Tình yêu hằng nhớ

05/06/2015 - 17:20

PNO - PN - Người già yêu cũng khác người trẻ. Người ta dễ bỏ qua những chuyện lặt vặt như đưa đón, trễ giờ, không cùng nhau thích một món ăn hay một môn thể dục. Họ đã đến chỗ biết cái gì là chính, cái gì là phụ trong quãng sống ngắn ngủi còn lại. Nên thay vì cắm cảu, làm khổ nhau, cằn nhằn về những điều vặt vãnh như một số cặp vợ chồng già thường gặp, những người già khi yêu thường rộng lòng hơn, sống tích cực hơn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tinh yeu hang nho

Tình yêu của người già, cũng như sức khỏe, là nỗi khát khao, cũng hiếm hoi, cũng lụi tàn dần với thời gian. Chỉ khác là nó không bao giờ tắt. Đừng ngỡ chỉ người trẻ mới biết yêu, mới nồng nàn thổn thức nhớ thương. Tình yêu của người già là một khúc hát, không vang thành tiếng nhờ micro, không lấp lánh nhờ ánh đèn sân khấu, mà đồng vọng da diết, hoặc đớn đau xao xuyến mãi trong lòng. Lý do thật đơn giản mà cũng thật tàn bạo: xong khúc hát ấy có thể là cái chết, rất gần, đến nỗi hiện hình thành nỗi ám ảnh.

Trong những cụ già vẫn hay xuống công viên tập thể dục buổi sáng, ông T. là người thường xuống sân sớm nhất và về muộn nhất. Không phải vì ông tham tập, mà vì ông thích nói chuyện. Ông nói về cuộc đời, về thời trai trẻ đã qua. Đời người đàn ông, có một ngôi nhà là chuyện “danh dự”, có một người vợ và những đứa con là chuyện “sống còn”.

Ông đã đủ cả “danh dự” lẫn “sống còn”. Ngôi nhà ông xây khi bước sang tuổi 50, như ông từng mơ về nó trong suốt mười mấy năm trước đó, to rộng, đẹp đẽ, trên mái có những chóp nhọn cao lợp ngói đỏ và một gian phòng rộng, đủ nghiêm cẩn để thờ cúng ông bà cha mẹ tổ tiên. Nhưng rồi bà mất, những đứa con mỗi đứa một căn hộ chung cư, ông trở nên lạc lõng trong chính giấc mơ của mình.

Thì ra, ngôi nhà chỉ sống khi bà ấy còn. Ông cho thuê rẻ, về ở với con trai lớn. Trong những câu chuyện của ông, bà với ngôi nhà đều đẹp đẽ và xa cách. Ông vẫn còn yêu bà. Chính vì thế ông làm người nghe mệt mỏi, chán ngấy khi cứ kể đi kể lại mãi những câu chuyện về bà và ngôi nhà của ông. Đôi người bảo ông lẩm cẩm. Đôi người khác độc miệng bảo bà chẳng được như ông kể, bà xấu và con nhà làm nghề bán hàng chợ chứ chả phải tiểu thư danh giá gì. Còn ngôi nhà ư? Vừa xấu vừa dị hợm, ở cũng dở mà bán cũng chẳng xong... Đến những đứa con cũng có khi bật ra lời gắt gỏng: ba đừng kể nữa, kể tới kể lui hoài nhức đầu.

Thì ra, một tình yêu quá thủy chung cũng có thể làm tình làm tội người ta, chứ không hẳn đã là hạnh phúc. Bà ở cõi vĩnh hằng nếu nghe ông kể chắc sẽ mỉm cười toại nguyện, vì ông không bồ bịch mèo mỡ gì với ai nữa, vì ông một lòng hằng nhớ không nguôi. Ông ôm mãi một tình yêu đã quá vãng, một người yêu đã qua đời. Người ta khen ông nhớ giỏi, nhớ dai, yêu thương vợ lâu bền, nhưng người ta ngại phải nghe, rồi chán hẳn ra mặt. Một bữa, giữa chừng câu chuyện mới mở màn của ông, một ông bạn đã bảo: thôi, đừng kể nữa, bây giờ có gì vui để mà sống thì mới đáng kể, chứ...

Ông ấy, cái ông “có gì vui để sống” ấy, lại là một kiểu khác hẳn. Ông đã ly hôn vợ, cũng chẳng sống với con. Tiền bán nửa căn nhà và tiền chia chác sau cuộc ly hôn, ông gửi ngân hàng để sống. Nhà thì ông thuê căn hộ chung cư, đến khi chết cũng là phủi tay mà đi khỏi vướng víu. Con cái đến thăm thì tốt, không thì thôi. Dân tình tập thể dục ở công viên này đã chứng kiến cảnh bà bồ cũ của ông đánh ghen với bà bồ mới. Hỏi chuyện, ông bảo “Y. đã là tình yêu của đời tôi cho tới khi nàng không còn là vậy nữa”.

Tinh yeu hang nho

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ đó đến nay ông đã có thêm bà này bà nọ, cũng là trong nhóm tập thể dục, cũng là “có gì vui để sống”. Người đậu lại với ông đến giờ là một trường hợp cá biệt: bà cũng sống một mình, chồng chết sớm, con đã ở riêng. Hai người là “bạn”, nhưng nhà ai nấy ở, thỉnh thoảng mới sang nhà nhau. Không ràng buộc vợ chồng, nhưng nhìn cách họ đi cùng nhau, nâng đỡ, tình tứ vui vẻ, thấy họ đã cùng tìm được một điều gì đó ở nhau, điều mà những cuộc hôn nhân lâu bền có khi không thể mang tới được.

Người già yêu cũng khác người trẻ. Người ta dễ bỏ qua những chuyện lặt vặt như đưa đón, trễ giờ, không cùng nhau thích một món ăn hay một môn thể dục. Họ đã đến chỗ biết cái gì là chính, cái gì là phụ trong quãng sống ngắn ngủi còn lại. Nên thay vì cáu kỉnh, làm khổ nhau, cằn nhằn về những điều vặt vãnh như một số cặp vợ chồng già thường gặp, những người già khi yêu thường rộng lòng hơn, sống tích cực hơn.

Họ có xu hướng muốn bù đắp cho người thương, muốn sửa những lỗi mà mình đã phạm trong đời ở một thời xa lắc nào đó. Oái oăm thay đây cũng là nỗi lo của con cháu. Khi trẻ, yêu đương, cung phụng đón đưa thì gọi là ga-lăng. Khi già mà như vậy lại mắng là già mà chưa hết dại! Có lẽ, con cháu quá lo lắng. Thời hạn cuối của cuộc đời đã gần, bất cứ lúc nào dấu chấm hết cũng sẵn sàng đặt xuống, đến lúc đó mà câu văn ái tình còn dang dở, thì biết tính làm sao?

Bản chất của tình yêu vốn là một, nhưng ở mỗi độ đời, người ta yêu một cách khác. Một số khảo sát khoa học chuyên ngành lão khoa chứng minh tình yêu và cảm xúc giới tính dù ở tuổi gần đất xa trời vẫn khiến con người có động lực sống mạnh mẽ. Câu chuyện tình dục nhiều khi không phải là điều quan trọng nhất nữa. Khả năng tự chăm sóc bản thân, ý thức về quan hệ xã hội, mối quan hệ giao tiếp đồng cảm… mới là những yếu tố tích cực mà tình yêu có thể mang lại.

Đừng đóng khung người già trong những tình cảm an toàn. Họ cũng có quyền được sai lầm, được phiêu lưu dù biết cuộc đời đã đi vào chặng cuối. Nếu biết rằng rồi ai cũng sẽ phải chân chậm, mắt mờ, bàn tay nhăn nheo tìm nắm lấy một bàn tay để cùng đi qua đoạn kết đường đời, hẳn chẳng ai nỡ xóa đi trong những trái tim già nua ấy bóng dáng diễm lệ và vĩnh hằng của tình yêu.

 NGỌC YÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI