Tình trạng kháng thuốc đe dọa trẻ em toàn cầu

11/11/2023 - 06:14

PNO - Theo một nghiên cứu do Đại học Sydney (Úc) công bố vào cuối tháng 10/2023, một số lượng đáng kể các loại kháng sinh được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyên dùng trong điều trị các bệnh ở trẻ em như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não… hiện chỉ đạt hiệu quả dưới 50%. Tình trạng này chủ yếu là do những chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến.

 

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh khiến hiệu quả điều trị nhiễm trùng ở trẻ em ngày càng thấp - Ảnh minh họa: iStock
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh khiến hiệu quả điều trị nhiễm trùng ở trẻ em ngày càng thấp - Ảnh minh họa: iStock

Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Phoebe Williams (Viện Bệnh truyền nhiễm, Đại học Sydney) nhận định: “Không ai tránh được tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Điều này đang đe dọa mọi quốc gia với tốc độ nhanh hơn chúng ta vẫn nghĩ. Thế giới cần khẩn cấp đưa ra các giải pháp mới để ngăn chặn các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc và những cái chết không đáng có của hàng ngàn trẻ em mỗi năm”.

Nghiên cứu trên đã kiểm tra 6.648 chủng vi khuẩn được ghi nhận trong 86 công trình nghiên cứu từ 11 quốc gia, qua đó đánh giá toàn diện tính nhạy cảm với kháng sinh của những vi khuẩn phổ biến gây nhiễm trùng ở trẻ em. Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, bao gồm Indonesia và Philippines, đang chịu tác động nghiêm trọng nhất từ vấn đề kháng kháng sinh. 

WHO đã tuyên bố, tình trạng kháng kháng sinh (AMR) là 1 trong 10 thách thức sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 3 triệu trường hợp nhiễm trùng huyết xảy ra ở trẻ sơ sinh mỗi năm, dẫn đến 570.000 ca tử vong. Một tỉ lệ đáng kể các ca tử vong này là do thiếu thuốc kháng sinh hiệu quả để chống lại vi khuẩn kháng thuốc.

Mặt khác, do hướng dẫn gần đây nhất về kháng sinh của WHO đã được xuất bản từ năm 2013 nên kết quả nghiên cứu trên cũng giúp nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc cập nhật toàn diện các hướng dẫn về kháng sinh toàn cầu để phù hợp với tốc độ phát triển nhanh chóng của tình trạng kháng thuốc kháng sinh. 

Theo nghiên cứu trên, loại kháng sinh ceftriaxone chỉ đạt hiệu quả trong điều trị cho khoảng 1/3 trường hợp nhiễm trùng huyết hoặc viêm màng não ở trẻ sơ sinh. Ceftriaxone vốn được sử dụng rộng rãi ở Úc để kiểm soát các bệnh nhiễm trùng khác nhau ở trẻ em, như viêm phổi và nhiễm trùng đường tiết niệu.

Một loại kháng sinh khác là gentamicin chỉ đạt hiệu quả trong 1/2 số ca điều trị nhiễm trùng huyết và viêm màng não ở trẻ em. Gentamicin thường được kê đơn cùng với aminopenicillin và sự kết hợp này chỉ đạt hiệu quả hạn chế trong việc chống nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 

Tình trạng kháng kháng sinh có nhiều khả năng ảnh hưởng đến trẻ em hơn người lớn do số công trình thử nghiệm thuốc kháng sinh mới trên trẻ em rất ít và được kiểm soát nghiêm ngặt hơn so với thử nghiệm ở người trưởng thành. Tiến sĩ Williams nhận định, các chính phủ và tổ chức tư nhân cần chú trọng đầu tư cho những nghiên cứu về phương pháp điều trị bằng kháng sinh mới cho trẻ em và trẻ sơ sinh. Cô giải thích: “Thử nghiệm kháng sinh lâm sàng thường tập trung vào người lớn và bỏ qua nhóm đối tượng là trẻ em hoặc trẻ sơ sinh. Do đó, bác sĩ nhi khoa có rất ít lựa chọn và dữ liệu về những phương pháp điều trị mới”. 

Tiến sĩ Williams hiện đang xem xét loại kháng sinh fosfomycin như một biện pháp tạm thời để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu đa kháng thuốc ở trẻ em tại Úc. Cô cũng đang làm việc với Ủy ban Tối ưu hóa thuốc nhi khoa của WHO để đảm bảo trẻ em được tiếp cận với nguồn thuốc kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc càng sớm càng tốt nhằm giảm nguy cơ tử vong do AMR. 

 Ngọc Hạ
(theo Health Day, Open Access Government)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI