Tình trạng làm việc cầm chừng đang "lan truyền"

09/05/2023 - 15:02

PNO - “Sợ sai là tốt nhưng sợ sai tới mức thiếu trách nhiệm và không chạy việc mới là đáng sợ” - Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu.

 

Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu thực trạng làm việc cầm chừng đang diễn ra ở nhiều địa phương, bộ ngành dẫn tới

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu thực trạng làm việc cầm chừng đang diễn ra ở nhiều ngành, địa phương dẫn tới thiếu trách nhiệm, không chạy việc

Đóng góp ý kiến vào báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - bày tỏ lo lắng về tính khả thi của tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP. Theo đó, tốc độ tăng trưởng quý I rất thấp, quý II dự báo khó khăn hơn, đặt ra thách thức với Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Một số khó khăn thách thức tập trung vào các vấn đề lãi suất ngân hàng tăng cao, có tổ chức tín dụng có lãi suất lên tới 14%, cá biệt lên tới 18%. Bên cạnh đó có giá xăng dầu tăng, khó khăn trong bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh có tình trạng “làm việc cầm chừng” dẫn tới Chính phủ phải có công điện số 280/CĐ-TTg (công điện 280) về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

“Sợ sai là tốt nhưng sợ sai tới mức thiếu trách nhiệm và không chạy việc mới là đáng sợ” - bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng, đây là một trong những tình trạng phổ biến có tính chất lan truyền.

Để giải quyết tình trạng này, bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần bổ sung vào báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện công điện 280. Theo công điện, trong tháng 5, phải báo cáo rõ chuyển biến, tiến bộ, những nơi làm không tốt. Những trường hợp đùn đẩy, né tránh thiếu trách nhiệm phải được xử lý. “Tôi rất mong trong thời gian tới xử lý được một số trường hợp đùn đẩy, né tránh trách nhiệm để xử lý câu chuyện làm cầm chừng, sợ trách nhiệm hiện nay đang khá phổ biến ở các địa phương, các ngành” - bà Nguyễn Thị Thanh nói.

Bà cũng cho rằng, hiện nay các báo cáo còn nêu rất chung chung, nêu ra nhiều tỉnh làm tốt, làm không tốt nhưng không cụ thể đó là địa phương nào. Vì vậy, trong báo cáo cần phải nêu rõ những địa chỉ này. “Phải thẳng thắn đi vào vấn đề thực chất về việc đùn đẩy cứ đá qua lại như hiện nay”.

Cũng theo bà, có tình trạng địa phương thấy khó quá, hỏi các bộ ngành thì các bộ ngành lại trích theo luật và đề nghị làm theo luật: “Người ta bí không làm được, hỏi thì mình trả lời làm theo luật, cứ qua lại như vậy. Địa phương ở dưới thấy bí không làm được nhưng không suy nghĩ tìm cách làm mà lại hỏi trung ương”.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt công vụ. Đồng thời phải tìm ra nguyên nhân chính, có phải do né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hay không để tập trung giải quyết.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI