Tình yêu bắt đầu từ nỗi nhớ…

09/02/2017 - 06:30

PNO - Và chỉ là nỗi nhớ thôi mà, sao đủ khiến lòng những bà mẹ tưởng đã có lúc chai cứng bởi quẩn quanh cơm áo gạo tiền, bỗng một ngày kia thấy ngậm ngùi đến thế.

1. Mẹ tôi là người thích ca hát. Bà có thể hát bất cứ lúc nào, nhất là khi chăm cu Đốm, mẹ thường xuyên ca hát hơn cả.

Tinh yeu bat dau tu noi nho…
 

Cu Đốm là cậu nhóc tăng động, chậm nói, khó ngủ. Mỗi khi khó ngủ, cu cậu nhất định không để ai yên. Lúc ấy, bà chỉ cần đưa tay xoa xoa lưng, hát nhè nhẹ “Con thương ơi, con quý ơi, nhà trẻ đó con nằm con chơi”, hoặc “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng, thuyền anh ra khơi có ngại chi mưa nắng ơi hò…”. Bà hát dăm ba bài, cu cậu sẽ nín ngoan và dần đi vào giấc ngủ.

Bà ngoại mất đã gần hai năm. Cu Đốm lớn hơn, bớt nhiều hành vi tăng động hơn, cũng không còn khó ngủ phải chờ bà hát hò mỗi tối như trước. Bất ngờ ngày kia, khi cu cậu đã biết nói nhiều hơn, tôi và chồng nghe cậu ngồi hát khi đang xếp máy bay: “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng, thuyền anh ra khơi có ngại chi mưa nắng ơi hò…”.

Bài hát cũ của bà ngoại vẫn hay hát cho cháu ngủ. Những khúc hát ấy, trước đây chỉ nghĩ đơn giản là bà hát ru cháu ngủ thôi, không ngờ ngày kia đứa cháu tồ tẹt ngồi hát lại đầy phấn chấn với lời ca còn ngọng nghịu.

Lâu lâu đi học thêm về muộn, Đốm nhìn thấy trăng treo cao cao, ê a hát: “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to…”, cũng là một bài bà ngoại hát cho cháu nghe ngày cu cậu còn chưa biết nói. Có vậy thôi mà cũng khiến mẹ cu cậu thấy lòng chung chiêng nỗi nhớ bà, thấy mình bớt cô độc hơn khi có một cậu nhóc cùng chia sẻ nỗi nhớ ấy. Có những nỗi nhớ đi vào tiềm thức, lớn lên theo trí nhớ của một đứa nhỏ mà khiến người lớn thấy xúc động quá thể.

2. Cô bạn cuối tuần đưa con về quê nội. Cu con chưa tới bốn tuổi, đi ngang sân bóng vẫn nhắc: “Mẹ ơi, hồi trước ông đưa con ra đây chơi đá bóng”. Mẹ cũng nhớ như in, ngày còn mạnh khỏe, ông nội từng rủ cu cậu đi đá bóng, khi bước chân của cậu nhóc hãy còn lẫm chẫm.

Sau khi đá bóng, chừng như đói bụng, ông và cháu còn mang bắp nướng, khoai nướng ra ăn. Chẳng ai nghĩ đó là kỷ niệm đẹp đã in thành nỗi nhớ trong nếp nghĩ non nớt của một đứa trẻ. Khi nghe con trai nhắc, bạn tin con đã biết nhớ biết thương những kỷ niệm gia đình thiêng liêng đầu tiên.

Trong album gia đình, cậu nhóc vẫn thường nhìn ngắm những tấm hình ông bà rất lâu và thi thoảng bần thần, nói: “Lúc nào mẹ mua vé máy bay cho con ra thăm ông bà nhen, con nhớ lắm”.

Bạn còn kể vui chuyện, đôi khi ông nội ăn cơm, ăn cháo gì đó, vừa ăn xong một lúc nghe con cháu mời lại hỏi “Vậy chớ tao ăn chưa?”. Đám con cháu phì cười, mở cho ông xem hình trong điện thoại, chụp ông vừa ăn xong. Ông cười cười nói: “Ờ há, ăn rồi mà quên, thôi không ăn nữa”, nghe thương ơi là thương.

Ông nội giờ nhớ nhớ quên quên lẫn lộn như thế, nhưng nhớ rất rõ thằng cháu bé xíu ít gặp. Ông sẽ nói chính xác tháng nào nó về thăm ông, nó cao đến đâu rồi, giọng nó ngọng như thế nào. Ngược lại thằng cháu cũng nhắc đi nhắc lại hoài nơi ông nội dẫn đi như những kỷ niệm lung linh, đẹp đẽ.

3. Cô con gái ba tuổi của tôi mỗi lần đi đâu xa lại nằn nì mẹ gọi điện thoại cho bố. Có khi, xe vừa rời thành phố vài chục cây số, con nằng nặc gọi bố rồi chỉ nói một câu: “Bố ơi, con nhớ bố” và rấm rứt khóc. Đó là nỗi nhớ trong veo và tinh khôi đầu tiên của con gái. Nó làm mẹ ngồi bên cạnh vừa mủi lòng vừa phì cười khi chứng kiến những giọt nước mắt thông thường chỉ dùng… khi ăn vạ, giờ biết biểu hiện cho nỗi nhớ. Còn bố nó, đầu dây bên kia, giọng ấm áp: “Bố cũng nhớ con lắm”. Tôi có chút thắc mắc là cả mười năm bên nhau, chưa bao giờ được nghe anh ấy nói nhớ mình câu nào. Phút giây ấy, tôi nghĩ không chừng tim anh cũng tan chảy vì con gái chứ chẳng đùa.

Tôi không thích và không đồng ý với quan niệm mà nhiều bà mẹ trẻ cổ xúy: “Con gái là người tình kiếp trước của bố”. Nhưng khi chứng kiến “người ta” có thể khóc òa vì nhớ bố khi đi xa vài chục phút, thú thực tôi thấy điều ấy tựa một tình yêu thương ngọt ngào khó tả.

Vì con gái, những người cha có thể làm điều “không giống ai”. Chẳng hạn như, cầu thủ nổi tiếng David Beckham sẵn sàng để con gái cột nơ lên đầu. Có người cha như chú hàng xóm nhà tôi thì ngồi im cho con gái sơn móng tay đỏ chét. Còn bố của con gái tôi - chẳng đếm được đã làm bao nhiêu điều như vậy.

Gần đây nhất là chiều thứ Bảy đi bơi, anh gần như chẳng bơi được bình thường vì mải lặn hụp khi con gái cứ thích chí reo hò: “Bố ơi, bố làm con cá đi, con cá phải hụp xuống nước chứ”. Khi “người ta” có thể cưng chiều nhau cỡ vậy thì nỗi nhớ thường trực trong lòng nhau cũng là lẽ thường tình.

Trong khi đó, con gái của chị bạn tôi đi học lớp 1 vài ngày về khoe mẹ tờ giấy nhỏ, đi học thật thích mẹ ạ. Khi nhớ mẹ, con không còn ngồi khóc như ở lớp mẫu giáo nữa, mà con làm thế này này… Chao ôi, trong mảnh giấy nhỏ ấy là “Mẹ con nhớ mẹ”. Chỉ vài chữ thôi mà cũng sai chính tả, bôi xóa nhàu nhĩ mới tài. Con nói, con viết lâu lắm mới được chừng đó.

Viết xong thì con hết nhớ mẹ ngay mà chỉ đợi để chiều về đưa mẹ xem. Cô nhỏ ấy từng có lúc làm dăm bảy bạn trong lớp mẫu giáo cùng ngồi khóc òa vì khi bỗng dưng đang ngồi học lại quay ra khóc nức nở. Cô giáo tìm hiểu nguyên nhân thì bạn nói: “Con khóc vì con nhớ mẹ”.

Đôi khi tôi vẫn nghĩ, quả thực những em bé luôn là thiên thần chúa trời tặng cho trái đất. Và chỉ là nỗi nhớ thôi mà, sao đủ khiến lòng những bà mẹ tưởng đã có lúc chai cứng bởi quẩn quanh cơm áo gạo tiền, bỗng một ngày kia thấy ngậm ngùi đến thế.

Có những tình yêu ban sơ được bắt đầu từ nỗi nhớ, cứ nhẹ nhàng và đằm thắm như thế…

Khôi Nguyên Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI