edf40wrjww2tblPage:Content
Vợ chồng chị Võ Thị Ánh Hoa cùng những quyển sổ khám chữa bệnh, hình ảnh thương tích từ trận hỏa hoạn
Chuyện cũ còn mãi xót xa
“Nỗi bức xúc của tui còn lớn hơn bả. Bả giờ sống rảnh rang, sung sướng, còn tui phải ôm đống nợ nần. Có ai hiểu cho tui không? Tội đốt nhà, cố sát của bả là nặng hay nhẹ? Mấy mẹ con tui sém chết vì tay bả. Giờ tui cứ phải hồi hộp theo dõi coi bả có về đốt nhà nữa không. Ngày bả đốt nhà, ra đi, trong bụng bả còn tô bún tui nấu. Tui đã bỏ qua, tha thứ mà sao bả cứ theo phá rối hoài”.
Nhìn quanh, thấy có đến mười người con của chị Hoa đang chen chúc trên tầng lửng căn nhà, tôi sợ họ nghe phải câu nói lỡ lời của chị, sẽ có những tác động không hay. Kéo đứa con gái trạc mười tuổi đến, chỉ vào cái chân teo năm nào cũng phải phẫu thuật, chị minh chứng cho tội ác phóng hỏa của bà Nguyệt, ngầm biện hộ cho lời lẽ và thái độ của mình đối với mẹ là không hề quá đáng.
Chuyện phóng hỏa vào rạng sáng 4/3/2013 là hành động nông nổi ở thời khắc lâm vào bước đường cùng của bà Ánh Nguyệt. “Nhà mình mà mình không được ở thì… đốt!”. Bà trình bày, năm 2010, bà đang ở yên lành trong căn nhà, đường liên khu 1-6, P.Bình Trị Đông, có phòng cho thuê để trang trải cuộc sống thì chị Hoa đưa cả gia đình về, hứa sẽ chăm sóc cho bà suốt đời.
Thời gian sau, chị than không có tiền nuôi đàn con, nên ngọt nhạt năn nỉ bà giúp đỡ cho mượn sổ hồng, thế chấp vay ngân hàng 50 triệu đồng để làm vốn buôn bán. Càng ngày, chị Hoa càng mắng chửi, ngược đãi, bà không muốn tiếp tục sống chung nên đề nghị chị Hoa dọn đi, để bà bán nhà chia cho các con. Chị Hoa “ngửa bài” khẳng định căn nhà là của mình, vì thế không bán, không chia cho ai hết. Nhờ người tìm hiểu, bà Nguyệt bàng hoàng biết được văn bản trước đây bà ký không phải là ủy quyền để chị Hoa vay ngân hàng mà chính là hợp đồng tặng nhà cho chị Hoa.
Giữa năm 2010, UBND Q.Bình Tân đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất đối với căn nhà này cho chị Hoa. Kể lại chuyện đã xảy ra, nước mắt bà ràn rụa: “Giờ nghĩ lại tui mới thấy rõ nó đã có âm mưu đoạt nhà từ trước. Nó sai con chở đi lòng vòng để tui không nhớ đường đến phòng công chứng, lợi dụng tui ít hiểu biết, không đọc chữ được, nó lừa tôi ký. Tức giận con đã chiếm nhà mà còn không lo cho tui, chửi mắng tui, nên tôi đốt chiếc xe để dọa, không ngờ cháy lan”.
Với tội danh “hủy hoại tài sản”, bà Nguyệt bị xử phạt hai năm tù, cho hưởng án treo. Cuộc sống thiếu thốn, nhọc nhằn khiến bà càng khắc sâu oán hận, càng nung nấu quyết tâm đòi lại căn nhà. Bà nhịn ăn, nhịn mặc, không dám chữa bệnh bướu cổ, đau khớp… dành tiền thuê người thảo đơn, thuê xe ôm chở đi nộp. Có người còn thấy bà treo trước ngực dòng chữ rùng rợn “nếu không lấy lại được căn nhà, sẽ tẩm xăng tự thiêu”. Ở tuổi 75, bà bắt đầu “cuộc chiến mới”, đau đớn thay, lại với con gái đầu lòng của mình.
Bà Ánh Nguyệt tức tưởi khóc khi nhắc đến căn nhà từng là của mình
Khát khao vòng tay mẫu tử
Ngồi chờ hàng giờ vẫn không thấy con đến hòa giải theo triệu tập của Hội Phụ nữ P.Bình Trị Đông, hy vọng cuối cùng tắt ngóm, bà trào nước mắt, lảo đảo dắt xe đạp ra về. Trước câu hỏi “Tại sao chị không đến hòa giải để nghe nguyện vọng của mẹ?”, chị Hoa đáp gọn lỏn: “Tui với bả xung khắc, không có gì để nói, không còn liên quan gì”. Ngay cả khi nghe thông tin bà Nguyệt muốn tìm đến cái chết, chị Hoa vẫn không thể hiện chút bận tâm, lo lắng. Chồng chị bồi thêm: “Bả giở yêu sách vậy chứ không dám làm đâu!”.
Trước những câu hỏi xoáy vào bối cảnh, tình huống đưa đến việc bà Nguyệt chấp nhận cùng ra phòng công chứng ký giấy ủy quyền, chị Hoa xua tay: “Đừng nói chuyện tặng cho nữa. Chuyện đó đã rõ ràng rồi. Bả tự nguyện vui vẻ đi chứ có ai ép buộc đâu. Cũng đâu ai dụ dỗ bả, tui giúp bả còn không hết… Vợ chồng tui có nhà chứ chẳng phải không, tại bả kêu về ở cùng để lo cho bả. Giờ nói chuyện hiện tại đi! Tôi chỉ có hai điều để chuyển đến bả là nếu bả vô viện điều dưỡng, tôi sẽ đóng tiền hàng tháng và khi có người báo bả chết, tôi sẽ lo tang ma”.
Theo vợ chồng chị Hoa, căn nguyên của việc tặng cho này là trước đây, anh chị đã bỏ tiền lo cho mẹ ăn uống, trị bệnh, tu sửa nhà và cả trả nợ đề đóm. Với người ngoài, bà Nguyệt đã nói trắng thành đen, gian trá, vu khống cho con mình.
Tìm hiểu qua những anh em, những người thân thuộc của bà Nguyệt, họ đều khẳng định tuy bà không giỏi tích cóp, nhưng không bao giờ tham gia trò đỏ đen để gây nợ nần như con gái, con rể bà nói. Ông Tăng Văn Thanh (em cùng mẹ khác cha với bà Nguyệt, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói: “Chuyện cháu Hoa có ngược đãi mẹ không thì chúng tôi không rõ do không ở gần, nhưng chuyện lợi dụng bà Nguyệt ít học để lấy nhà thì chúng tôi không thấy lạ vì ở nhờ rồi dần chuyển tên sổ hồng nhà là “kịch bản” mà trước đây vợ chồng Hoa đã từng áp dụng…”.
Là người cưu mang bà Nguyệt, bà Trần Thị Ngọc Hạnh (chị họ của bà Nguyệt, ngụ P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM) nói: “Bà Nguyệt làm thế chỉ vì quá bức xúc, tinh thần hoảng loạn chứ không cố ý làm hại ai. Tôi mong các cháu trả lại sự công bằng cho mẹ, giải tỏa nỗi niềm của bà, phụng dưỡng mẹ trong tuổi già bệnh tật”. Bà Hạnh cũng không cho chị Hoa là “người máu lạnh” vì chị vẫn có chút tình thương với mẹ. Chị từng đến nhà bà Hạnh rước mẹ, năn nỉ về nhà; đến thăm và đóng tiền viện phí cho mẹ khi bị cấp cứu vì xuất huyết bao tử…
Chia sẻ của bà Hạnh khiến tôi liên tưởng ngay đến lời bộc bạch của chị Hoa rằng, khi bà Nguyệt đến nhà xin tiền, các con của chị lớn tiếng đuổi xua, đẩy ra đường, còn chị rớt nước mắt. “Mẹ ruột mà, tui vẫn quý, vẫn thương bả. Sau khi bả phóng hỏa, thiệt hại tài sản và chi phí điều trị bệnh mấy trăm triệu đồng, tui đâu bắt bả bồi thường, tôi cũng bãi nại cho bả. Hồi xưa bả không nuôi tui, đưa tui vô cô nhi viện, tui bị người ta đánh đập, bà ngoại xót lòng mới tìm cách đón tôi ra…”, chị lặng người.
Không thể biết lời “tố” mẹ của chị Hoa cũng như lời kể công lao nuôi nấng dưỡng dục các con của bà Nguyệt có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng sự khao khát tình thâm là có thực. Nó hiển hiện trong tiếng thở dài của chị Hoa: “Mẹ người ta thấy ham, còn mẹ mình...”, trong nỗi thất vọng, đớn đau tột cùng của bà Nguyệt: “Năm đứa con của tôi không đứa nào cần tới, nghĩ tới mẹ già này!”. Và, nơi đáng lẽ là vòng tay, là ấm áp, là quan tâm thì tội ác lại ngự trị, để rồi tình mẫu tử thiêng liêng mất đi trong bể lửa hờn căm.
Nếu còn chút yêu thương, tại sao chị Hoa lại để mẹ vất vưởng, khổ sở từ bi kịch “bút sa”? Chẳng phải mẹ, người mang nặng đẻ đau là khởi nguồn của tất thảy những gì chị đang có và sẽ có trong đời? Nếu còn chút yêu thương, tại sao bà Nguyệt cứ nghĩ đến việc đòi lại nhà mà không nghĩ đến thiệt hại về vật chất và cả sức khỏe đối với con cháu do chính mình gây ra? Nếu còn chút yêu thương, tại sao mẹ con không thêm một lần nữa mở lòng với nhau, hóa giải hận thù, chia sẻ cuộc sống cho nhau?
Điều đó rất cần sự nhập cuộc, chung tay góp sức của chính quyền địa phương và đại gia đình bà Nguyệt.
CON CÁI CÓ BỔN PHẬN PHỤNG DƯỠNG CHA MẸ Theo quy định tại điều 5 và điều 51 của Luật Công chứng 2014: Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó… Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố là vô hiệu. Nếu bà Võ Thị Ánh Nguyệt cho rằng bà đã bị con ruột là Võ Thị Ánh Hoa lừa ký vào hợp đồng tặng cho thì bà chỉ còn cách khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng tặng cho vô hiệu (theo điều 132 Bộ luật Dân sự 2005). Tuy nhiên, hợp đồng tặng cho được công chứng từ năm 2010 và thời điểm bà Nguyệt biết được mình bị lừa dối là trước ngày 4/3/2013 cho đến hiện tại thì đã quá thời hiệu khởi kiện (hai năm) và nếu bà Nguyệt khởi kiện thì tòa án sẽ không xem xét thụ lý vụ án nữa. Theo quy định tại điều 70, 71, 111 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Bà Nguyệt đã 75 tuổi lại mang bệnh bướu cổ, thấp khớp…, đi bán vé số, sống qua ngày và nhà bà Hoa đang ở cũng do bà Nguyệt cho. Những tình tiết trên đủ chứng cứ để bà Nguyệt kêu cứu chính quyền, đoàn thể bảo vệ quyền lợi của mình hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án buộc bà Hoa phải có nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh và tạo nơi ở ổn định cho bà Nguyệt sống an hưởng tuổi già. Luật sư BÙI MINH NGHĨA (Công ty luật TNHH một thành viên Kinh Luân, Q.Bình Thạnh - Đoàn Luật sư TP.HCM) |
TÔ DIỆU HIỀN