Trong những câu chuyện lãng mạn, các nhân vật vẫn thường hỏi nhau tình yêu màu gì và người kia sẽ nói đại loại là màu xanh hy vọng, màu hồng lãng mạn... Tuy nhiên, trong đời thường, đôi khi tình yêu bền vững chẳng cần màu sắc nào, chỉ cần người này biết nghĩ về người khác.
Đó là khoảnh khắc H. - cô bạn U40 của tôi, gặp lại mùa xuân của đời mình dịp tết vừa qua. Trước đó, bạn có một chuyện tình đẹp như mơ. Chàng là du học sinh ở Pháp, nàng là nàng thơ của nhiều anh nhưng vẫn quyết chung tình với chàng. Nhưng, học xong thạc sĩ, chàng lại có nhu cầu học tiến sĩ… Thời gian không đợi ai.
Bạn nói, giờ thì bạn đã khiếp sợ tất cả mọi lời hẹn thề. Người ấy từng nói với bạn, nếu em còn chờ đợi, nhất định anh sẽ trở về. Nhưng, bao giờ về thì chàng không nói được. Đã 5-6 năm nay, năm nào ra giêng chàng cũng nói, cho anh thêm thời gian nữa. Bạn chấm dứt mối tình đầu khi đã ngoài ba mươi tuổi, sau 10 năm chờ đợi - hy vọng - thất vọng, thanh xuân một đi không trở lại.
Trước tết, tình cờ gặp H. đi ra từ quán cà phê với một cậu trai trẻ. Tôi hỏi: “Bạn này là...?”, cậu đưa tay nắm chặt tay H., còn H. thì có vẻ ngại: “Bạn mình”. Tết, khi bạn về Bắc ăn tết cùng gia đình, sáng mùng Một đã thấy có khách, chính là cậu "bạn mình" ấy.
Vị khách đến từ miền nắng, không hẹn không hò. Anh chàng tóc tai tơi tả, đứng tươi cười bên chiếc xe bết bùn đất từ Sài Gòn, vượt gần 2.000 cây số tìm ra Bắc, lý do không thể giản đơn hơn: "Vì H. thích ngắm hoa đào nên ra Bắc đưa H. đi ngắm hoa".
Bạn nói, khoảnh khắc ấy, tim bạn vỡ òa vì biết mình có thể tin tưởng người này - một người chẳng bao giờ hẹn nhưng thậm chí còn làm trước khi nói, làm bất kể điều gì nếu bạn gái mình thấy hạnh phúc. Và, bạn chọn người đàn ông đó cho đời mình.
Đó là khoảnh khắc mẹ tôi suýt chết. Mẹ bị u đường mật. Đặc trưng của bệnh này là đôi khi bất ngờ bệnh nhân bị hành hạ bởi một cơn rét mật - cơn rét không phải do thời tiết, cũng không phải do đổ mồ hôi lạnh. Đắp chục cái chăn bông, đốt luôn lò sưởi vẫn không hết rét.
Cơn rét ấy có thể biến bệnh nhân mới tươi cười, thoắt cái đã xìu đi như quả bóng hết hơi, run lên từng cơn bần bật. Người bệnh có thể kiệt sức chết trong cơn rét mật ấy. Trong một lần sức lực cạn kiệt dần vì một cơn rét mật như thế, mẹ bám tay vào tay tôi, thều thào: “Nói với bố, mẹ chết khỏe lắm”. Lúc ấy, bố đang đi làm. Tôi vừa đau lòng vừa thấy thật phi lý. Làm gì có cái chết nào gọi là chết khỏe?
Nhiều năm trước, thỉnh thoảng tôi lại hỏi mẹ: “Hồi mẹ và bố lấy nhau không có yêu nhau à?”. Mẹ ừ, thời ấy nam nữ gặp nhau, quý mến nhau ở tính thật thà, lại là đồng hương đi làm xa nhà nên thấy hợp là cưới. Vậy thôi, không yêu đương, không hẹn hò gì cả.
Những khái niệm ấy rất xa vời với những cô gái chàng trai lớn lên từ bùn đất nông thôn như bố mẹ. Lần bố tôi đi xuất khẩu lao động về, bị lừa trắng tay, ôm cục hận to đùng. Bố đá thúng đụng nia, dễ nổi giận với bất cứ điều lớn nhỏ gì khi trái ý. Bố uống rượu say bí tỉ, đốt thuốc lá mù mịt từ sáng tới tối.
Đó là những ngày căn nhà của mẹ con tôi sau 10 năm vắng bố, từ tổ ấm trở thành tổ lạnh. Tôi ấm ức nói với mẹ: “Mẹ bỏ bố đi, bố như thế, sao mẹ chịu được?”. Mẹ nói: “Bố sẽ thay đổi. Bản chất bố là người tốt”.
Quả thực, từng ngày từng ngày mẹ kiên nhẫn giúp bố dần thay đổi; nói chính xác là giúp bố tìm lại chính mình của ngày trước, là người thật thà, yêu lao động. Khi tôi đùa mẹ, người ta yêu thì mù quáng, mẹ không yêu sao có thể chấp nhận bố suốt thời gian đó? Mẹ nói, đó là vì con, vì gia đình mình.
Thực lòng, đã có thời gian dài tôi không nghĩ giữa những cặp đôi như bố mẹ mình, có điều gì đó gọi là tình yêu. Suy nghĩ đó đã thay đổi từ khi tôi nghe mẹ nói: “Nói với bố, mẹ chết khỏe” - câu nói ấy, vào thời điểm ấy, cả mẹ lẫn tôi và những người xung quanh đều nghĩ là những lời cuối cùng mẹ trăn trối.
Trong giây phút tưởng như cuối cùng ấy, điều duy nhất mẹ muốn làm, là làm sao cho bố không phải lo âu, day dứt. Chỉ có thể là tình yêu, không thể là điều gì khác, mới điều khiển được trái tim phát ra những điều ấy.
Có lần, một bạn trẻ hỏi tôi, chị có lãng mạn trong tình yêu không? Tôi nói, có chứ, cũng lãng mạn và lâm li bi đát không kém phim La la land. Phụ nữ chọn con đường văn chương, ai chẳng lãng mạn? Nhưng rồi sau khi lấy chồng, làm mẹ, sự lãng mạn đôi khi chỉ còn trong quá khứ. Tình yêu hay sự lãng mạn lúc ấy lại nhìn theo một cách khác, theo những thực tế bộn bề trong cuộc sống của mình.
Có lúc, tôi cũng như bạn - hay bất cứ người mẹ trẻ nào khác, tỉnh dậy và tự hỏi: "Ồ, cái người bên cạnh mình, chồng mình đấy, nếu không gắn kết mình và những đứa con thì còn gắn bó với nhau bao lâu?".
Đó là những buổi sáng có khi chỉ nói với nhau mấy tiếng cằn nhằn, rằng tối qua anh ngáy to làm em mất ngủ; tối qua điện thoại báo thức của em kêu to làm anh giật mình… Dĩ nhiên, những lúc như thế, phụ nữ nào chẳng khó chịu.
Nhưng, tôi không để những cảm xúc tiêu cực, những câu hỏi chẳng hay ho gì và hoàn toàn có thể phá nát buổi sáng như thế ở lại với mình lâu, khi tôi nghĩ đến anh lúc chăm vợ… đẻ.
Đó là lúc anh cuống quýt gọi nhầm tên con, thay vì Đốm thì gọi nhầm là Cún, rồi cười hề hề, tại mới làm bố nên… chưa quen tên. Là khi anh lóng ngóng tập tắm cho con những ngày đầu tiên...
Nhiều lần đi thăm bạn sinh con, tôi vẫn gặp những ông bố trẻ ngồi một xó ngoài hành lang ăn vội bữa cơm, chắc chẳng hề biết ngon hay dở vì lòng dạ đã đặt hết vào trong kia, nơi vợ mới tặng mình một thiên thần. Vẻ mặt của những anh chồng trong cảnh ấy mỏi mệt ư?
Tất nhiên! Nhưng cái vẻ hoan ca rạo rực hiển hiện như lấn át hết mọi sự mỏi mệt. Những điều đó, với tôi, là tình yêu.
Võ Thu Hương