Thuở chưa có điện thoại di động, Internet hay các mạng xã hội như Facebook, Zalo... tôi chưa từng hình dung có ngày lại bồi hồi, xao xuyến đến thế khi đọc lời chia tay của Phụ Nữ chủ nhật, cuốn tuần báo thân thuộc đã đồng hành, dự phần vào một quãng đời thanh xuân tươi đẹp của tôi.
Hợp - tan hay thay đổi để chắt lọc những tinh hoa, ưu việt, để phù hợp với xu hướng phát triển chung là quy luật của cuộc sống, xã hội. Biết vậy nhưng vẫn không khỏi bùi ngùi, dù sự chia tay này đã được báo trước từ lâu và có kèm theo lời hứa "hẹn gặp lại".
|
Đọc báo in - thói quen, sở thích của nhiều người rồi sẽ biến mất giữa thời đại số? (Ảnh minh hoạ) |
Tôi thích Phụ Nữ Chủ Nhật vì sự nghiêm túc, chỉn chu và tôn trọng độc giả giữa "ma trận" bát nháo, loạn xạ, bất chấp của một số báo mạng (xin lỗi) vốn chỉ được ưu thế nhanh, nhạy, kịp thời, "nóng sốt" và phong phú (hình ảnh).
Ngoài cảm xúc háo hức, thích thú khi được cầm tờ báo in còn thơm mùi mực, "nhâm nhi" từng trang vì sợ mau đọc hết... thông tin trên báo in như một sự đoan chắc khiến người đọc an tâm về độ trung thực, tin cậy, không có chuyện "nói đi nói lại" hay đăng lên rồi lại cải chính, gỡ bài, xoá bài như cách làm "chụp giật" của một số báo mạng.
Chắc cũng không quá hào phóng lời khen khi cho rằng về khoản "an toàn", chính xác, thông tin tích cực, báo in nói chung, Phụ Nữ chủ nhật nói riêng làm tốt hơn báo mạng nhiều!
Từng cộng tác với Phụ Nữ chủ nhật từ năm 1998, thuở chỉ là một cô gái lơ ngơ chập chững vào đời, tập tành làm bạn với chữ nghĩa, cá nhân tôi còn có nhiều kỷ niệm đẹp, đáng nhớ với tờ báo yêu thương này.
Đó là bài báo đầu tiên được đăng, tôi viết sau khi chia tay mối tình đầu. Là những tin nhắn nhờ tư vấn cách xử lý các tình huống gia đình, các mối quan hệ cá nhân từ những độc giả xa lạ vì họ tưởng những người viết báo như tôi cũng là các "chuyên gia gỡ rối tơ lòng" thực thụ.
Kỷ niệm còn là những "cộng sự" dễ thương, nhiệt tình ở toà soạn, các biên tập viên (có người từng là phóng viên) hướng dẫn cách viết sao cho chỉn chu, chuyên nghiệp.
Là những tin nhắn, cuộc gọi "đặt hàng" từ toà soạn để tôi viết theo chủ đề hay thông báo khi tôi có bài đăng. Nhất là những mối quan hệ bạn bè từ những người cầm viết chuyên nghiệp lẫn không chuyên (như tôi).
Nếu ai đó có thói quen đọc báo hay sở thích viết báo, sẽ hiểu cảm giác nôn nóng đi mua một tờ báo "mới ra lò" như thế nào, cảm giác thong dong khi ngồi đọc báo bên ly cà phê sáng hoặc khi tranh thủ đọc vội trên xe đi làm. Nhớ nhất là cảm giác hạnh phúc vỡ òa khi bài viết của mình được chọn đăng giữa bao nhiêu tay viết "xịn sò" chuyên nghiệp.
Những cảm giác ấy mất dần khi báo mạng lần lượt ra đời với sự cạnh tranh khốc liệt về tốc độ đưa tin, sự phong phú về nội dung mà đôi khi bỏ qua (hay bất chấp?) một số chuẩn mực.
Dù nói đi cũng phải nói lại, giữa cuộc sống công nghiệp hối hả, bận rộn như hiện nay, việc chỉ cần chạm nhẹ vào màn hình điện thoại là đã mở ra thế giới bao la ngồn ngộn thông tin là một ưu điểm khó chối cãi của báo mạng. Và suy cho cùng, báo mạng lẫn báo giấy đều có chung "sứ mệnh": truyền tải thông tin, đề cao cái đẹp, cái tốt nên chẳng vì vậy mà thiên vị bên nào.
Việc chia tay Phụ Nữ chủ nhật nói riêng hay các báo in nói chung cũng không ngoài quy luật thay đổi để phát triển, để phù hợp với xu hướng thời đại. Nghĩ tích cực vậy để hoá giải cảm xúc bi luỵ của ngày chia tay, và để hướng đến những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn!
Cũng là lời chúc lành thương mến dành cho những người, những điều mà mình đã từng yêu!
Lê Thị Ngọc Vi