Tình trăm năm và không gian giải trí cho người già

02/10/2020 - 18:40

PNO - Giữa dòng tin tức về các màn đánh ghen trên phố, "Tình trăm năm" nhắc mọi người, nhất là giới trẻ về những giá trị tốt đẹp của hôn nhân, của tình yêu, bất chấp thời gian, tuổi tác.

 Lần nào xem cũng khóc, ngưỡng mộ hạnh phúc của ông bà, tình yêu ngày xưa giản dị mà sâu sắc quá, khâm phục sự hy sinh của phụ nữ thời đó… là những cảm xúc chung của khán giả xem chương trình talk show Tình trăm năm (phát sóng trên HTV7 lúc 17g50 thứ Bảy hằng tuần). Không như nhiều talkshow khác hướng đến đối tượng tham gia là những người trẻ, Tình trăm năm - đúng như tên gọi - đem đến những câu chuyện tình yêu thời son trẻ của các cụ ông cụ bà U70 trở lên. 

Vẫn là những câu hỏi thường thấy của MC xung quanh cuộc sống vợ chồng như ấn tượng lần đầu gặp nhau, hành trình cùng nhau vượt qua gian khó, cái nắm tay/nụ hôn đầu tiên, yêu/ghét gì ở người bạn đời, kinh nghiệm giữ lửa hôn nhân… như một số chương trình đề tài hôn nhân trên màn ảnh nhỏ. Nhưng, Tình trăm năm lại khiến người xem háo hức chờ đón vì mỗi tập phát sóng là một câu chuyện tình thú vị, khiến khán giả vừa trầm trồ ngạc nhiên vừa xúc động.

Tình trăm năm kể những chuyện tình của các cụ ông, cụ bà U70 trở lên - gây xúc động cho người xem
Tình trăm năm kể những chuyện tình của các cụ ông, cụ bà U70 trở lên - gây xúc động cho người xem

Qua tám tập đã phát sóng, có những cặp là tình đầu của nhau, có cặp “rổ rá cạp lại”, nhưng đều gặp nhau ở điểm chung là sự thủy chung sâu sắc dành cho nhau, bất kể hoàn cảnh khó khăn thế nào, người phối ngẫu ấy chính họ chọn lựa, được mai mối hay do cha mẹ sắp đặt.

Nghe những câu chuyện cụ bà 11 năm đều đặn từ Sài Gòn ra Nha Trang thăm nuôi người chồng bị tù tập kết; chuyện người vợ chịu cảnh ông chồng nghệ sĩ đi diễn biền biệt lâu ngày; chuyện người vợ lính mấy chục năm một mình nuôi đàn con để chồng yên tâm chiến đấu; hay chuyện các bà đến ngày sinh còn xách bảy gánh nước, có bà đẻ rớt con ngoài đường… mới thấy nể phục sự hy sinh trong tình yêu của người phụ nữ thời xưa.

Tình yêu qua lời kể của họ hoàn toàn không có những nụ hôn trước ngày cưới, những lời nói ngôn tình, những món quà nhân dịp kỷ niệm đáng nhớ; nhưng nhìn cử chỉ ánh mắt ông bà dành cho nhau, lối xưng hô anh - em dù cả hai đã U90-U100, cứ thấy rưng rưng vì sự chân thành, đẹp đẽ. 

Lạ một điều, không có người kể nào khóc khi nói về tình yêu thời gian khó, nhưng họ lại nghẹn ngào lau nước mắt khi nghe những lời tâm tình của con cháu gửi đến mình trong phần Món quà bí mật. Mới hay hạnh phúc lớn nhất của người làm cha mẹ, không gì khác ngoài sự quan tâm, hiếu thảo của con cái. Những bí quyết hôn nhân bền vững đúc kết từ tám cặp đôi trong các số phát sóng hết sức đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Ví như cơm sôi nhỏ lửa, vợ chồng không nên tranh luận để giành đúng - sai, hạnh phúc là biết chấp nhận những cái xấu của nhau… 

Giữa dòng tin tức về các màn đánh ghen trên phố, các chương trình mai mối hẹn hò mà phần nhiều là người chơi gian dối nhằm PR bản thân hoặc “dàn dựng” từ phía nhà đài, Tình trăm năm nhắc mọi người, nhất là giới trẻ về những giá trị tốt đẹp của hôn nhân, của tình yêu, bất chấp thời gian, tuổi tác.

Theo Tổng cục Dân số, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Năm 2011, số người trên 60 tuổi chiếm 9,9% dân số thì tới năm 2018, con số này đã là 11,95%. Tuy nhiên, nhìn đi nhìn lại, không gian văn hóa - giải trí cho đối tượng này vẫn còn rất ít ỏi và chưa được quan tâm đúng mức. Chưa kể, màn ảnh nhỏ hiện nay đã bão hòa gương mặt nghệ sĩ hoặc người trẻ; trong khi sân chơi dành cho những người cao tuổi rất hiếm, mặc dù đây mới là đối tượng dành nhiều thời gian xem ti vi nhất. 

Rating và doanh thu quảng cáo tất nhiên cũng quan trọng; nhưng giá trị, ý nghĩa của một chương trình truyền hình đôi khi không thể đong đếm, định lượng bằng những yếu tố ấy, mà nằm ở sự lan tỏa giá trị giáo dục, tính nhân văn của nó. Đưa những câu chuyện của người già lên sóng, rõ ràng, Tình trăm năm như trả truyền hình về lại giá trị vốn có, cần có. Trong cuộc chơi đó, người được lợi phải là công chúng - đối tượng mà nhà đài nên hướng tới; chứ không phải là những hợp đồng quảng cáo béo bở. Và trong lớp công chúng đó, người già cũng cần không gian để kể câu chuyện của mình. 

Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI