Tình yêu chênh vênh

20/06/2018 - 11:00

PNO - Tình yêu và hôn nhân, cho dù có chân thành đến mấy, cũng vẫn có sự phân tầng chứ không phải cứ yêu là mọi ranh giới sẽ được phá bỏ.

Anh là shipper của một công ty thương mại điện tử lớn. Nhà anh ở một tỉnh nghèo, cách thành phố hơn 300 cây số. Anh tốt nghiệp phổ thông rồi nghỉ, đi làm, vì không có điều kiện học tiếp. Anh và hai người chị đã quyết định nhường cơ hội học hành lại cho các em, làm đủ nghề để lo cho ba đứa em lít nhít. Lúc các em thành đạt, trở thành những ông bà cử thì anh vẫn chỉ là một nhân viên giao hàng cần mẫn, ngày ngày đội nắng mưa đưa sản phẩm đến từng nhà.

Tinh yeu chenh venh

Cô là dân khoa bảng, du học ở Nga về. Vừa về nước, cô được nhận ngay vào công ty tôi với mức lương mà nhiều người trẻ mới ra trường chỉ dám ao ước. Cô giỏi, tất nhiên rồi, vì cô giành được học bổng chứ không phải bỏ tiền túi du học. Cô đẹp, tính tình lãng mạn, lại là dân thành phố chính gốc nên có rất nhiều người theo đuổi. Nhưng cuối cùng, cô chọn anh, vì cảm giác tin cậy và ấm áp.

Mẹ cô từng cảnh báo cô bằng chính cuộc hôn nhân của bà. Ngày xưa, bà và cha cô cũng đi đến hôn nhân từ tình yêu chân thành, nhưng sự chênh lệch về tuổi tác và học vấn khiến họ ngày càng xa cách nhau. Cho đến giờ, sau khi ly hôn, cả hai không ai đi thêm bước nữa và vẫn dành tình cảm cho nhau. Nhưng trở về, hàn gắn lại thì không. Có cái gì đó hụt hẫng, chơi vơi khi giữa hai người là một khoảng tối mênh mông mà chỉ có tình yêu thì chưa đủ để thắp sáng. Cuộc trăm năm cần nhiều hơn thế.

Người ta vẫn hay đi tìm những gì mình thiếu, nên có đôi khi nhầm lẫn vì vội vã. Khi đã lấp đầy những chênh lệch, người ta mới hay còn có những khoảng chênh khác không sao kê được cho bằng.

Cô mê giọng hát năm quãng tám của “nhân tố thứ 7” Vitas - chàng ca - nhạc sĩ tài hoa người Ukraina. Cô nghe những bài hát của Alexander Rybak mỗi đêm và say mê những bản xô-nát huyền thoại. Anh thì không. Cô mê mẩn theo dõi Eurovision và những chương trình thuộc dạng “đỉnh của đỉnh”. Cô sẵn sàng chi tiền cho những chiếc đĩa xịn, phát hành chính thức chứ nhất định không bao giờ mua những chiếc đĩa lậu rẻ tiền. Anh thì không.

Cô giao du với bạn bè hay bất kỳ mối quan hệ xã hội nào cũng phải có sự chọn lọc và có mục tiêu rõ ràng để không phí thời gian, tiền bạc và công sức. Anh thì không. Cô thích ngắm những cánh hoa dầu xoay trong gió khi Sài Gòn vào hạ hay tạm xa những ồn ào tấp nập, về quê anh ngắm những hàng dừa nước hay cây bình bát ven sông. Anh thì không. Cô nhạy cảm trước bất cứ một câu nói hay ánh nhìn khác lạ nào của người khác và nhận ra đâu là lúc người khác khen mình thật lòng, đâu là không thật. Anh thì không.

Tinh yeu chenh venh
Ảnh minh họa

Trước khi về cùng một nhà, cô chỉ thấy ở anh sự hấp dẫn của làn da rám nắng trông rất mạnh mẽ và nam tính, sự cần cù và chăm chỉ của một người đàn ông biết hy sinh cho gia đình, sự ít nói nhưng chất giọng trầm ấm dễ tạo sự tin cậy, sự giản dị đến tối giản trong ăn mặc khiến cô chạnh lòng thương và muốn quan tâm chăm sóc… Cô đâu biết, đó là sự khô khan mà người ta dễ nhầm tưởng là trầm tĩnh, sự xuề xòa mà người ta dễ nghĩ là đơn giản, sự khờ khạo mà người ta tưởng là hiền lành, sự phớt lờ với xung quanh mà người ta hay lầm là “lãng tử”…

Cú va chạm với cuộc sống thực khiến cô chới với. Cô nhận ra họ là hai con người thuộc về hai thế giới khác hẳn nhau và phiên bản đời thực của anh khác hoàn toàn với người mà cô “thiết kế”. Nhưng cô hiểu rõ, anh không ngụy tạo hay thay đổi, mà do chính cô chưa hiểu hết những dị biệt. Cô bảo: ai nói tình yêu không phân biệt gì cả là sai bét.

Tình yêu vẫn ở đó, nhưng nó không còn là những đón đưa hẹn hò rồi dừng lại bên ngoài cánh cổng. Nó đòi hỏi nhiều hơn khi hai người về dưới mái nhà chung, khi đó là người bạn cùng giường, người đầu tiên cô nhìn thấy mỗi sáng thức dậy và là người cuối cùng cô nhìn thấy trước khi đi vào giấc ngủ. Cô chênh vênh biết mấy khi không thể sẻ chia những rung cảm cuộc sống với người gần gũi mình nhất. Đó là khi cô nhận ra gia đình cũng như xã hội, tất có sự phân hóa. 

Hải Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI