Tình trạng mất an ninh lương thực tăng gấp đôi vì dịch COVID-19, WHO cảnh báo Mỹ Latinh mở cửa quá sớm

17/09/2020 - 07:00

PNO - Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính 270 triệu người sẽ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong năm 2020.

Tình trạng mất an ninh lương thực tăng gấp đôi

Bà Valerie Guarnieri, Trợ lý Giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cho biết số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi. Trước đó, các chuyên gia y tế công cộng đã cảnh báo, đại dịch COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng về nạn đói trên toàn cầu. 

Nạn đói nghiêm trọng vì dịch COVID-19.
Nạn đói nghiêm trọng hơn vì dịch COVID-19

"Năm ngoái, chúng tôi đã dự đoán - dựa trên tất cả các đánh giá - rằng số người trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2020 sẽ là 135 triệu. Nhưng do COVID-19, chúng tôi hiện dự đoán con số đó lên đến 270 triệu, về cơ bản tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi vì dịch bệnh" - Guarnieri nói với các phóng viên trong một cuộc họp trực tuyến.

Bà cho biết WFP đang tìm cách mở rộng, nỗ lực để tiếp cận 138 triệu nạn nhân bị mất an ninh lương thực trong năm nay. 

Bên cạnh đó, mạng lưới Toàn cầu chống khủng hoảng lương thực cũng vừa công bố một báo cáo chi tiết về tác động của đại dịch đang làm gia tăng nạn đói cấp tính ở các nước dễ bị tổn thương, vốn đã đối mặt với khủng hoảng lương thực.

Báo cáo lưu ý rằng trong khi Cộng hòa Dân chủ Congo đang là quốc gia chịu khủng hoảng lương thực nghiêm trọng nhất, thì tình trạng mất an ninh lương thực ở Burkina Faso cũng tăng gần 300%, miền bắc Nigeria tăng 73%, Somalia 67% và Sudan 64%.

WHO cảnh báo Mỹ Latinh mở cửa quá sớm

Giám đốc khu vực châu Mỹ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Carissa Etienne cho biết Mỹ Latinh đã bắt đầu trở lại cuộc sống xã hội bình thường vào thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn cần đề cao các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

Bà Etienne chia sẻ trong một cuộc họp ngắn từ Washington với các giám đốc khác của Tổ chức Y tế Liên Mỹ, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở khu vực biên giới Colombia với Venezuela đã tăng gấp 10 lần trong hai tuần qua. Tỷ lệ tử vong đang tăng lên ở các vùng của Mexico, xu hướng tương tự cũng được nhìn thấy ở Ecuador, Costa Rica, Bolivia và Argentina.

"Mặc dù toàn thế giới đang chạy đua để phát triển các công cụ mới nhằm ngăn ngừa và chữa COVID-19, nhưng một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả được sản xuất và phân phối trên quy mô lớn vẫn chưa hoàn thành. Chúng ta phải hiểu rõ việc mở cửa quá sớm sẽ khiến loại virus này có nhiều không gian để lây lan hơn và khiến dân số của chúng ta có nguy cơ mắc bệnh cao hơn" - Etienne cảnh báo.

Etienne nhấn mạnh chính phủ các nước Mỹ Latinh phải hết sức thận trọng nếu mở cửa du lịch trở lại, bởi nó có thể dẫn đến thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh. Điều đó đã xảy ra ở Caribe, một khu vực hầu như không có trường hợp nhiễm bệnh nào đã trải qua đợt tăng đột biến khi du lịch được nối lại.

Theo thống kê của Reuters, Mỹ Latinh hiện ghi nhận khoảng 8,4 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 314.000 ca tử vong, cao nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

Hoa Kỳ có kế hoạch phân phối vắc-xin ngay khi cơ quan quản lý cấp phép

Ngày 16/9, chính phủ Hoa Kỳ cho biết sẽ bắt đầu phân phối vắc-xin COVID-19 trong vòng một ngày, kể từ khi được cấp phép theo quy định vì họ đã có kế hoạch sẵn cho một số lượng hạn chế vắc-xin được cung cấp vào cuối năm.

Các quan chức từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã  công bố tài liệu về kế hoạch phân phối mà họ đang gửi tới các bang và các quan chức y tế công cộng địa phương.

“Mục tiêu của chúng tôi tại Chiến dịch Warp Speed, là 24 giờ sau khi (ủy quyền theo quy định) được ban hành, chúng tôi sẽ có vắc-xin chuyển đến các cơ sở quản lý” - một quan chức cho biết.

Chính phủ liên bang sẽ phân bổ số lượng vắc-xin cho mỗi tiểu bang dựa trên những nhóm đối tượng quan trọng được khuyến nghị tiêm chủng trước bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.

Dựa theo tài liệu là Sách hướng dẫn tạm thời của Chương trình Tiêm chủng COVID-19, các liều vắc-xin COVID-19 giới hạn có thể có sẵn vào đầu tháng 11/2020 nếu một ứng viên vắc-xin được cấp phép vào thời điểm đó, và nguồn cung đó có thể tăng lên đáng kể vào năm 2021.

Các quan chức cũng cho biết họ đang làm việc để đảm bảo bệnh nhân không phải trả chi phí cho vắc-xin.

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI