Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nghĩa là gì?

31/01/2020 - 20:34

PNO - Hôm 30/1, WHO đã quyết định xem dịch 2019-nCoV là "Tình trạng khẩn cấp vì lo ngại quốc tế về sức khỏe cộng đồng" (PHEIC) hay gọi tắt là "Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu".

Quyết định được đưa ra khi số người chết tiếp tục tăng, với sự lây nhiễm không chỉ ở Trung Quốc, mà cả nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Đây là lần thứ ba ủy ban khẩn cấp của WHO tranh luận về vấn đề này, sau khi quyết định hai lần vào tuần trước rằng họ chưa đủ thông tin để xem dịch coronavirus là PHEIC. Đây là lần thứ sáu một đại dịch toàn cầu được đưa ra.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Nó có nghĩa là gì?

PHEIC được WHO định nghĩa là "một sự kiện bất thường" "tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác nhau thông qua sự lây lan của dịch bệnh" và có khả năng đòi hỏi "phản ứng quốc tế phối hợp".

Khi tuyên bố ổ dịch khẩn cấp, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus được phép đưa ra khuyến nghị về việc kiểm soát sự lây lan của virus trên toàn cầu. Trong đó có thể bao gồm các khuyến nghị liên quan đến du lịch, ví dụ, về các vấn đề như kiểm tra y tế ở biên giới đất liền và sân bay quốc tế.

WHO sẽ khuyến nghị các cơ quan y tế quốc gia trên toàn thế giới đẩy mạnh các biện pháp theo dõi, chuẩn bị và ngăn chặn.

Về lý thuyết, quyết định này cũng có thể dẫn đến sự gia tăng tài trợ và nguồn lực từ cộng đồng quốc tế nhằm kiểm soát coronavirus.

Tại sao quyết định này được xem là khá khó khăn ?

Tin tức cho thấy ủy ban khẩn cấp bị chia rẽ 50-50 trong quyết định. Một phần quan trọng dẫn đến kết quả dường như là mức độ lan truyền của virus bên ngoài Trung Quốc.

Các trường hợp lây truyền từ người sang người gần đây trên khắp thế giới đã khiến ủy ban xem xét lại liệu có nên tuyên bố dịch bệnh khẩn cấp hay không, tuy nhiên, đáng chú ý là phần lớn các trường hợp mới chỉ xảy ra bên trong Trung Quốc.

Việc tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu là tương đối khó khăn vì nó có thể dẫn đến các hệ lụy cho nơi xuất hiện dịch bệnh.
Việc tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu là tương đối khó khăn vì nó có thể dẫn đến các hệ lụy cho nơi xuất hiện dịch bệnh.

Tiêu chí của WHO bao gồm:

- Tác động sức khỏe cộng đồng từ sự kiện thực sự nghiêm trọng?

- Là sự kiện bất thường hay bất ngờ?

- Có nguy cơ lây lan quốc tế đáng kể?

- Có một rủi ro đáng kể về du lịch quốc tế hoặc hạn chế thương mại?

Tiến sĩ Ghebreyesus cho biết lý do chính cho tuyên bố này không phải vì những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, mà là vì những gì đang xảy ra ở các quốc gia khác. Có những lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị tác động tiêu cực bởi PHEIC.

Các quốc gia có thể chọn cắt đứt liên kết du lịch và thương mại với Trung Quốc, mặc dù điều này có thể sẽ đi ngược lại với bất kỳ khuyến nghị khẩn cấp nào trong tương lai từ tổng giám đốc WHO.

Khi WHO tuyên bố dịch Ebola bùng phát ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) vào năm 2019, tổng giám đốc đã cảnh báo các nước không sử dụng nó như là "cái cớ để áp đặt các hạn chế thương mại hoặc du lịch".

Trước đây WHO từng tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nào?

PHEIC là một khái niệm tương đối mới và chỉ từng được áp dụng cho năm sự kiện khẩn cấp khác trong quá khứ.

Theo chuyên gia về nhiễm trùng Tom Solomon - người đứng đầu Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia tại Đại học Liverpool  (Anh) - vụ dịch SARS 2002-2003 đã dẫn đến việc tạo ra thuật ngữ này. SARS cướp đi sinh mạng của hơn 700 người và lây nhiễm hơn 8.000 người.

Tuyên bố PHEIC đầu tiên là về dịch cúm heo năm 2009, hay virut H1N1.

Đến nay, hầu hết các sân bay trên thế giới đều đã trang bị máy kiểm tra nhiệt độ.
Đến nay, hầu hết các sân bay trên thế giới đều đã trang bị máy kiểm tra nhiệt độ.

Có hai tuyên bố vào năm 2014, một tuyên bố liên quan đến dịch Ebola ở Tây Phi và một tuyên bố khác liên quan đến bệnh bại liệt ở Pakistan, Cameroon, Equatorial Guinea và Syria.

Virus Zika ở Brazil được tuyên bố là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào năm 2016, trong khi dịch Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo được tuyên bố là một trường hợp khẩn cấp công cộng toàn cầu vào tháng 7/2019.

Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), cũng là một loại coronavirus, thì không được coi là PHEIC.

Tấn Vĩ (Theo ABC.net.au)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI