Tình thương và nhiều điều tốt đẹp ở đoàn lân Long Nhi Đường

22/01/2024 - 08:00

PNO - 15 năm qua, hơn 200 đứa trẻ đã trưởng thành từ đoàn lân Long Nhi Đường. Trong đó có nhiều em thiếu vắng tình thương của cha, mẹ. Với các em, đó là cuộc chuyển mình đầy hạnh phúc, khi được sống một cuộc đời mới nhiều hy vọng hơn.

Những phận đời lênh đênh

Thời gian qua đi, cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng mỗi mùa tết về, tiếng trống cùng những điệu múa lân rộn ràng vẫn là tín hiệu quen thuộc, thông báo mùa đoàn viên mới lại đến. Những ngày này, ở một căn nhà nhỏ trên đường Bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), không khí nhộn nhịp, tất bật hơn, bởi đây là thời điểm hoạt động rất thuận lợi của đoàn lân Long Nhi Đường vốn đã tồn tại 15 năm.

Đoàn lân biểu diễn trong một chương trình thiện nguyện vào tháng 9/2023 - Ảnh đoàn lân cung cấp
Đoàn lân biểu diễn trong một chương trình thiện nguyện vào tháng 9/2023 - Ảnh đoàn lân cung cấp

Đằng sau những màn múa lân màu sắc, tươi vui ấy là nhiều phận đời với đầy những nốt trầm. Anh Gia Trác Hưng (31 tuổi, tên thật Lê Văn Nam, hiện đang quản lý đoàn lân Long Nhi Đường) trầm ngâm khi nghĩ về đoạn đường 15 năm qua, bởi anh từng không dám tin sẽ đi được một chặng đường dài như thế.

Thường thì các đoàn lân đều phát triển từ gia đình có truyền thống, nhưng Long Nhi Đường thì không. Anh Hưng lớn lên trong cảnh nghèo khó, từng mưu sinh bằng rất nhiều nghề ở khu Chợ Lớn. Anh và nhiều đứa trẻ khó khăn khác may mắn được một nhà hảo tâm giúp đỡ những bữa ăn với giá chỉ 500 đồng. Sau này, khi gặp những đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự, anh nhớ về mình của những năm trước, muốn tập hợp các em lại để giúp các em có cuộc sống tốt hơn.

Đoàn lân ra đời giữa muôn vàn gian khó. Có lúc, rất nhiều con người chia nhau thức ăn chỉ là 1 chảo tóp mỡ giá 10.000 đồng, kho thật mặn để đưa cơm. Có hôm, cả đoàn nấu chè cúng Phật, vét hết tiền chỉ mua được 0,5 ký đậu đen, 1 ký đường. Nồi chè lõng bõng nước, chia cho các thành viên. Rau thì xin từ các hàng ở chợ khi đã hết ngày, có khi phải nấu cơm bằng gạo mốc…

Sau này, đoàn lân may mắn được bà Nguyễn Thị Như Thủy - nguyên Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM (cả đoàn hay gọi là má Thủy) - cưu mang. Bà Thủy cũng mồ côi mẹ từ sớm, luôn tâm niệm giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn có được điểm tựa. Bà nhớ như in ngày đầu gặp những đứa trẻ đang nằm xếp lớp trong một nhà vệ sinh công cộng được sửa chữa lại, ẩm thấp. Bà đã tìm chỗ ở cho đoàn. Sau này, bà đề nghị em trai của mình chuyển sang ở nhà khác, để lại căn nhà ở quận 8 cho đoàn lân tá túc. 15 năm qua, bà Thủy vẫn âm thầm giúp đỡ Long Nhi Đường. Một số bạn bè của bà biết được nghĩa cử cao đẹp này nên ngỏ ý đồng hành dù bà không kêu gọi giúp đỡ.

Đứng lên từ đôi chân

Lê Gia Phát năm nay 12 tuổi nhưng chỉ mới học lớp Hai. Cậu bé có gương mặt sáng, hiện đã thuần thục nhiều động tác múa lân khó. Em cho biết công việc này không dễ, nhưng quan sát các anh đi trước làm, rồi dần thành quen. Được sống cùng mọi người, được đi học, đi diễn, với em là rất hạnh phúc.

Mọt tiết mục biểu diễn đẹp mắt của đoàn lân ((Ảnh: đoàn lân cung cấp)
Màn biểu diễn đẹp mắt của đoàn lân (Ảnh: đoàn lân cung cấp)

Vài năm trước, khi đoàn lân đang tập luyện ở khu cầu Chà Và, mẹ của Phát đem Phát và đứa em là Phúc tới xin gửi nhờ để “đi mua sữa”. Nhưng bà đã không trở lại. Một thời gian sau, đoàn tìm được bà ngoại của 2 em, mới biết mẹ của các em có vấn đề thần kinh. Thế là đoàn lân cưu mang 2 anh em.

Nguyễn Hoàng Tú năm nay vừa tròn 18 tuổi, có đến 5 năm theo nghiệp múa lân. Tú không biết mẹ từ nhỏ vì được ông bà nuôi. Sau này, khi ông bà mất, cha mới tìm lại để lo cho em. Đoàn lân là nơi nương tựa của Tú nhiều năm qua. Em không nhớ đã bị trầy xước tay chân, chấn thương bao nhiêu lần vì quá trình tập luyện rất khổ cực. Nhưng vì quá yêu thích và biết đây là hướng đi tốt nên Tú rất cố gắng. Hiện tại, Tú đã có thể kiếm được chút tiền từ công việc để chăm lo cho cuộc sống.

Những đứa trẻ khi về với đoàn đều được “mài giũa” lại. Đứa nào tóc xanh, tóc đỏ đều phải cắt sạch để ra lại tóc đen. Ai xăm mình hay xỏ khuyên tai đều được khuyên xóa bỏ, làm lành lại. Các em được đi học văn hóa ban ngày, tối về sẽ tập luyện cùng đoàn lân. Như trường hợp của Tú, ngoài việc học văn hóa, còn tham gia công tác Đoàn ở phường.

Anh Hưng cho biết, nghề này cần sức khỏe, sự dẻo dai, nhanh nhẹn và cả kỹ năng xử lý tình huống cực tốt mới có thể tạo ra những điệu múa uyển chuyển và đầy năng lượng. Đó cũng là điều những đứa trẻ học được qua quá trình làm nghề. Nhưng trên hết, đó là bài học về cách làm người tử tế. Sự giúp đỡ của nhà hảo tâm chỉ là động lực để họ cố gắng, chứ không dựa dẫm vào đó.

Đến nay, đoàn lân đã hoạt động ổn định. Còn nhớ, lúc mua được chiếc xe Daihatsu cũ, đứa trẻ nào cũng sờ nắm, săm soi khi biết đây là tài sản của đoàn. 2 mùa diễn sôi động nhất là tết Nguyên đán và tết Trung thu. Thời gian còn lại trong năm, đoàn chuyển gạo ST25 từ Sóc Trăng lên bán lấy lời. Sau giờ đi diễn, chiếc xe tải lại dùng để chở hàng. Khi các em lớn lên, muốn đi học nghề, đoàn tạo điều kiện, giúp đỡ. Hiện, nhiều người có công việc ổn định, trong đó có 14 người đã lập gia đình.

Ngoài giờ tập luyện, đi học, bọn trẻ đứa quét nhà, đứa nấu cơm. Bà Thủy kể: “Vì số lượng đông nên có khi khó gặp hết các con”. Có mùa tết, bà nói những đứa trẻ viết vào giấy điều chúng mong ước, băn khoăn. Có đứa viết: “Má ơi, quần con rách đáy hết rồi”.Đoàn lân đông quá nên bà quyết định mua máy may, dạy cho đám trẻ thành thục việc may vá.

Tình thương nối tiếp tình thương tiêp tục tạo ra những điều tốt đẹp. Hoàng Tú và một số em trong đoàn đang cố gắng học nghề, mong sau này có công việc ổn định để có thể giúp đỡ nhiều hoàn cảnh tương tự mình. 

Trung Sơn

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI