Tình trạng trẻ em thấp còi gia tăng tại Thái Bình Dương

18/10/2021 - 07:24

PNO - Các chuyên gia cảnh báo tình trạng mất việc và giá lương thực tăng vọt do đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ trẻ thấp còi tại Thái Bình Dương.

Mới đây, báo cáo của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (WV) cho biết tình trạng mất việc trên diện rộng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em tại Thái Bình Dương.

Cụ thể, khoảng 60% người dân ở Papua New Guinea, Vanuatu, Quần đảo Solomon và Đông Timor đã mất nguồn thu nhập chính do đại dịch khiến nhiều gia đình không còn đủ tiền để mua lương thực. Cứ 4 gia đình thì có một gia đình cho biết họ đã giảm số lượng hoặc chất lượng bữa ăn. Một nửa trong số những người tham gia khảo sát nói rằng họ không thể đáp ứng được chi phí ăn uống trong nhà.

Đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng trẻ em thấp còi ở Thái Bình Dương.
Đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng trẻ em thấp còi ở Thái Bình Dương

Với chỉ 8% trẻ được ăn từ hai bữa trở lên trong ngày, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới cảnh báo tình trạng thiếu dinh dưỡng có thể làm tăng tỷ lệ thấp còi ở trẻ.

Báo cáo cũng lưu ý căng thẳng tài chính đã ảnh hưởng đáng kể đến trẻ em, với 14% gia đình chia sẻ họ đã cho con cái đi làm để bù đắp thu nhập bị mất.

Evangelita Da Costa Pereira, chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe bà mẹ làm việc cho Tầm nhìn Thế giới tại Đông Timor cho biết: “Suy dinh dưỡng, mất an ninh lương thực và nghèo đói có mối liên hệ chặt chẽ với nhau... Tình trạng suy dinh dưỡng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu đại dịch và các tác động của nó không được giải quyết một cách hiệu quả”.

Ngoài mất nguồn thu nhập thì giá lương thực tăng chóng mặt cũng góp phần khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em gia tăng tại Thái Bình Dương. Điển hình, giá lương thực ở Vanuatu đã tăng 30,6%, Đông Timor tăng 17,7%, Papua New Guinea tăng 7,4% và Quần đảo Solomon tăng 4,2%.

Ngay cả trước đại dịch, Timor-Leste và Papua New Guinea cũng lần lượt xếp thứ ba và thứ tư về tỷ lệ trẻ thấp còi trên thế giới. Một phân tích năm 2017 của Tổ chức cứu trợ trẻ em Australia đã xác định suy dinh dưỡng là nguyên nhân chiếm tới 76% số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên khắp Papua New Guinea.

Tổ chức Tầm nhìn Thế giới cũng cho biết, bên cạnh suy dinh dưỡng, tình trạng trẻ em hứng chịu bạo lực đã gia tăng trong đại dịch COVID-19. Căn cứ vào các dữ liệu thu thập được trong tháng 9, 80% cha mẹ hoặc người chăm sóc đã sử dụng hình phạt thể chất hoặc tâm lý với con cái của họ.

Minh Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI