lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe. Tôi sẽ yêu thương và tôn trọng… đến trọn cuộc đời”.
Jane Wilde, người phụ nữ sùng đạo hẳn đã vật vã đấu tranh giữa nhu cầu đi theo tiếng gọi hạnh phúc và lời thề kia với người chồng tàn tật. Cuối cùng, bà chọn ở lại bên chiếc xe lăn của chồng, chỉ giữ quan hệ bạn bè với người đàn ông nọ.
Tiếc rằng, cũng chính từ đó, hạnh phúc không còn nguyên bản. Bổn phận và trách nhiệm khiến người ta sống bên nhau tốt đẹp, nhưng không thể khiến trái tim an ổn. Nhà khoa học nảy sinh tình yêu với cô y tá thân cận và kiên quyết ly hôn để bắt đầu một giai đoạn sống mới.
Ông ra ngoài ở riêng, sau đó kết hôn với cô y tá. Tiếc là cuộc hôn nhân này không êm đẹp như mong ước. Họ chia tay nhau sau 11 năm.
Bộ phim The Theory of Everything (Thuyết yêu thương) được Hollywood dựng năm 2014, chuyển thể từ hồi ký Travelling to Infinity: My Life With Stephen của bà Jane đã tái hiện lại tình yêu của họ. Phim được khán giả khắp thế giới chào đón và hàng triệu người đã thổn thức vì mối tình cao đẹp của người vợ.
|
Poster phim Thuyết vạn vật |
Một điểm nhấn lung linh của câu chuyện tình yêu được phim khai thác kỹ là sự quay lại của bà Jane Wilde với nhà khoa học sau 11 năm xa cách, lúc ông đã rất già yếu. Có những lúc bác sĩ đã bàn với bà Jane về việc rút ống thở của ông, nhưng bà quyết không bỏ cuộc, sát cánh bên ông trong cuộc phẫu thuật sinh tử.
Ông sống tiếp 12 năm cuối đời trong hạnh phúc. Một cái kết “happy end” khiến cả thế giới ngưỡng mộ.
|
Họ vẫn bên nhau trong dịp ra mắt Phim “Thuyết vạn vật” |
Tôi nhớ câu bà Jane Wilde đã phát biểu với báo giới: "Cuộc sống với Stephen nhiều lúc khiến tôi muốn tự sát, nhưng sau cùng, tôi vẫn yêu ông”. Bản tình ca của ông bà chứng minh rằng: chỉ tình yêu mới đáp trả được tình yêu và tình yêu có sức mạnh phi thường để tái sinh những điều kỳ diệu.
Tuấn Lê