Tính tự lập ở trẻ Tây và trẻ Việt

08/04/2016 - 11:31

PNO - Với hai nền giáo dục, trẻ Tây và trẻ Việt có sự khác biệt rõ rệt. Riêng về tính tự lập, khi trẻ còn nhỏ nên hay không nên được dạy?

Phương Tây rất coi trọng tính tự lập của trẻ. Ở Mỹ người ta bắt đầu dạy trẻ tính tự lập từ một tuổi rưỡi, cho trẻ bắt đầu tự làm những việc nhỏ, hình thành kỹ năng tự phục vụ như: buộc dây giầy, mặc quần áo, cài cúc áo, rửa mặt, đánh răng, chải đầu, ăn cơm...

Tinh tu lap o tre Tay va tre Viet
Trẻ em Tây được dạy cách tự đánh răng từ khi còn nhỏ. (Ảnh: Internet).

Đối với người Úc cũng vậy, trẻ em được rèn luyện thói quen tự lập ngay từ khi mới sinh: các bà mẹ rất ít khi ôm ấp ngủ chung với con mà để con ngủ riêng trong nôi.

Một tuổi, trẻ đã được mẹ dạy cách tự dùng thìa xúc thức ăn. Ban đầu thức ăn sẽ bị vương vãi ra ngoài và dính đầy miệng bé, sau dần sẽ thay đổi. Đến lớp mẫu giáo, các cô cũng để trẻ tự dùng tay bốc thức ăn.

Lên ba, các bé sẽ được dạy cách tự đi vệ sinh, tự mặc và cởi quần áo, tự đi giày và tự giác lên giường ngủ vào buổi trưa. Lớn thêm một chút, trẻ phải tự mang vác đồ của mình. Đồ dùng sẽ được để trong một chiếc cặp nhỏ nhẹ vừa đủ nhằm hình thành thói quen.

Tinh tu lap o tre Tay va tre Viet
Trẻ em Tây được dạy cách tự mặc quần áo, giày dép. (Ảnh: Internet).

Khi được hỏi: "Bạn nghĩ gì về cách dạy con tự lập từ khi còn nhỏ của mẹ Tây?", mẹ Việt chia sẻ:

Chị Phạm Thị Tuyết (27 tuổi, Hà Nội): "Trẻ mới sinh sức đề kháng yếu rất dễ mắc bệnh nên lúc nào mình cũng bế bé và ôm bé ngủ cùng để tiện chăm sóc. Mình không rời bé trong 3 tháng đầu ở cữ. Không ra ngoài và chỉ ở nhà bế bé".

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (26 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Bé nhà mình mới 2 tuổi và rất biếng ăn. Mỗi bữa ăn phải dỗ, nịnh nọt đủ kiểu, thậm chí là quát mắng, đe dọa... làm đủ mọi cách để ép bé ăn hết bát cơm. Bữa nào không ăn cơm thì cũng phải ăn cháo, đủ 3 bữa một ngày. Không để bỏ mặc được vì chúng sẽ không chịu ăn. Mình thường tự đút cơm cho bé và rất ít khi để bé tự xúc ăn.

Chị Vũ Thị Ngọc (21 tuổi, Hà Nội) nói: "Bé nhà mình 3 tuổi, từ khi cháu đi học mẫu giáo thì cũng tự biết đi vệ sinh nhưng khi về nhà, mình vẫn cho bé đi. Quần áo thì chúng còn nhỏ sao đã tự mặc được. Trời lạnh mình còn phải ép con, mặc thêm áo cho bé không rất dễ mắc bệnh. Phải nịnh nọt, nhiều lúc phải quát mắng nó mới để yên cho mình mặc áo cho".

Tinh tu lap o tre Tay va tre Viet
 Mẹ Việt chăm sóc con từng li từng tí (Ảnh: Internet).

Thực tế thói quen cũng như nhận thức đã ăn sâu của mẹ Việt hoàn toàn khác trong cách nuôi dạy con. Đối với mẹ Việt, con bao nhiêu tuổi cũng vẫn còn bé dại, cần được mẹ chăm sóc.

Khi thấy con làm việc vất vả, khó khăn, mẹ xót con, khuyên con nên tìm việc gì khác tốt hơn, nếu không có thì về với mẹ, mẹ nuôi, nhà mình cũng không đến nỗi túng thiếu mà con phải vất vả như vậy... Trong khi đó, người Tây để mặc, "vứt" con họ ra ngoài đời quăng quật với sóng gió thử thách để trưởng thành.

PGS. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng (giảng viên bộ môn Tâm lý học lâm sàng, Khoa Tâm lý, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Việt Nam) nhận định: "Cha mẹ Việt Nam ngày càng có xu hướng bao bọc con quá. Cách giáo dục con như vậy là không đúng.

Điều này có nguyên nhân từ sự thiếu hụt kiến thức hoặc quan niệm sai lầm về giáo dục trẻ em của cha mẹ. Cha mẹ thường làm theo kinh nghiệm và thói quen (đã được lập nhiễm từ thế hệ trước, có nghĩa là dạy con theo cách mà mình đã được dạy)".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI