Tình thương kỳ lạ cho trẻ khiếm thính

11/01/2016 - 15:34

PNO - Nhìn những con người như vậy, tôi đau lòng lắm. Tại sao lại có những người chẳng thể nghe, chẳng thể giao tiếp, chẳng có những điều kiện bình thường cơ bản.

Chúng tôi tìm kiếm đến Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1 vào một buổi sáng trong lành. Trước mắt chúng tôi là hàng dài các em bé từ nhỏ đến lớn với đồng phục xanh hào hứng tập thể dục. Những con người nhỏ bé đang loay hoay lóng ngóng, cố gắng nghe từng thanh âm hướng dẫn, những đôi mắt mở to chăm chú theo dõi từng động tác tay của giáo viên. Cách đó không xa, có một người dõi theo: Cô Trần Thị Ngời, người lập ngôi trường nhiều hy vọng này.

Cô Trần Thị Ngời gắn bó với trường Hy Vọng 1 đã 25 năm. Từng là giáo viên phổ thông chuyển đến công tác tại Mái ấm Lái Thiêu (dành cho người khiếm thính), cô bắt đầu một đoạn đời khó khăn, nhiều chông gai, khác biệt: chứng kiến những thiệt thòi của người khiếm thính, nhất là trẻ em.

Đó là khoảng thời gian lòng cô nặng trĩu, thường trực suy nghĩ về hoàn cảnh, nỗi bất hạnh của họ. Cô chia sẻ: “Người khiếm thính không có điều kiện đi học, đa số họ không có nghề nghiệp. Nhìn họ ngồi bâng quơ, hoặc tụ tập cùng nhau nhưng vẫn chẳng thấy vui hơn, tôi tự hỏi rồi cuộc đời họ sẽ đi về đâu. Nhiều ngày như thế, thôi thúc tôi phải làm điều gì đó cho họ”. Quyết tâm là vậy, nhưng cô chẳng biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào.

Tinh thuong ky la cho tre khiem thinh
Cô Trần Thị Ngời

Những ngày nghỉ, hình ảnh bơ vơ chông chênh ấy vẫn cứ lẩn quẩn trong cô. Cô đạp xe vòng thành phố, len qua những ngóc ngách, hẻm nhỏ tìm gom những người khiếm thính lại, trò chuyện với họ. Nhiều em kể đó là lần đầu tiên trong đời, sau ba mẹ, có một người bình thường xa lạ, chủ động nói chuyện với mình. Lạ, vui, quan trọng là có người hiểu được mình.

Giữa những lần trò chuyện, cô khuyên các em đi học. Cô bắt đầu mở lớp tại nhà để dạy miễn phí, chủ yếu là đọc, viết, đếm rồi giao tiếp và chia sẻ. Lúc đầu lớp chỉ có năm-sá u em. Dần dần các em rủ nhau đến ngày một đông. Cô phải thuê một căn phòng rồi chia ca, tìm thêm người dạy.

Lúc đầu cô ưu tiên nhận trẻ từ 15-16 tuổi vì nhu cầu giao tiếp, thấu hiểu cho lứa tuổi này khẩn thiết hơn. Nhưng rồi những em nhỏ, những đôi mắt trong sáng, ngây thơ mong muốn được tiếp xúc với mọi người, nghe được âm thanh, giao tiếp, cô cũng không đành bỏ quên. Chưa biết thu xếp làm sao, cô may mắn được một bác sĩ có con gái năm tuổi bị khiếm thính giúp đỡ, cộng tác, dạy học

Cô Ngời nhớ lại: “Có nhiều trẻ khiếm thính trước đó chỉ lủi thủi trong nhà buồn bã nhưng khi đến đây thì rất khác, biết được điều này điều kia như sắp xếp lại giày dép cho ngăn nắp. Rồi khi các em lần đầu tiên phát ra được tiếng gọi mẹ gọi ba, ba mẹ chúng mừng rơi nước mắt. Còn tôi, khó có thể nói điều gì hạnh phúc hơn”.

Nhiều cha mẹ tin tưởng, đưa con đến học ngà y một đông. Đến năm 1990, cô Ngời được UBND TP.HCM tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1 (1 Công xã Paris, P.Bến Nghé, Q.1). 25 năm, khó khăn lúc đầu đã qua nhưng khó khăn hiện tại vẫn còn đó, và người phụ nữ ấy vẫn tiếp tục cố gắng để mang lại hy vọng cho các em.

Tinh thuong ky la cho tre khiem thinh
Cô Trần Thị Ngời đang hướng dẫn các em tập thể dục

Điều gì khiến cô tâm huyết với những em bé đặc biệt này? “Chẳng có lý do gì cả, âu cũng là duyên số. Nhìn những con người như vậy, tôi đau lòng lắm. Tại sao lại có những người chẳng thể nghe, chẳng thể giao tiếp, chẳng có được những điều kiện bình thường cơ bản. Không được dạy bảo, bơ vơ, sống tách biệt, mất đi quyền được hòa nhập vào cuộc sống. Tôi chỉ dành chút sức lực nhỏ bé của mình giúp các em giao tiếp, hòa nhập để có thể tự tin bước vào đời”.

Trước mặt chúng tôi là cô hiệu trưởng bình dị, gương mặt hiền hậu cùng đôi mắt hơi đượm buồn: “Năm tháng đã lấy đi tuổi thanh xuân của tôi. Nhưng cũng đã tặng tôi bao điều. Với những gì đã làm được, tôi chẳng còn điều gì hối tiếc. Hồi đầu, tôi không thể tiếp xúc được với các em. Đã vậy, chỉ cần mình nói gì đó sai, tụi nó mắng ngay, ngu quá đi, khùng quá đi. Mình tủi chứ, nhưng rồi biết các em có được dạy bảo cách cư xử, giao tiếp thế nào đâu. Vì thế tôi càng quyết tâm học hỏi để hòa nhập hơn với các em. Ngôn ngữ của người khiếm thính là sinh ngữ đặc biệt, chúng ta không phải muốn là hiểu ngay được, cần phải học kỹ lưỡng, tập quen dần”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI