Tình thương “có điều kiện"

08/10/2022 - 06:00

PNO - Ông bà ta hay nói: Nuôi con rồi mến tay mến chân, có lẽ cái “mến” đó là một thứ tình thương “có điều kiện”.

Hồi con gái tôi còn nhỏ, bé hay bị ho, mỗi lần ho là bị nôn trớ. Có khi vừa thiu thiu ngủ thì con ho mấy tiếng, phun sữa ra đầy người, ướt cả chăn mền, thấm xuống chiếc chiếu tre. Vợ chồng tôi lui cui dọn, mệt và có khi bực, nhưng phần nhiều là xót con, thương con.

Đôi khi vì giận mà tôi nặng lời vô lý với con, khiến bé khóc ré lên tức tưởi, thế là phải ra sức dỗ dành, càng thương con hơn.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Hay mỗi lần giặt đồ cho con, nhìn cái áo chỉ to hơn bàn tay chút xíu, thấy thương làm sao. Tôi thường không dám dùng nhiều xà bông và hay lựa nước giặt hoặc xà bông có tính tẩy nhẹ, vì sợ hóa chất còn đọng lại trên quần áo của con thì dễ làm hư da con. Có khi tôi giặt áo con bằng sữa tắm, khi phơi khô còn thấy mùi thơm của sữa tắm rất dịu dàng. 

Sau những lần giặt đồ cho con, tôi viết nên những vần thơ giản dị: Chiếc áo của con/ Nhỏ như hai bàn tay ba xếp lại/ Chiếc áo của con/ Nhỏ như chiếc mùi soa!/ Con chào đời bé tựa cánh hoa/ Mỏng mảnh/ Áo làm sao to được?/ Con vừa vặn trong bàn tay ba/ Nhẹ nhàng/ Áo nhỏ hai bề sau trước… Và, tôi vẫn nhớ hoài lời dặn của mẹ: Giặt đồ cho con nhỏ thì đừng có vắt mà chỉ giũ rồi phơi, vì vắt thì sẽ làm con vặn mình… 

Chăm con đâu chỉ có vất vả mà còn những cảm giác đặc biệt khó tả. Lúc con khóc, con cười, con ngáp, con hóng chuyện… rồi con lật, con trườn, con bò, con đứng, con đi, con nói… đều là những kỷ niệm sâu sắc, có khi trở thành câu chuyện gia đình kể hoài không hết. 

Có bậc cha mẹ ghi lại từng khoảnh khắc bằng chữ hoặc bằng hình ảnh, bằng thơ hoặc bằng các câu chuyện cụ thể. Ngày… con lật; ngày… con gọi “ba ba”; ngày… con thôi bú; ngày… con bước bước chân đầu tiên…  Rồi nhiều năm sau, mỗi lần nhớ lại, ta có thể cảm thấy bồi hồi, xúc động, càng thương con hơn. Rồi ba mẹ kể cho con nghe, không phải chỉ để chúng thấy ta đã ghi nhớ về sự lớn lên của chúng như thế nào mà còn nêu những đặc điểm của con ở từng thời khắc.

Vì chăm con nên ba và mẹ đồng cảm từng khoảnh khắc của con: “Trời, cái miệng ổng cười hệt mẹ ổng!”, hay “Ôi, cái trán dồ giống ba làm sao!”, hoặc “Anh nghe mẹ nói con gái kêu “ba ba” rất sớm như anh hồi đó vậy”…

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Con bị muỗi đốt, con ngã trầy tay, con bị sốt… đều làm cha mẹ đau nhói trong lòng. Có lần, con gái nhỏ của tôi bị ngã, tôi xoa xoa chỗ đau của con mà nói: “Lần sau con phải cẩn thận hơn, vì con đau thì ba cũng đau lắm!”. Con tròn mắt nhìn tôi hỏi: “Con đau thì sao ba lại đau?”. Tôi ôm con đáp: “Vì ba thương con nhất, nên con đau thì lòng ba cũng đau, con có hiểu không?”... 

Nhiều người sau giờ làm thích la cà quán xá, bù khú với bạn bè đến muộn mới về, nhưng khi có con thì ai rủ cũng từ chối: “Tôi phải về phụ bà xã giặt tã cho con”, hoặc “Phải tranh thủ về chơi với con!”, hay “Mấy bữa nay con bé cứ ấm đầu, tôi phải về sớm”… Nói chung là về để thấy con, được ôm con trong lòng, được nghe con bi bô, được thay tã hay pha sữa cho con. 

Ông bà ta hay nói: Nuôi con rồi mến tay mến chân, có lẽ cái “mến” đó là một thứ tình thương “có điều kiện”, tức là có nuôi nấng, săn sóc thì càng thương nhiều hơn, mà càng thương thì trách nhiệm càng nhiều! 

Nguyễn Minh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI