Tình trạng chán ăn tâm thần ở thanh thiếu niên trở nên nghiêm trọng

27/11/2023 - 06:24

PNO - Chứng rối loạn ăn uống ở thanh thiếu niên vẫn là vấn đề sau 3 năm xảy ra đại dịch. Theo báo cáo của nhiều nước, các trường hợp rối loạn ăn uống tăng vọt kể từ khi COVID-19 xảy ra và hiện đang là vấn đề cấp bách ở nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Nhật...

Kết quả khảo sát mới công bố ngày 24/11 của chính phủ Nhật Bản cho thấy, số trẻ em ở nước này được chẩn đoán mắc chứng chán ăn tâm thần - một chứng rối loạn ăn uống - vẫn ở mức cao trong năm thứ ba sau khi bùng phát COVID-19.

Chán ăn tâm thần là một chứng rối loạn khiến một người có trọng lượng cơ thể thấp bất thường do ăn kiêng quá mức, ăn uống vô tội vạ hoặc nôn mửa sau khi ăn. Theo cuộc khảo sát, số ca mắc chứng chán ăn tâm thần ở trẻ em Nhật đã tăng khoảng 50% trong năm 2020, đến năm 2022, mức tăng lên đến 60%. "Tác động về thể chất và tinh thần từ các yếu tố như không đến trường, không kết nối xã hội, ăn ở trường mà không nói chuyện với nhau vô tình khiến trẻ rơi vào chán ăn tâm thần" - Tatsuya Koeda - người phụ trách cuộc khảo sát - cho biết.

Chứng rối loạn ăn uống ở thanh thiếu niên tại nhiều quốc gia đã được cảnh báo ở mức nghiêm trọng
Chứng rối loạn ăn uống ở thanh thiếu niên tại nhiều quốc gia đã được cảnh báo ở mức nghiêm trọng

Tại Anh, số liệu mới công bố vào giữa tháng Mười một cho thấy, chứng rối loạn ăn uống ở giới trẻ đã tăng hơn 15 lần từ đại dịch. Theo đó, có 1/8 thanh niên từ 17-19 tuổi hiện mắc chứng cuồng ăn, chán ăn hoặc ăn uống vô độ. Các em gái gặp tình trạng này nhiều hơn khi cứ 5 em thì có 1 em mắc. Tương tự, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca nhập viện vì rối loạn ăn uống của Mỹ đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, tăng gấp đôi ở các bé gái vị thành niên. Các chuyên gia cảnh báo, dù hầu hết thanh thiếu niên đã trở lại cuộc sống bình thường với các hoạt động học tập, thể thao và xã hội bình thường, chứng rối loạn ăn uống, đặc biệt là chứng biếng ăn, vẫn ở mức cao nhất mọi thời đại.

Melissa Freizinger - Phó giám đốc phụ trách chương trình rối loạn ăn uống tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) - cho biết: “Bọn trẻ không ổn. Khi đại dịch bắt đầu và lan rộng, chúng tôi cứ nghĩ mọi chuyện rồi sẽ khá hơn thôi. Nhưng đến nay, chúng tôi buộc phải thừa nhận thực tế không phải vậy”.

Theo báo cáo gần đây từ công ty dữ liệu Trilliant Health, những lần thăm khám sức khỏe liên quan đến chứng rối loạn ăn uống ở những người dưới 17 tuổi đã tăng 107,4%, bệnh tâm thần tăng 129,26%. “Đại dịch làm trầm trọng thêm tỉ lệ lo lắng và trầm cảm - cả 2 đều là yếu tố nguy cơ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng rối loạn ăn uống. Các cuộc gọi tư vấn liên quan đến chứng chán ăn tâm thần, trầm cảm, muốn tự tử cao hơn so với bất kỳ bệnh nào khác” - Melissa 
Freizinger nói.

Tom Quinn - Giám đốc đối ngoại của Beat (Anh), một tổ chức từ thiện về rối loạn ăn uống - cho biết: "Những con số đã cho thấy rõ quy mô nghiêm trọng của chứng rối loạn ăn uống ở thanh thiếu niên. Rối loạn ăn uống thường được cho là bệnh tâm thần hiếm gặp, nhưng những dữ liệu mới này cho thấy rõ ràng rằng chúng phổ biến hơn nhiều so với những gì mọi người nhận ra. Cần phải có hành động khẩn cấp".

Tiến sĩ Tamsin Newlove-Delgado - Đại học Exeter (Anh) - có cùng quan điểm: “Các vấn đề gia đình, chi phí sinh hoạt, thi cử, bắt nạt, áp lực trên mạng xã hội, giá trị bản thân và ảnh hưởng của đại dịch... là vấn đề ảnh hưởng đến trẻ em hiện nay. Việc tiếp xúc với môi trường trực tuyến tiêu cực có thể gây hại trong việc củng cố các hành vi rối loạn xung quanh việc ăn uống, tập thể dục và hình ảnh cơ thể không thực tế. Điều quan trọng là những người trẻ tuổi phải suy nghĩ cẩn thận về việc mạng xã hội ảnh hưởng đến hành vi ăn uống của chúng như thế nào và nên tìm lời khuyên từ một nguồn đáng tin cậy, từ các tổ chức về chứng rối loạn ăn uống”. 

Lệ Chi (theo NY Times, Japan Times, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI