“Cháy hàng” sách kiến trúc
2.000 bản in đầu tiên của cuốn sách về kiến trúc Nam Bộ đã “cháy hàng” khi chưa mở bán chính thức thực sự là một ngạc nhiên lớn. Thế nhưng, những ai đã yêu và theo dõi nhóm bạn trẻ “Tản mạn kiến trúc” (TMKT) trên Facebook của dự án từ năm 2019 có lẽ sẽ không bất ngờ. Facebook của nhóm hiện có hơn 48.000 lượt theo dõi và 44.000 lượt thích.
|
(Từ trái qua) Vương An Nguyên, Trương Trần Trung Hiếu, Phạm Nhật Tiến của nhóm Tản mạn kiến trúc trong một buổi đối thoại với cộng đồng - Ảnh: Nhã Nam |
Nhóm có 7 thành viên, độ tuổi từ 18-28, do Trương Trần Trung Hiếu làm trưởng nhóm. Thoạt đầu, nhóm tụ họp với nhau dưới bóng di sản, cùng rủ nhau đi xem tòa nhà cổ này, ngôi đình kia để ngắm nhìn kiến trúc hay những chạm khắc tinh xảo. Dần dà, họ nhận ra nên làm điều gì đó lớn hơn để chia sẻ những điều ngắm nhìn được và lan tỏa tình yêu di sản đến những người cùng thế hệ. Vậy là, ngoài công việc thường nhật, nhóm dành thời gian nghiên cứu, đi thực địa, hoạch định việc viết bài, chụp ảnh, vẽ minh họa về những công trình cổ họ đến thăm.
Di sản kiến trúc vừa là hiện thân của những gì đã lùi vào lịch sử, vừa là thực tại đời sống, là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Tìm về các di sản kiến trúc là hành trình khám phá bản sắc dân tộc trong một thế giới đang bị những mô hình bê tông, cốt thép lấn át. Tuy vậy, để người trẻ cảm thấy gần gũi và bị thu hút thì ngoài các công trình chuyên sâu, tiếng nói của thế hệ hôm nay cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
|
Nhà cổ họ Lâm ở Vĩnh Long. Mặt tiền trang trí bằng phù điêu và gạch men nhiều màu là xu hướng phổ biến trong giai đoạn 1910-1930 - Ảnh: TMKT |
“Chúng tôi không muốn kêu gọi cộng đồng phải bảo vệ di sản trong khi họ chẳng biết mình đang bảo vệ điều gì. Chúng tôi cũng từng như vậy, nặng tình với kiến trúc, quý mến tòa nhà cổ trên con đường mình đi qua hằng ngày, biết đau lòng khi một di sản bị dỡ bỏ nhưng lại chẳng hiểu gì hơn về chúng. Chúng tôi nghĩ rằng tình yêu dành cho di sản cần được nuôi dưỡng theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Đến một lúc nào đó, nó sẽ tự nhiên nảy nở như cách người ta biết rằng họ yêu mến điều gì ở căn nhà họ đang sống hoặc công trình kiến trúc cổ họ gặp” - Trọng Nghĩa - thành viên của nhóm - kể.
Tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng mỗi thành viên TMKT đều có chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau như kiến trúc, nhân học, du lịch, lịch sử. Chính sự tương phản này đã giúp các bài viết của nhóm trở nên đa chiều và gần gũi hơn với người trẻ. Bằng góc nhìn của những người trẻ năng động, có kế hoạch, có đam mê, có lòng quyết tâm, số lượng bài viết của nhóm cứ thế nhiều dần. Hàng trăm bài viết song ngữ Anh - Việt về văn hóa, kiến trúc của những dinh thự, đình chùa, hay những ngôi nhà cổ ra đời. Các lát cắt kiến trúc được trình bày đa dạng, bao gồm “Lý thuyết di sản”, “Chi tiết kiến trúc”, “Từ điển tản mạn”… Với những chủ đề phức tạp, nhóm ưu tiên sử dụng infographic để truyền tải thông tin trực quan, ngắn gọn.
|
Bìa sách Tản mạn kiến trúc Nam Bộ |
“Đối với bài viết về những công trình cụ thể, chúng tôi đến tận nơi bởi kiến trúc chỉ bộc lộ toàn bộ vẻ đẹp khi chúng ta chiêm ngưỡng trong thực tế. Nhóm chụp ảnh, thực hiện bản vẽ và ghi chú, sau đó về nhà xử lý và phân loại các dữ liệu này. Dựa vào đó, nhóm nội dung sẽ viết bài, sau đó các thành viên cùng nhau xem qua, phản biện nội bộ trước khi giới thiệu đến cộng đồng” - Trịnh Nguyễn Anh Nguyên - thành viên của nhóm - bổ sung.
Quy trình thực hiện bài viết của TMKT công phu không thua bất kỳ đơn vị xuất bản chuyên nghiệp nào: thực nghiệm công trình, tổ chức bản vẽ và ghi chú, xử lý thông tin, tra cứu tài liệu, thiết kế hình ảnh, biên tập trước khi chia sẻ với cộng đồng. Nhưng, tất cả thông tin ấy không khuôn mẫu, không trói buộc và khô cứng. Chúng được nung chảy trong tình yêu nồng nàn với Sài Gòn, với di sản - thứ tình yêu đầy đam mê nhưng cũng không kém phần tỉnh táo.
Kiến trúc không phải là những vết chấm rời rạc
Không dừng lại ở các công trình kiến trúc cụ thể, quá trình thực địa giúp nhóm trưởng thành hơn đồng thời nhận ra sự tương tác giữa con người và các di sản. Họ hòa mình trong không gian để thấy kiến trúc không phải là những vết chấm rời rạc. Chúng tồn tại gắn liền với môi trường, thiên nhiên; trong tổng thể cỏ cây, sông ngòi, đường sá, xóm làng... và trong sự du nhập văn hóa Tây phương. Chính điều này tạo nên đặc trưng cho từng kiểu nhà Nam Bộ, từ cách chọn nguyên vật liệu làm nhà trong kiến trúc dân dụng; phong cách xây dựng những ngôi nhà gỗ truyền thống với đường phân chia lằn ranh mềm mại (khác với nhà hiện đại có xu hướng tách bạch không gian riêng vì nhu cầu đề cao tính cá nhân) cho đến những ngôi nhà kiểu Tây pha trộn hài hòa với kiến trúc bản địa hay những họa tiết trang trí nhà cửa cầu kỳ, tinh xảo… Đây là điểm nổi bật nhất trong quyển sách TMKT Nam Bộ được xuất bản vào cuối năm 2022.
|
Kiến An Cung ở Sa Đéc vừa là miếu thờ, vừa là hội quán - Ảnh TMKT |
Một trong những phương thức để di sản không bị lãng quên và tạo ra sự thay đổi tích cực là gia tăng kết nối, mở rộng khả năng đối thoại với cộng đồng - những người đang sống giữa lòng di sản. Nhóm bắt đầu tổ chức các buổi nói chuyện, các chuyến đi trải nghiệm đến các công trình cụ thể để kiến tạo một cộng đồng quan tâm đến việc bảo tồn di sản kiến trúc. Chính sự cởi mở này đã tiếp thêm sức mạnh và động lực cho nhóm.
Với khối lượng tư liệu quý giá từ quá trình làm việc nghiêm cẩn, TMKT Nam Bộ là thành quả ngọt ngào để nhóm tiếp tục lan tỏa tình yêu di sản với mong muốn giản dị: “kể chuyện di sản nước mình cho những người trẻ như mình nghe”. Tình yêu của nhóm với di sản kiến trúc, với những mái nhà rêu phong, cổ kính vẫn sẽ tiếp tục sau cuốn sách này với những bản số hóa về công trình, những nghiên cứu sâu hơn, giá trị hơn. Trên website của nhóm ghi rõ dòng giới thiệu về khát khao “xây dựng một bộ dữ liệu về di sản kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật, với đa dạng góc nhìn từ các ngành kiến trúc, quản lý, khoa học xã hội và nhân văn”, đồng thời “tăng cường nhận thức cộng đồng về di sản qua hoạt động xuất bản và truyền thông”.
Đào Lê Tiến Sỹ - người trực tiếp biên tập cho cuốn sách - nhận xét: “Với sự quan tâm đặc biệt dành cho các di sản kiến trúc Việt Nam, các bạn đã lan tỏa những trải nghiệm phong phú trong mỗi chuyến thăm thú các nếp nhà cổ xưa, khơi gợi những cách nhìn tinh tế và giàu cảm xúc của người trẻ hôm nay về đời sống của ông cha trong quá khứ thông qua cách viết giản dị mà sâu lắng”. Không ngạc nhiên khi nhóm được Queen’s University Canada mời viết bài cho dự án nghiên cứu kiến trúc thuộc địa, qua đó thể hiện góc nhìn về hoạt động bảo tồn di sản trong bối cảnh hiện đại và được Tạp chí Heritage vinh danh vì đóng góp tiên phong trong lĩnh vực văn hóa dành cho độc giả trẻ.
Thư Hiên