Tình yêu biển đảo trong cô sẽ được nhân lên nơi các cháu

19/08/2024 - 06:25

PNO - “Trường Sa có điều thật kỳ diệu. Nơi đảo xa là thế, khó khăn là thế, nhưng vẫn có tiếng trẻ thơ hò reo nơi sân trường, tiếng giảng bài của thầy và học bài của trò hòa trong tiếng sóng…”.

Mang yêu thương đến đảo xa

Dòng nhật ký với những hình ảnh, âm thanh từ đảo xa hiện lên thật sống động trong tâm trí của cô giáo Nguyễn Thị Duyên Hồng - Hiệu trưởng Trường mầm non Bông Sen (phường 16, quận 8, TPHCM). Với cô, hải trình về với Trường Sa đúng dịp 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua là hành trình ý nghĩa và đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Nói như vậy bởi, ước mơ một lần được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng ấy được cô ấp ủ rất nhiều năm mới thực hiện được. Ước mơ đó không phải tự nhiên mà có, mà là “Tình yêu biển đảo trong tôi bắt đầu từ trong gia đình. Tôi có người bác là quân nhân đang công tác ở Côn Đảo nên thường xuyên ra Côn Đảo. Được vào doanh trại quân đội và trò chuyện với các anh bộ đội nên tôi biết rõ về cuộc sống chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn của biển đảo và trăn trở nhiều hơn. Thêm nữa, những ca từ bài hát “Mang cánh thư về từ đảo xa” thực sự chạm đến trái tim chúng ta về công việc của một người lính đảo” - cô Duyên Hồng giãi bày.

Cô trò Trường mầm non Bông Sen và những quyển sách vải tặng học sinh trên đảo Trường Sa
Cô trò Trường mầm non Bông Sen và những quyển sách vải tặng học sinh trên đảo Trường Sa

Ngoài ra, trong 5 năm qua, với vai trò Đại đội trưởng đội nữ tự vệ của ngành giáo dục quận 8, cô Duyên Hồng thường được tiếp xúc, nghe các cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh TPHCM kể chuyện sau những chuyến thăm Trường Sa trở về. Mỗi lần như vậy, cô lại thêm khát khao, ấp ủ ước mơ một ngày được ra đảo.

Mấy năm qua, những chuyến ra đảo của cán bộ, chiến sĩ TPHCM đều mang theo yêu thương của cô Duyên Hồng. Đó là những bộ máy vi tính, máy in tặng cán bộ, chiến sĩ; những bộ đồ chơi ngoài trời, đồ chơi lắp ráp, sách vở tặng học sinh. Năm nay, 2024, là tấm gương tiêu biểu trong công tác an ninh quốc phòng toàn dân, cô Duyên Hồng được Bộ Tư lệnh TPHCM chọn làm đại biểu trong chuyến thăm Trường Sa.

Cùng với 15 bộ máy vi tính, 10 bộ máy in, 30 hộp mực in, hơn 350 thẻ cào điện thoại, gấu bông và hàng chục hộp bút sáp màu, hành trình đến với Trường Sa của cô Duyên Hồng còn có thêm 1 chiếc túi xách lúc nào cũng kè kè bên người. Trong túi là kẹp tóc, ống bơm và đủ loại bong bóng. Những đứa trẻ ở đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa cứ đi kiếm cô Duyên Hồng vì bên cô, lúc nào cũng có nhiều trò vui. Không chỉ tạo hình bong bóng, tết tóc cho các con, cô Duyên Hồng còn cùng các con ca hát, kể chuyện, đọc những quyển sách vải được bạn bè từ đất liền gửi tặng.

Chỉ cần các con biết “đảo này là của ta”

“Dạ chúng con chưa đến đảo Trường Sa. Nhưng cô hiệu trưởng của chúng con đi rồi” - trẻ mẫu giáo Trường mầm non Bông Sen cho biết. Không biết từ bao giờ, Trường Sa đã trở thành một địa danh thân thương trong cảm nhận của bọn trẻ. Từ năm học 2022-2023, cô Duyên Hồng đã thực hiện chuỗi hoạt động hưởng ứng phong trào “Trường Sa xanh”, “Vì tuyến đầu Tổ quốc, vì Trường Sa thân yêu”, “Gửi hạt giống tặng Trường Sa”…

Tham gia hoạt động, trẻ đã thu gom 10kg chai nhựa để tái chế hơn 60 sản phẩm và cùng nhau trồng 68 cây xanh. Phụ huynh cũng tích cực tham gia, thu gom những hạt giống từ những cây xanh trẻ trồng. Sau đó, trường đã gửi 100 túi hạt giống các loại đến Trường Sa, qua đó, nhen nhóm, giáo dục trẻ lòng yêu quê hương, đất nước, tình yêu biển đảo.

Cô Duyên Hồng cho biết, để có chừng ấy món quà, cô đã phát động phong trào nuôi heo đất “Vì Trường Sa thân yêu”. Trong thư ngỏ gửi đến phụ huynh, học sinh, cô cho biết sẽ rất ý nghĩa nếu những quyển sách còn mới nhưng trẻ không đọc nữa, hay những món đồ chơi còn đẹp nhưng trẻ không còn sử dụng… được gửi tặng cho những bạn học sinh còn thiếu thốn ở quần đảo Trường Sa.

Đồng hành cùng cô hiệu trưởng, giáo viên và học sinh Trường mầm non Bông Sen đã cùng nhau làm mô hình xe tăng, chú bộ đội từ phế liệu để chuyển ra đảo tặng các bạn nhỏ. Hàng trăm quyển sách vải cũng được gửi ra đảo xa nhờ sự góp sức của những bàn tay nhỏ nhắn.

Bước chậm rãi dọc hành lang các dãy phòng học, nghe tiếng trẻ ê a, cô Duyên Hồng tâm sự: “Từ đảo về, tôi cảm nhận rằng, được sống, làm việc trong môi trường như thế này là điều vô cùng hạnh phúc. Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, mọi nhu cầu đều được đáp ứng. Trong khi các chiến sĩ và bà con mình ở ngoài đó chỉ có trời và biển. Sóng điện thoại được dùng rất hạn chế. Do vậy, hễ có cơ hội là tôi kể cho các cô giáo và các con nghe. Mọi người thêm một lần thấm tình yêu quê hương, biển đảo”.

Vun đắp và lan tỏa tình yêu biển đảo ngày càng sâu đậm trong học sinh là kế hoạch của cô Duyên Hồng trong năm học mới. Cụ thể, Trường mầm non Bông Sen sẽ đưa vào giảng dạy những hoạt động vui chơi ngoài trời, những tiết giáo dục kỹ năng gắn với tình yêu quê hương đất nước, biển đảo để trẻ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn.

“Ở tuổi các con, mình không yêu cầu nhiều, chỉ cần con biết “biển này là của ta, đảo này là của ta” và ở đó có các chú bộ đội ngày đêm ôm súng canh giữ là được rồi. Dần dần, các con sẽ được tiếp cận bản đồ, định vị biển đảo nằm ở đâu trên dải đất hình chữ S. Từ cái biết ban đầu, con sẽ thấm từ từ” - cô Duyên Hồng chia sẻ.

Trong khuôn viên Trường mầm non Bông Sen, có một cây bàng vuông cao lớn đang nở hoa. Cô Duyên Hồng kể, biết cô yêu Trường Sa, nên cách đây 4 năm, vị Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận 8 đã mang cây bàng từ đảo về tặng trường. Và mới đây, sau đợt cô đi Trường Sa về, trên sân trường lại có thêm 2 cây bàng vuông do các chiến sĩ Trường Sa gửi tặng. Với cô Duyên Hồng, sự hiện diện của loài cây này giữa sân trường như một trang sách trong quyển sách giáo dục tình yêu biển đảo.

Cô Duyên Hồng bên cây bàng vuông được chiến sĩ, nhân dân Trường Sa gửi tặng  trong chuyến ra thăm đảo nhân dịp 30/4 vừa qua
Cô Duyên Hồng bên cây bàng vuông được chiến sĩ, nhân dân Trường Sa gửi tặng trong chuyến ra thăm đảo nhân dịp 30/4 vừa qua

Vai nào cũng tròn

Đến nay, cô Duyên Hồng đã có 15 năm làm hiệu trưởng. Từ năm 2009, cô làm Hiệu trưởng Trường mầm non 19/5 và năm 2020 thì về làm Hiệu trưởng Trường mầm non Bông Sen. Trong 4 năm qua, cô từng bước xây dựng ngôi trường thành trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2. Đây là ngôi trường mầm non thứ hai tại quận 8 đạt chứng nhận này. Năm nay là năm thứ năm liên tiếp Trường mầm non Bông Sen nhận cờ thi đua và bằng khen của thành phố. 2 năm qua, trường cũng liên tục nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD-ĐT.

Bà Bùi Thị Kim Hường - Chủ tịch Hội LHPN phường 16, quận 8 - nhận định, không chỉ giỏi chuyên môn, mà trong các hoạt động cộng đồng, cô Duyên Hồng đã đóng rất nhiều vai, vai nào cô cũng hoàn thành xuất sắc. Với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN phường 16, nhiệm kỳ 2021-2026, cô đóng góp rất nhiều trong việc vận động chăm lo cho phụ nữ khó khăn và hỗ trợ hằng tháng cho 2 trẻ mồ côi.

“Tôi là người thực sự bận rộn. Và tôi may mắn có được sự hỗ trợ, ủng hộ của một tập thể đoàn kết và yêu thương” - cô Duyên Hồng nói. Cô kể, ngoài công việc ở trường và ngoài xã hội, thì ở nhà, cô đảm trách việc chăm sóc mẹ già đã 96 tuổi và người chị bệnh Down.

Không có người giúp việc, nên mỗi ngày cô dậy từ 4g30 để lau dọn nhà cửa, đi chợ lo bữa sáng cho mẹ và chị trước khi đến trường. Không có thời gian đến các phòng tập thể thao, cô lấy việc tự dọn dẹp nhà cửa và di chuyển liên tục ở các dãy phòng học để giữ gìn sức khỏe.

Còn với những hoạt động thiện nguyện không mệt mỏi, cô khẳng định: “Vợ chồng tôi thống nhất, nếu làm được 10 đồng, sẽ ăn 5 đồng, 2 đồng để dành và 3 đồng giúp những người cần. Với những hoạt động mong muốn tạo sự lan tỏa, tôi không làm một mình mà vận động, kêu gọi mọi người cùng làm”.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI