Tinh tinh châu Phi có thể giao tiếp gần như con người

04/04/2025 - 21:28

PNO - Nghiên cứu từ Thụy Sĩ cho thấy, loài tinh tinh Bonobo có thể kết hợp các từ theo ngữ pháp, điều mà giới khoa học thường cho là chỉ có ở con người.

Tinh tinh Bonobo sống chủ yếu ở phía nam sông Congo — Ảnh: Getty Images
Tinh tinh Bonobo sống chủ yếu ở phía nam sông Congo — Ảnh: Getty Images

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Zürich, Thụy Sĩ công bố nghiên cứu cho thấy: tinh tinh Bonobo - loài rất gần với con người trên nấc thang tiến hóa - có thể kết hợp các âm thanh lại với nhau để tạo ra các cụm từ có ý nghĩa hơn cả tổng thể các thành phần. Đây là đặc điểm thường được xem là chỉ có ở ngôn ngữ loài người, theo báo The Guardian đưa tin ngày 4/4.

Tiến sĩ Mélissa Berthet, giảng viên tại Đại học Zürich và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết nhóm của cô đã ghi lại 700 tiếng kêu từ 30 con tinh tinh Bonobo trưởng thành, ở Cộng hòa Dân chủ Congo, sau đó đối chiếu bối cảnh của từng tiếng kêu với danh sách 300 tình huống hoặc mô tả có thể xảy ra sau đó.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science vào ngày 3/4, cho thấy loài tinh tinh Bonobo có 7 loại tiếng gọi khác nhau, được sử dụng cùng với 19 cách kết hợp khác nhau. Trong số này, có 15 loại cần được phân tích thêm, còn 4 loại hầu như tuân theo các quy tắc của ngữ pháp trong cách ăn nói của con người.
Tiến sĩ Berthet đưa ra ví dụ: khi tinh tinh Bonobo phát âm “yelp”, chúng thể hiện ý nghĩa là “hãy làm điều đó”, còn khi chúng tạo ra âm thanh “grunt”, chúng thể hiện “hãy xem điều tôi đang làm”.

Khi tinh tinh Bonobo kết hợp cả 2 âm thanh này để tạo thành “yelp-grunt”, chúng biểu đạt ý nghĩa “hãy làm theo những gì tôi đang làm”. Nhóm nghiên cứu cho biết, đó chính là âm thanh chúng sử dụng để khuyến khích bầy đàn làm tổ để nghỉ về đêm.

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, loài Bonobo còn thể hiện khả năng kết hợp nhiều tiếng gọi khác, để khuyến khích sự hòa hợp, hòa bình với bạn tình trong giao phối, hoặc làm dịu tình hình khi bầy đàn rơi vào tình huống tranh chấp căng thẳng.

Tiến sĩ Berthet cho rằng cách giao tiếp của tinh tinh Bonobo thể hiện khả năng “bổ nghĩa” giữa các thành phần, để yếu tố chính biểu đạt ý nghĩa nhiều hơn, so với khi yếu tố đó đứng riêng. “Ngôn ngữ của con người không độc nhất như chúng ta nghĩ” - vị chuyên gia nhận định.

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI