Tình trong ngôi nhà cổ

23/02/2021 - 05:59

PNO - Nhiều đêm nhớ ngôi nhà cha ông mình từng sống, cháu chắt mình lớn lên… chị đã bật khóc với ý nghĩ không có ai nhang khói bàn thờ tổ tiên…

Vợ chồng anh chị Lê Bá Thông và Cao Thị Kim Dung ở đường Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM sở hữu căn nhà cổ tuyệt đẹp. Từ bộ bàn thờ gia tiên đến bộ sa-lông gỗ, tủ, ghế, cột kèo… đều có tuổi đời hơn 70 năm.

Anh chị học chung Trường THPT Lê Hồng Phong, là đôi bạn cùng tiến từ những năm 1980 với nhiều thành tích học tập. Chín năm sau khi chị Dung tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM và anh Thông tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, hai anh chị mới về chung nhà.

Kết hôn đã hơn 30 năm, anh chị vẫn luôn là cặp đôi hạnh phúc trong mắt bạn bè và người thân. Mặc dù làm ở hai lĩnh vực khác nhau (chị bên ngân hàng, anh làm thiết kế trang trí nội thất), nhưng họ có nhiều sở thích giống nhau, từ du lịch, ca hát, sinh hoạt cộng đồng gặp gỡ bạn bè… 

Chị Kim Dung ngồi chơi đàn trong gian nhà xưa
Chị Kim Dung ngồi chơi đàn trong gian nhà xưa

Cả hai đều yêu nghệ thuật. Anh Thông đàn guitar rất giỏi, chị Dung có thể chơi nhiều nhạc cụ như piano, đàn tranh. Anh chị giỏi đàn hát, dẫn chương trình, nên mỗi khi bạn bè người thân tổ chức sinh nhật, đám cưới, họ thường mời anh chị góp vui. Những tiết mục văn nghệ được anh chị đầu tư luyện tập và dàn dựng công phu nên rất chuyên nghiệp. Cuộc sống của anh chị luôn tràn đầy năng lượng tích cực trong tình yêu, công việc, âm nhạc và các mối quan hệ. 

Chị Dung chia sẻ, anh chị hiếm khi nào giận nhau, chỉ cần nhìn nhau là đã hiểu người kia muốn gì. Anh Thông vốn cầu toàn nên mọi việc chị đều tin tưởng và hỏi ý kiến của anh. Đã hơn 30 năm sống bên nhau, sánh đôi trong mọi cuộc vui của bạn bè, người thân, chưa khi nào anh chị cảm thấy nhàm chán hay cần tự do. Bí quyết hạnh phúc của anh chị chính là sự tin tưởng và ngưỡng mộ nhau, từ đó dẫn đến sự tôn trọng và trao tự do cho bạn đời.

Có dịp đến nhà anh Thông và chị Dung, nhiều người bất ngờ khi thấy những kỷ vật trong ngôi nhà cổ được vợ chồng anh chị lưu giữ và sử dụng. Mọi thứ từ trong nhà ra ngoài ngõ được bài trí hài hòa và giữ lại không gian như cách nay 70 năm, khi ba mẹ anh còn sống. 

Chị Dung cho biết, mẹ chồng chị kể hồi mua căn nhà khi chồng chị chưa ra đời, nhà rộng ba gian, diện tích 150 mét vuông với khoảng sân trước sau thông thoáng, ai đến cũng khen đẹp và mát. Chị đã gắn bó với ngôi nhà hơn ba thập niên, kể từ ngày về làm dâu. Anh Thông là dân thiết kế nội thất, nên trải qua ba lần trùng tu, cải tạo căn nhà vẫn giữ được nguyên tinh thần kiến trúc Nam bộ xưa. Kết cấu nhà không hề thay đổi, anh chỉ sơn sửa lại những chỗ mối mọt hay lắp lại bản lề cửa. Bàn thờ gia tiên bao nhiêu năm qua vẫn thế, là nơi gìn giữ gia phong, nơi thờ phụng ông bà, nơi giỗ chạp, lễ tết con cháu về thắp nhang, quây quần bên nhau nhắc những kỷ niệm xưa.

Trong nhà, bộ sa-lông gỗ mấy chục năm qua vẫn nằm nguyên như vậy. Vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi, anh chị nhâm nhi trà, chồng đàn vợ hát cho nhau nghe. Anh chị cũng thường ngồi ở đây nhìn ra vườn, nghe tiếng chim, đọc sách hay thiền.

Bạn bè của anh chị đến nhà chơi rất thích bộ bàn ghế chạm trổ tinh xảo này. Bên trong chiếc tủ kiếng đẹp đẽ là những đồ dùng, kỷ vật quý báu của ba mẹ. Lâu lâu có khách quý anh chị mới mang ra dùng.

Anh Thông cho biết: “Vợ chồng tôi đã sống ở đây, con cái ra đời ở đây, bao nhiêu kỷ niệm gắn bó. Chúng tôi từng mua một căn nhà rộng rãi, hiện đại tiện nghi hơn, rồi chuyển về đó ở một thời gian ngắn. Chẳng hiểu sao sống trong nhà mới, tâm hồn chúng tôi vẫn hướng về mái nhà cũ. Vợ tôi nhiều đêm nhớ đến ngôi nhà cha ông mình từng sống, cháu chắt mình lớn lên… đã bật khóc với ý nghĩ không có ai nhang khói cho bàn thờ tổ tiên… Thế là chúng tôi về lại nhà cũ và quyết định sẽ sống ở đây đến hết cuộc đời này. Không đi đâu nữa”.

Vợ chồng anh Lê Bá Thông - chị Cao Thị Kim Dung và bộ bàn ghế cổ
Vợ chồng anh Lê Bá Thông - chị Cao Thị Kim Dung và bộ bàn ghế cổ

Giáp tết, anh chị lại tất bật để trang trí nhà bằng những chậu thiên điểu, cúc vàng, hoa pháo… Năm nào con cháu các thế hệ trong nhà cũng về sân nhà ông bà gói bánh chưng, vừa để vui và để có dịp nuôi dưỡng ký ức xưa, thắp nhang cho tổ tiên và chúc tết, nhận lì xì…

Tết đến cũng là dịp để anh chị mời những người bạn thân đến nhà ăn món quê, đàn hát nhau nghe những bản tình ca mùa xuân, cầu chúc một năm thật nhiều hạnh phúc. 

Đoàn Xuân 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI