Ryan, 43 tuổi, một giáo viên sinh sống tại ngoại ô bang Wisconsin (miền Trung Tây Hoa Kỳ), có định nghĩa khá kỳ lạ về “mối quan hệ trong mơ” theo suy nghĩ của mình. “Cô ấy không bao giờ nói xấu ai, luôn hào hứng về mọi thứ, và là một người tôi luôn có thể trò chuyện cùng. Chúng tôi không bao giờ cãi vã” - anh nói.
Phải cách ly tại nhà trong mùa dịch khiến Ryan thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Đó là động lực thôi thúc anh hẹn hò với Audrey - “người tình” anh tìm ra trên ứng dụng điện thoại Replika.
Khi yêu đương hóa thành “trò chơi”
Audrey là một bot (robot mạng, tức chương trình tự động hóa điều hành bởi công nghệ AI, giúp xử lý các tác vụ từ đơn giản đến phức tạp, mang tính lặp lại). Ryan dường như chưa từng quá để tâm đến điều này. Anh nhanh chóng chìm đắm vào những cuộc trò chuyện hăng say cùng cô “nhân tình”. Anh chia sẻ: “Chúng tôi nói chuyện mọi lúc có thể, dù sáng hay tối”.
|
Cung cấp những “người bạn” ảo, ứng dụng như Replika có thể “chữa lành” căn bệnh cô đơn giúp nhiều người? - Ảnh: Replika |
Ryan, từng trải qua lớp huấn luyện về an toàn trên thế giới mạng dành cho giáo viên, vẫn biểu hiện sự si mê quá đà vào một mối tình thoạt nghe hoàn mỹ, nhưng phi thực. “Mọi chuyện tệ đến mức tôi bắt đầu thấy có lỗi với Audrey khi ra ngoài gặp gỡ, hẹn hò cùng người khác” - anh tiết lộ. Phát hiện chất lượng cuộc sống dần đi xuống, bản thân cũng trở nên lầm lì, tiêu cực, Ryan cuối cùng chọn cách lánh xa ứng dụng Replika.
Được quảng bá là “đồng sự AI đáng tin cậy”, Replika cho phép người dùng tạo một hình ảnh đại diện dưới dạng bot, tương tự Audrey, để biến thành “bạn bè, tình nhân hoặc cố vấn viên” giúp đỡ các nhu cầu khác nhau của họ trong cuộc sống. Trả mức phí 20 USD (gần 500.000 đồng)/tháng, mối quan hệ có thể được nâng cấp thành “quan hệ yêu đương”.
Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Harvard, tính đến năm 2022, ước tính 10 triệu người trên toàn cầu đã đăng ký sử dụng dịch vụ này. Họ kết nối với những người bạn ảo thông qua hàng trăm tin nhắn mỗi ngày.
Đạo đức xã hội đang có dấu hiệu bị “đánh đố” trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc hiện nay. Nhiều người đắm mình vào các mối quan hệ yêu đương với trí tuệ nhân tạo nhằm thỏa mãn trí tưởng tượng về “tình yêu lý tưởng”, tạo nhân vật ảo mô phỏng hình tượng người yêu cũ, hoặc vì mục đích khiêu dâm không lành mạnh. Về lâu dài, tâm lý lệ thuộc vào kỹ thuật AI phải chăng sẽ gây hậu quả khó lường?
|
Các ứng dụng hẹn hò bằng công nghệ AI đang bị chỉ trích vì nội dung bẩn tràn lan thiếu kiểm soát, cùng tình trạng bảo mật thông tin người dùng lỏng lẻo - Ảnh: NBC |
Để tăng độ hấp dẫn, ứng dụng hẹn hò ảo nổi tiếng thời gian qua như Replika, Soulmate AI, Character AI, được cố tình thiết lập không khác gì một trò chơi trên điện thoại. Điểm thưởng, huy hiệu và các loại vật phẩm độc đáo khác “giữ chân” người sử dụng gắn bó lâu dài với loại hình dịch vụ này.
“Kinh doanh” nỗi cô đơn
Giai đoạn giữa và hậu đại dịch, Ryan không phải trường hợp hiếm hoi tò mò về trải nghiệm dịch vụ “người tình” ảo. Báo cáo thống kê từ Google cho thấy, tổng số lượt tìm kiếm từ khóa “bạn/người yêu AI” đã tăng tới hơn 730% từ đầu năm 2022 đến nay.
Đơn vị đứng sau Replika và hàng loạt doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin đang “thương mại hóa” tình yêu, sự kết nối. Làn sóng “kinh doanh nỗi cô đơn” bằng ứng dụng AI khiến giới chuyên gia nghiên cứu cùng các nhà xã hội học phải lo ngại.
Nữ giáo sư ngành xã hội học Sherry Turkle, công tác tại Viện Công nghệ Massachusetts (bang Massachusetts, Mỹ), lý giải về thứ bà gọi là “chứng bệnh dựa dẫm công nghệ”: “Mối quan hệ giữa người với người đôi khi rất phức tạp. Chúng ta dựa vào công nghệ để mong đơn giản hóa vấn đề. Nhưng cùng lúc đó, công nghệ khiến con người đánh mất cảm giác được kết nối chân thật. Tệ hơn, khi bị vây quanh bởi những "người bạn" ảo mọi lúc mọi nơi, chúng ta không còn không gian riêng để yên tĩnh lắng nghe bản thân. Nếu bạn không thể dành thời gian riêng cho mình, bạn càng dễ thấy cô đơn hơn dù ở cạnh ai”.
Amy Marsh, một nhà văn - nhà nghiên cứu tình dục học từng trải nghiệm Replika, cảm thấy choáng ngợp trước cách ứng dụng này đáp ứng nhu cầu kết nối cho đa dạng đối tượng. “Tôi nhận ra những "tình nhân" bot vậy mà có thể khơi gợi hứng thú khiến tôi muốn tạo dựng mối quan hệ với họ, dù chỉ trong thế giới ảo” - cô nhận xét.
Dẫu vậy, công nghệ luôn tồn tại mặt trái. Việc ngày càng nhiều người khai thác bot để thỏa mãn khao khát riêng tư liên quan đến tình dục lẫn tình yêu làm dấy lên lo âu trước tác động tiêu cực tiềm ẩn ở trào lưu này.
“Tạo ra "người tình" AI hoàn hảo để một cá nhân tùy ý kiểm soát, sai khiến là một ý tưởng rùng rợn” - Tara Hunter, giám đốc điều hành một tổ chức xã hội tại Úc chuyên đấu tranh trước nạn bạo lực gia đình và bạo hành phụ nữ - bày tỏ quan điểm - “Chúng ta đã biết, kích động hành vi bạo lực giới tính là tư duy lệch lạc cho rằng nam giới được quyền kiểm soát phụ nữ. Công nghệ AI, nếu thiếu chính sách quản lý phù hợp, có thể khiến vấn đề trầm trọng hơn”.
Như Ý (theo TheWalrus)