Tình trạng học sinh đánh bạn dã man: Hãy tìm cách chặn trước khi quá muộn!

16/10/2016 - 08:46

PNO - Những ngày qua, dư luận rúng động khi hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp, mức độ bạo lực càng lúc càng tăng, đối tượng bị uy hiếp còn rất trẻ. 

Chúng tôi tìm đến nhà em Nguyễn Ngọc Thu T. (ấp Phú Tân, xã Châu Hòa, H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), cô bé sinh năm 2003 này bị bạn học đánh hội đồng đến bất tỉnh vừa xuất viện về nhà. Thấy người lạ, T. Vội nép sát mẹ, ôm gối che mặt với vẻ hoảng loạn. Người cha vội ôm con vào lòng và liên tục vỗ về trấn an. Sự việc nữ sinh T. Bị bạn đánh để lại di chứng nặng nề, nối thêm chuỗi dài đau lòng về nạn bạo lực xảy ra trong trường học, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Ngất xỉu, tự tử vì bị bạn học bạo hành

Những ngày qua, dư luận rúng động khi hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp, mức độ bạo lực càng lúc càng tăng, đối tượng bị uy hiếp còn rất trẻ. Em Bùi Quang H. (SN 2001, học sinh lớp 8, quê Yên Bái) đã treo cổ tự tử sau khi bị đánh và bắt quỳ gối, quay clip tung lên mạng. Nữ sinh V.T.Q.N. (quê Phú Yên) cũng đã có ý định tự tử sau khi bị đánh hội đồng, bị lột đồ, quay hình phát tán trên mạng.

Mới đây, nữ sinh Nguyễn Ngọc Thu T. bị nhóm bạn cùng lớp 8 Trường THCS Lương Quới (H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đánh hội đồng đến bất tỉnh, phải nhập viện cấp cứu. Trong phiên trực nhật của T., nhóm bạn có mâu thuẫn trước đó đã xé nhiều giấy vụn vứt trong lớp để trả đũa.

Tinh trang hoc sinh danh ban da man: Hay tim cach chan truoc khi qua muon!
Cô bé T. vẫn chưa hết hoảng loạn sau khi bị bạn cùng lớp đánh bất tỉnh

T. phản ứng thì bị một nhóm năm-tám bạn xông vào đánh. Giáo viên được thông báo vụ việc, đã đưa T. đi cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre). Các bác sĩ kết luận T. bị chấn thương vùng đầu, tổn thương nông tác động nhiều vùng cơ thể và bị khủng hoảng tinh thần nặng nề.

Một thời gian dài trước đó, T. bị nhóm bạn trấn áp tinh thần, nhiều lần nhận thư hăm dọa, bị đặt lưỡi dao lam ở chỗ ngồi. Nghe con kể chuyện bị đe dọa ở lớp, cha em là ông Nguyễn Văn Thanh đã gặp cô giáo chủ nhiệm trình bày sự việc, nhờ cô xử lý. Nhưng T. vẫn bị bạn học đe dọa, gia đình tiếp tục trình báo sự việc lên ban giám hiệu nhà trường đến khi sự việc đau lòng xảy ra.

Trong căn nhà chật chội, Nguyễn Ngọc Thu T. nằm trên giường cùng với người mẹ bị tai biến. “Đến giờ, sau một tuần kể từ khi bị nhóm bạn học đánh bất tỉnh, con gái tôi vẫn chưa hết ám ảnh, hoảng loạn. Chỉ cần thấy người lạ đến nhà, con bé lại hoảng sợ chạy trốn vô góc tối hoặc la hét thất thanh. Thậm chí nhiều lúc con còn không nhận ra người thân, tôi không biết làm sao để xoa dịu nỗi ám ảnh này của con”, ông Thanh chua xót.

Tinh trang hoc sinh danh ban da man: Hay tim cach chan truoc khi qua muon!
T. bị tổn thương vùng đầu sau trận đánh hội đồng.

Ngày 12/10, tại hội thảo Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học do Bộ GD-ĐT tổ chức, nhiều chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục đã đưa ra những số liệu giật mình. Mỗi năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau.

Đề tài nghiên cứu về tình trạng bạo lực học đường do PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chủ trì, cho thấy học sinh bạo lực với học sinh là dạng bạo lực xảy ra phổ biến nhất. Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, bạo lực trong trường học đã và đang diễn ra nóng bỏng trên khắp cả nước, ở tất cả các cấp học, lớp học, mức độ ngày càng gia tăng, hậu quả nghiêm trọng.

Nạn nhân hay thủ phạm đều bị thiệt hại

Cô Ngô Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Quới cho biết, sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh về mâu thuẫn giữa em T. với một số bạn chung lớp, giáo viên chủ nhiệm đã gặp gỡ và giáo dục các em; thầy phó hiệu trưởng cũng đã răn đe các em… Thời điểm em T. bị đánh có mưa lớn nước ngập sân trường, các em ra chơi, tụ tập trước phòng học đông nên giáo viên không phát hiện vụ việc kịp thời.

Bà Nguyệt thừa nhận: “Để học sinh bị đánh ngay tại trường thì nhà trường nhận trách nhiệm. Trường đang chờ kết luận của cơ quan công an, sau đó sẽ có hình thức xử lý thích đáng với các học sinh vi phạm. Đối với cháu T., sắp tới, nếu gia đình có nguyện vọng, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho cháu chuyển trường để an tâm học tập”.

Nhưng, dù vụ việc được xử lý thế nào, thì nỗi ám ảnh của T. vẫn không nguôi ngoai. Ông Nguyễn Văn Thanh trách: “Việc mâu thuẫn của cháu T. và các bạn chỉ là chuyện nhỏ nhặt giữa các học sinh. Nhưng sự thờ ơ, giải quyết chậm trễ của nhà trường khiến mâu thuẫn ngày càng phức tạp, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Khi nhà trường vào cuộc xử lý thì mọi việc đã quá muộn”.

Tinh trang hoc sinh danh ban da man: Hay tim cach chan truoc khi qua muon!
Trường THCS Lương Quới - nơi xảy ra vụ việc.

Từ sự việc của T. và các vụ việc gần đây, cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (H.Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi rất đau lòng khi thấy học sinh bị đánh hội đồng, bị bạn học lột quần áo giữa đường. Học sinh bị đánh dẫn đến tổn thương về thân thể lẫn tinh thần. Những em đánh bạn chỉ là bồng bột, a dua theo bạn bè làm chuyện sai trái nhưng sau đó lại hối hận và chịu tổn thương không ít khi mang tiếng xấu… Trường học có chức năng giáo dục nhưng lại thiếu những người có chuyên môn nghiệp vụ để giải quyết, vì vậy cha mẹ phải phối hợp để dạy trẻ, chứ không thể đổ hết cho nhà trường”.

Nhắc nhở, cảnh cáo trước toàn trường và mạnh tay nhất là đuổi học đang được nhà trường áp dụng đối với những em có hành vi bạo lực. Kỷ luật là để giáo dục và răn đe học trò nhưng việc đuổi học có giải quyết được gốc vấn đề? Nếu bị buộc nghỉ học thời gian ngắn, các em bị chậm bài vở, hổng kiến thức. Nếu bị đình chỉ một năm học, thời gian dài lông bông càng dễ đẩy các em thành phần tử cá biệt. Không phải em nào bị đuổi học cũng quay lại trường. Học sinh bị loại ra khỏi trường học, xã hội có thêm thành phần không được học hành, rèn luyện. Nếu trường học khước từ nhiệm vụ giáo dục tri thức lẫn đạo đức cho học trò thì nơi nào gánh trọng trách này?

Sơn Vinh - Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI